Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Niềm tin vào cải cách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Niềm tin vào cải cách

Bảo Uyên

Niềm tin vào cải cách
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017 - Ảnh: M.T

(TBKTSG Online) - Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2017, bên cạnh cơn "lạm phát" điểm 10 là 69% bài thi môn tiếng Anh điểm dưới trung bình. Con số này vào kỳ thi năm 2016 là hơn 84% thí sinh, với trung vị điểm số là 3.

Nhìn vào kết quả môn thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia hai năm liên tiếp, khó có thể lạc quan tin rằng Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020” được đầu tư gần 10.000 tỉ đồng của Bộ GD-ĐT thu được kết quả tương xứng trong 3 năm tới.

Mục tiêu của đề án là hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, có thể sử dụng độc lập và tự tin, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Bộ GD-ĐT cho rằng khó khăn lớn nhất để đạt được mục tiêu là chất lượng đội ngũ giáo viên, yếu tố quyết định cho việc dạy học so với chuẩn còn thấp. Yếu tố con người bao giờ cũng là mấu chốt quan trọng trong một chương trình, đề án. Nhưng nhìn lại 9 năm qua, những con người góp mặt trong chương trình không chỉ có giáo viên mà còn là các cấp quản lý, những người xây dựng đề án.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đề án, tổng số kinh phí đã chi từ năm 2011 đến năm 2015 là hơn 3.829 tỉ đồng. Bộ GD-ĐT thừa nhận có tình trạng lãng phí khi triển khai. Nhiều địa phương đã dùng tiền mua thiết bị hiện đại, đắt tiền nhưng lại không phù hợp với cơ sở vật chất của trường hoặc không phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu của chương trình. Nhiều tỉnh đã sử dụng phần lớn kinh phí mua sắm thiết bị nên không còn tiền cho các hoạt động khác như bồi dưỡng giáo viên, mua tài liệu, phần mềm dạy học.

Không phải đến nay khi nhìn vào kết quả của hai kỳ thi THPT Quốc gia, những chỉ trích đối với Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 mới được nêu ra. Ngay từ lúc chương trình mới đưa ra cũng như trong suốt quá trình thực hiện ở hai giai đoạn, đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia, giáo viên về sự bất hợp lý của đề án, khi triển khai đồng bộ cho 63 tỉnh, thành, bất kể điều kiện dạy học, trình độ giáo viên, nhu cầu học tiếng Anh của học sinh ở mỗi tỉnh, thành mỗi khác nhau.

Trước khi triển khai đề án, các trường đều nhận được yêu cầu gửi góp ý cho chương trình. Câu hỏi đặt ra là vì sao những bất hợp lý, ý kiến trái chiều đã được chỉ ra nhưng đề án vẫn được triển khai.

Không chỉ có đề án ngoại ngữ 2020, mà còn nhiều chương trình, dự thảo khác của Bộ GD-ĐT cũng bỏ sót tâm tư, nguyện vọng của người đứng lớp.

Trên thực tế, cơ chế biểu đạt của giáo viên trước những cải cách của Bộ GD-ĐT là có. Nhưng sau đó, ý kiến có được ghi nhận và tiếp thu hay không, vẫn còn là một câu hỏi. Chưa kể, biết trước hay biết sau là hai chuyện rất khác. Những dự thảo, đề án được kêu gọi góp ý khi nội dung đã xây dựng xong, bộ khung đã định hình, trong khi người trong cuộc là các giáo viên lại không hề được tham vấn từ đầu.

Có lẽ vì thế mới có chuyện, tại một hội thảo góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được tổ chức gần đây ở một trường sư phạm, ban tổ chức hội thảo đã phàn nàn giảng viên các khoa không mặn mà gửi ý kiến; hiệu trưởng nhiều trường thì than giáo viên không nắm hết được nội dung dự thảo. 

Sự hờ hững đó có nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó có nguyên nhân giáo viên, người trực tiếp thực hiện chương trình - xác định rằng mình đứng ngoài cuộc. Sau nhiều cuộc “đổi mới”, “cải cách” giáo dục", họ không còn tin rằng tiếng nói của mình sẽ được ghi nhận hay sẽ góp phần đem lại thay đổi tích cực cho chương trình nữa. Và nói như một giáo viên chia sẻ, “Chúng tôi chỉ là người thừa hành”.

Kỳ họp quốc hội tháng 10-2016, Bộ GD-ĐT thừa nhận không thể hoàn thành Đề án ngoại ngữ vì một số mục tiêu đặt ra quá cao. Còn bên ngoài phòng hội thảo ghi nhận góp ý cho chương trình phổ thông quốc gia diễn ra mấy tháng sau đó, giáo viên đến dự vẫn rì rầm “ý kiến thế thôi, mọi việc lại đâu vào đấy”.

Gần 10.000 tỉ đồng và 69% bài thi môn tiếng Anh điểm dưới trung bình, niềm tin của những người đứng lớp, của phụ huynh vào những “cải cách giáo dục” lại thêm một lần bị thử thách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới