Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gameshow 2017: Những mảng màu đối lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gameshow 2017: Những mảng màu đối lập

Quỳnh Nga

(SGTT) - Vẫn chiếm lĩnh sóng truyền hình như một vài năm gần đây, gameshow (các chương trình truyền hình thực tế) năm 2017 có nhiều sự chuyển hướng rõ rệt. Trong bước chuyển mình đó, gameshow 2017 như một bức tranh với đầy đủ những gam màu sáng-tối với nhiều điểm nhấn quan trọng.

Những điểm sáng cần được nhân rộng

Gameshow 2017: Những mảng màu đối lập
Sao nối ngôi nhí – một chương trình đậm chất hồn nhiên trẻ thơ và giàu cảm xúc.

Sau khi nhiều khán giả phản ứng gay gắt trước sự nhảm nhí, vô bổ của một số chương trình truyền hình, gameshow năm 2017 đã bắt đầu hướng đến những chương trình thiên về cảm xúc và ít nhiều cũng đã chạm được vào trái tim của khán giả. Một trong những gameshow được đánh giá cao trong năm 2017 có thể nhắc đến là cuộc thi Kịch cùng Bolero mùa đầu tiên vào năm 2017 – một sự phối hợp giữa kịch nói và dòng nhạc Bolero.

“Kịch Bolero mang lại cho khán giả một góc nhìn khác về sân khấu kịch nói hiện nay ở TPHCM. Sân khấu kịch không chỉ có những vở diễn đơn thuần giải trí, những kiểu hài vô bổ, nhảm nhí như những gì được trình chiếu nhan nhản trên các kênh truyền hình mà vẫn có những vở diễn đầy cảm xúc, chạm được vào trái tim người xem. Hiệu ứng của chương trình là tín hiệu vui để sân khấu có thêm những vở diễn nghiêm túc và giàu cảm xúc hơn. Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng tích cực của Kịch cùng Bolero với đời sống kịch thành phố, dù là chương trình đầu tiên”, đạo diễn, NSƯT Công Ninh nhận định.

Ngoài ra, những tiết mục được chọn dàn dựng ở cuộc thi Kịch cùng Bolero vừa giúp khán giá làm quen với chính kịch, kịch tâm lý, vừa là thước đo để một số nhà quản lý sân khấu nắm bắt được nhu cầu thưởng thức của khán giả, từ đó mạnh dạn hơn khi dàn dựng kịch bản mới. Người chiến thắng của cuộc thi Kịch cùng Bolero ít nhiều cũng đã khẳng định được năng lực của bản thân, trong đó đạo diễn Ngọc Duyên (đến từ “lò đào tạo” sân khấu Hoàng Thái Thanh) trở thành quán quân và á quân Vũ Trần.

Trước Kịch cùng Bolero, nhiều gameshow hài cũng đã bắt đầu chuyển sang khai thác cảm xúc lắng đọng bên cạnh tiếng cười. Những chương trình có sự chuyển hướng rõ rệt nhất là Tiếu lâm tứ trụ, Cười xuyên Việt, Làng hài mở hội. Tất cả những tiết mục được chọn vào chung kết và đạt giải cao đều có cả nụ cười và nước mắt, với những câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ gia đình, xóm giềng, sự nhân nghĩa...

Tiếp sau thành công của Sao nối ngôi, chương trình Sao nối ngôi nhí cũng được đánh giá là một dấu ấn đẹp cho các chương trình truyền hình năm 2017. Mang đậm chất truyền nghề, với những thí sinh nhỏ tuổi đầy tài năng, Sao nối ngôi nhí còn ghi điểm với khán giả nhờ giữ được sự hồn nhiên trong trẻo của trẻ thơ, dù đó là nụ cười hay nước mắt. Đây là một trong những chương trình thiếu nhi hiếm hoi đặt các thí sinh nhí vào đúng lứa tuổi, cảm xúc của mình khi chọn lựa, dàn dựng tiết mục.

Nóng chuyện bản quyền gameshow

Chưa bao giờ việc vi phạm tác quyền tạo thành một làn sóng bức xúc cho các tác giả như năm 2017. Hầu hết những vụ lùm xùm liên quan đến bản quyền đều nằm trong các gameshow truyền hình.

Trong đó, câu chuyện về tác quyền tiếp tục gây tranh cãi khi trong chương trình Kịch cùng Bolero, đạo diễn Vũ Trần chuyển thể vở Tô Ánh Nguyệt từ cải lương sang kịch nói nhưng chưa xin phép gia đình của cố soạn giả Trần Hữu Trang. Tiếp theo là những thắc mắc, “lời qua tiếng lại” về 2 tiểu phẩm khác của đạo diễn Vũ Trần trong chương trình này liên quan đến quyền tác giả. Đó là tiểu phẩm Nợ sữa (vở kịch cùng tên được tác giả Xuyên Lâm chuyển thể từ truyện ngắn Hiu hiu gió bấc của Nguyễn Ngọc Tư), và tiểu phẩm Xuất giá tòng phu (liên quan đến tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan).

Một trường hợp khác cũng gây tranh cãi về tác quyền là việc diễn viên Gia Bảo “mượn” mà không xin phép cả ý tưởng lẫn chất liệu âm nhạc của vở Tía ơi má dìa (của sân khấu Idecaf) để làm tiết mục dự thi một gameshow về truyền nghề. Tiếp đó là tranh cãi quanh việc tiết mục Gia tài của tía của diễn viên Quang Thảo (trong chương trình Kịch cùng Bolero) được cho là khá giống với vở Gia tài của ba do Trấn Thành chấp bút.

Diễn viên Quang Thảo cho biết có đủ bằng chứng chứng minh đây là tiết mục do anh viết kịch bản từ cách đây khá lâu. Trong khi đó, Trấn Thành cũng khẳng định kịch bản của mình được dựa trên chất liệu chính từ những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống. Khi hai nhân vật có liên quan đều khẳng định “mình không liên quan đến nhau” thì câu chuyện tạm dừng tại đó nhưng nghi vấn về việc đạo ý tưởng vẫn râm ran trong dư luận.

Tất cả những vụ việc gây ồn ào liên quan đến tác quyền mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Không ít tác giả, sân khấu biết tác phẩm của mình bị “đạo” để thi gameshow nhưng ngậm ngùi im lặng. “Có lên tiếng thì vấn nạn vẫn không thể giải quyết được đến nơi đến chốn bởi ý thức của một bộ phận người làm nghề quá kém, và cũng chưa có quy định pháp lý nào ràng buộc, ngoại trừ ý thức của người làm nghề” – một tác giả chia sẻ.

Nhìn chung, các gameshow năm 2017 dù chưa có thật nhiều điểm sáng nhưng vẫn cho thấy sự chuyển mình đáng khích lệ của một số nhà sản xuất chương trình. Với những chuyển mình trong năm 2017, công chúng vẫn đang kỳ vọng gameshow sẽ có thêm những điểm sáng mới trong năm 2018.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới