Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo không người kế nghiệp của công ty Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo không người kế nghiệp của công ty Nhật

Chánh Tài

Nỗi lo không người kế nghiệp của công ty Nhật
Ông Masayuki Okano, Chủ tịch Công ty Okano Kogyo, cho biết sẽ đóng cửa công ty trong hai năm tới vì không có người kế nghiệp. Ảnh: Nikkei Asian Review

(TBKTSG Online) - Gần 1,3 triệu công ty vừa và nhỏ ở Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ đóng cửa dù vẫn đang kinh doanh tốt chỉ vì thiếu người trong gia đình kế nghiệp.

Làm ăn tốt nhưng phải đóng cửa

Theo Nikkei Asian Review, Công ty Okano Kogyo có trụ sở quận Sumida của Tokyo, chuyên sản xuất kim tiêm siêu mỏng không gây đau khi tiêm, được thành lập vào năm 1924. Công ty này nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ công nghệ độc quyền trong sản xuất kim tiêm siêu mỏng và một số thiết bị khác. Okano Kogyo cũng sản xuất các khuôn ép để giúp cải thiện công nghệ chế tạo ô tô và các hàng hóa khác.

Tuy nhiên, ông Masayuki Okano, vị chủ tịch 84 tuổi của Okano Kogyo, đang bi quan về tương lai. “Tôi nghĩ tôi sẽ đóng cửa công ty trong khoảng hai năm nữa”, ông Okana nói với vẻ bình thản vì dường như ông đã chấp nhận viễn cảnh ngưng hoạt động.

Okano Kogyo vẫn đang hoạt động có lợi nhuận nhưng ông Okano cho biết không ai tiếp quản nó sau khi ông nghỉ hưu. Hai đứa con gái của ông đã chọn các con đường nghề nghiệp khác.

Ông nói các thiết bị sản xuất kim tiêm siêu mỏng của công ty sẽ được chuyển cho nhà sản xuất thiết bị y tế Terumo.
Cách hai năm, quyết định đóng cửa Công ty sản xuất phấn viết Hagoromo Stationery ở Nhật Bản đã khiến nhiều người trên thế giới luyến tiếc, đặc biệt là những người dạy toán.

Những viên phấn dai cứng, không gây bụi khi viết của công ty có tuổi đời 82 năm này được ví như là “Rolls Royce” của các loại phấn. Song ông Takayasu Watanabe, 73 tuổi, Chủ tịch của Hagoromo Stationery, đành phải chọn cách đóng cửa công ty và chuyển các máy móc sản xuất sang Hàn Quốc vì ông không có người nối nghiệp. “Chúng tôi nhận vô số bản fax, các cuộc gọi điện đặt hàng và khó có thể sản xuất kịp cho các đơn hàng”, Watanabe nói.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Tokyo Shoko Research, khoảng 29.583 công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản đã tạm thời đóng cửa hoặc đóng cửa vĩnh viễn trong năm 2016 do không có người kế nghiệp, tăng mạnh so với con số 21.000 công ty vào năm 2007.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), năm 2015, một bộ phận lớn những người quản lý công ty vừa và nhỏ có độ tuổi 65-69. Tuổi về hưu trung bình của người quản lý này là 70 và đến năm 2025, sẽ có khoảng 2,45 triệu người quản lý ở 60% công ty vừa và nhỏ đến tuổi về hưu. Một cuộc khảo sát của METI cho thấy khoảng 1,27 triệu người trong số những người quản lý sắp nghỉ hưu này cho biết họ chưa chọn được người nối nghiệp và có thể phải đóng cửa công ty.

Ngành sản xuất bị đe dọa

Vào thời kỳ huy hoàng, Hagoromo Stationery sản xuất 90 triệu viên phấn mỗi năm. Ảnh: Nikkei Asian Review

Chính phủ Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp để ngăn ngừa các công ty như Okano Kogyo “khai tử” hàng loạt, một tình thế không chỉ  làm suy yếu ngành sản xuất, trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản mà còn khiến nước này mất mát hàng loạt công nghệ độc quyền.

“Sẽ một thiệt hại nặng nề cho các nền tảng của hoạt động sản xuất nếu các công ty sở hữu công nghệ độc quyền như vậy đóng cửa”, một lãnh đạo của một nhà sản xuất linh kiện ô tô từng làm ăn với ông ty Okano Kogyo, nhận định.

Theo các nhà phân tích, quyết định đóng cửa các công ty vừa và nhỏ với 7-10 lao động và thường đảm nhận vai trò nhà thầu nhỏ cho các doanh nghiệp lớn có thể gây rủi ro cho sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. “Các người chủ công ty ngày càng già và không tìm được người kế nghiệp đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với các công ty Nhật Bản. Nhiều công ty trong nước từ các hãng xe cho đến các hãng sản xuất hàng điện tử có thể phải tìm kiếm các nhà thầu phụ nước ngoài và điều này dẫn đến nguy cơ đẩy nhanh sự xói mòn của ngành sàn xuất trong nước đồng thời gây khó khăn cho chuyển giao công nghệ”, nhà phân tích Yumi Tanaka ở Công ty nghiên cứu tín dụng doanh nghiệp tư nhân of Teikoku Databank, cảnh báo.

Giáo sư Iichiro Uesugi ở Viện Nghiên cứu của Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản) cho rằng việc các công ty đóng cửa sau khi làm ăn thua lỗ liên tục hoặc khánh kiệt tài chính “có thể làm mới ngành sản xuất nhưng khi một doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận, năng suất cao đóng cửa, điều này sẽ làm giảm hiệu quả tổng thể của nền kinh tế”.
Các công ty gia đình với quy mô nhỏ hoạt động qua nhiều thế hệ thường là những công ty có lợi nhuận và doanh thu nằm trong đà tăng. Nếu không kiểm soát, làn sóng đóng cửa của các công ty vừa và nhỏ có thể khiến Nhật Bản mất 6,5 triệu việc làm và GDP hao hụt 22 nghìn tỉ yen (194 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2025, theo tính toán của METI.

Nhận thức được tầm quan trọng của các công ty vừa và nhỏ đối với nền kinh tế, chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu đưa ra các chính sách ứng phó trong những năm tới để tránh tình trạng các công ty vừa và nhỏ “tuyệt chủng” trên diện rộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới