Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vài gợi ý khi tìm thông dịch viên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vài gợi ý khi tìm thông dịch viên

Hoa Tâm

(TBKTSG) - Ngồi tựa lưng vào ghế trên chiếc ô tô đi từ Đồng Nai về TPHCM sau một buổi lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện ô tô, H. - người dẫn chương trình cho sự kiện này, im lặng cả một chặng đường dài, gương mặt buồn thiu. Cách đó chưa đầy một giờ, H. đã làm cho khách hàng của mình giận dữ.

Sự cố bắt đầu từ bài phát biểu của đại diện chủ đầu tư nhà máy. Khi vị này phát biểu bằng tiếng Anh, H. dịch ra tiếng Việt cho khách mời và giới truyền thông tham dự sự kiện. Tuy nhiên, bài phát biểu của vị đại diện nhà máy không như kịch bản lúc đầu. Ông nói theo cảm nghĩ của mình và cứ nói vài câu thì dừng lại để H. dịch. Nhưng chỉ được vài phút thì những người ngồi phía dưới ồ lên, vì phần dịch của H. hoàn toàn sai với những gì ông kia phát biểu.

Đến lúc này, để chữa cháy, nhà đầu tư đã dùng chính nhân viên của họ đứng ra thông dịch. Sau khi sự cố xảy ra, H. đã không giữ được bình tĩnh như lúc đầu. Khi mời vị đại diện của tỉnh nhà lên phát biểu, H. đọc nhầm tên ông ta từ Vĩnh thành ra Vinh. Mặc dù phía nhà đầu tư đã lên tiếng xin lỗi và đính chính lại tên ông Vĩnh nhưng đến phần lễ động thổ ngay sau đó, H. lại tiếp tục lặp lại sai lầm. Cô thật sự bị hoảng loạn, còn nhà đầu tư thì “bực ra mặt”.

Sau sự kiện, H. tâm sự ban đầu cô nhận dẫn chương trình bằng tiếng Việt. Nhưng gần đến ngày diễn ra chương trình, đối tác cho biết có thêm bốn bài phát biểu bằng tiếng Anh và nhờ H. dịch giùm. Cô ngần ngại nhưng rồi cũng nhận lời với điều kiện phải có trước các bài phát biểu để chuẩn bị. Cứ tưởng như vậy là chuẩn bị xong, không ngờ thực tế diễn ra lại khác, H. phản ứng không kịp và cô đã đọc theo bài đã dịch trước mặc cho nội dung không ăn nhập với những gì ông kia đang trực tiếp nói.

Còn việc liên tiếp nói sai tên của vị lãnh đạo tỉnh thì H. cho biết là đối tác gửi cho cô danh sách khách mời tham dự bằng tiếng Anh. Đáng lý ra cô phải hỏi lại cho rõ ràng tên tiếng Việt, nhưng vì non về kinh nghiệm nên đã đọc thành tên Vinh mà không nghĩ đến khả năng có tên khác, như Vĩnh hoặc Vịnh chẳng hạn.

Rõ ràng trong sự cố nêu trên, cả hai bên đều có phần sơ suất. Nhà đầu tư thì quá chủ quan, còn H. thì non kinh nghiệm.

Câu chuyện trên gợi mở một chủ đề là làm sao chọn được một thông dịch viên phù hợp cho các sự kiện, và cần phối hợp như thế nào để công việc diễn ra được trôi chảy?

Để phục vụ cho một sự kiện quốc tế, cần hiểu thông dịch viên ngoài kiến thức chuyên môn còn là người truyền tải thông điệp giữa các bên tiếp xúc để giúp họ hiểu đúng điều muốn truyền đạt, do vậy, nếu chọn người thông dịch không tốt thì cả một sự kiện quan trọng có thể đổ vỡ.

Để an toàn, việc tuyển chọn thông dịch viên thông qua lời giới thiệu của những người uy tín trong ngành hoặc các đơn vị có kinh nghiệm là điều cần thiết, theo bà Ngân Giang, Trưởng Ban điều hành Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu. Đó có thể là các hiệp hội, các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, các câu lạc bộ doanh nghiệp... Mỗi tổ chức như vậy là một nguồn tham khảo đáng gõ cửa. Với kinh nghiệm của người đã nhiều lần tìm kiếm thông dịch viên cho các sự kiện quốc tế, bà Ngân Giang chia sẻ cộng đồng dịch thuật có thể có nhiều nhưng người giỏi thì lại không nhiều và gần như mọi người đều biết nhau.

Cũng xin gợi ý thêm một cách mang tính dài hạn hơn. Mỗi một hội thảo quốc tế (có thông dịch) mà doanh nghiệp tham gia là một cơ hội để xây dựng mối quan hệ với các công ty cung cấp dịch vụ này hoặc các phiên dịch, thông dịch viên tự do. Bản thân người tham dự ít nhiều có thể đánh giá chất lượng của người dịch khi tham dự hội thảo đó.

Chọn được thông dịch viên ưng ý mới chỉ là điều kiện cần. Người dịch, dù giỏi mấy vẫn rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ khách hàng của mình. Trong một hội thảo chuyên ngành biên, phiên dịch gần đây, ông Phạm Xuân Hoàng Ân, người có nhiều kinh nghiệm phiên dịch, đã đưa ra một số lời khuyên từ chính trải nghiệm của mình.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần cung cấp tối đa thông tin có sẵn, kể cả chuyên gia hỗ trợ, vì trong một số chủ đề hoặc một số chuyên ngành, khi đụng đến kiến thức sâu về chuyên môn, người dịch khó có thể hiểu rõ ràng hết những điều cần chuyển ngữ. Do vậy, sự hỗ trợ của chuyên gia là điều cần thiết.

Thứ hai là sự nhiệt tình cập nhật thông tin và tiếp xúc giữa các bên trước khi sự kiện diễn ra. Việc tạo điều kiện tiếp xúc không chỉ giúp người dịch làm quen với chất giọng của đối tác mà còn hiểu thêm lịch trình, cấu trúc, ngữ cảnh cũng như hàm ý câu chuyện có thể diễn ra trong buổi làm việc.

Ví dụ công ty A hẹn gặp để đòi nợ công ty B. Trong cuộc gặp, đại diện bên A to tiếng và dùng lời lẽ có phần thô tục. Trong tình huống này, người thông dịch tính sao: dịch hay không dịch? Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu trước cuộc gặp, bên A nhắc rằng: “Tôi rất bực đối tác này nên tôi nói sao, hãy chuyển tải đúng như vậy”; hoặc: “Tôi rất bực nên khi nói chuyện có thể thiếu kiềm chế, dẫn đến to tiếng, thô lỗ. Anh đừng dịch hết nhé”.

Câu chuyện đòi nợ mà ông Ân chia sẻ có thể khó lặp lại nhưng nó đủ sức thuyết phục cho lời khuyên thứ hai mà ông đưa ra. Quay lại sự cố nêu ở đầu bài. Nếu như H. được cập nhật thông tin về sự thay đổi và tiếp xúc với đại diện của đối tác thì mọi việc có thể đã xuôi chèo mát mái.

Sau cùng, đối với những trường hợp dịch cabin, đặc biệt người dịch ngồi một mình trong cabin, doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố hậu cần cũng như kỹ thuật, từ vị trí cabin, âm thanh, ánh sáng..., thậm chí, bố trí một người kế bên hỗ trợ phòng khi gặp sự cố, hoặc đơn giản chỉ để nhắc diễn giả điều chỉnh tốc độ phát âm.

Kể ra những việc mà người dịch cần doanh nghiệp hỗ trợ có lẽ còn rất nhiều. Và hẳn không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Để chốt lại, cách tốt nhất và dễ nhất là hai bên cùng dành thời gian ngồi lại với nhau để hiểu nhau. Qua đó, có sự chuẩn bị chu đáo nhất trước khi sự kiện diễn ra. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới