Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tiêu chuẩn cà phê mới: nên hay không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiêu chuẩn cà phê mới: nên hay không?

Ông Lê Anh Tuấn-Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) - Xung quanh tranh luận về việc nên hay không nên áp dụng xuất khẩu cà phê theo tiêu chuẩn mới, TCVN 4193: 2005, TBKTSG Online đã trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cafecontrol.

Ông Tuấn nhận định việc áp dụng theo tiêu chuẩn mới không quá khó như nhiều người lo ngại.  

Thưa ông, nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới thì có bao nhiêu cà phê Việt Nam không đạt yêu cầu?

Ông Lê Anh Tuấn: Nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới thì có 66% sản lượng cà phê xuất khẩu đạt yêu cầu trong tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 800.000-900.000 tấn. Số còn lại, tức 34%, với 4% là của cà phê loại R1 sàng 18 và 30% R2 loại 5% đen vỡ thuộc tiêu chuẩn cũ vốn dựa nhiều vào cách tính tỷ lệ hạt đen vỡ.

Việc xử lý cho đạt yêu cầu tiêu chuẩn mới đối với cà phê R1 sàng 18 hiện nay không quá khó khăn nếu các nhà máy chế biến đầu tư máy bắn màu sau đó phối trộn với các loại tốt hơn hoặc cung cấp cho các nhà máy đủ điều kiện chế biến. Khó hơn là ở loại R2 có 5% hạt đen vỡ, bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư máy phân loại kích cỡ, cả máy sàng trọng lực có thể giảm được 50 lỗi, xuống còn dưới 250 lỗi, gần tương ứng với R2 của tiêu chuẩn mới.  

Thực ra, nếu nông dân thay vì thu hái cả quả cà phê xanh lẫn cà phê chín, mà chỉ lựa chọn quả chín để thu hái thì nguyên liệu quá tốt, ngay từ khâu thu hái đã giảm được 60-70% số lỗi.  

Rất nhiều người hiểu sai việc áp dụng tiêu chuẩn mới khi cho rằng điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng cà phê. Mục đích chính của việc áp dụng tiêu chuẩn mới, theo tôi, là đặt lại tên, mô tả cụ thể chất lượng và khẳng định bản chất của chất lượng từng loại cà phê.

Nhưng nông dân vốn có thói quen hái cả quả xanh vì tiết kiệm lao động khi thu hoạch và có tâm lý nếu chờ cho cà phê chín thì bị hái trộm, nên thà hái quả xanh còn hơn là mất trộm?  

Đúng vậy. Cái quan trọng là làm sao để nông dân thấy được nếu họ thu hái quả chín, họ chỉ được lợi thêm và điều này cần sự tuyên truyền của chính quyền, các cơ quan nông nghiệp địa phương, bộ máy khuyến nông. Thậm chí các địa phương có thể hợp tác với nhà xuất khẩu thực hiện trình diễn các mô hình chỉ thu hái quả chín và chứng minh cho nông dân thấy thu nhập tăng thêm từ công việc này. Còn việc nông dân sợ mất trộm, tôi nghĩ cũng phụ thuộc vào chính quyền địa phương.  

Liệu các công ty giám định cà phê xuất khẩu có đủ điều kiện để giám định theo tiêu chuẩn mới?

Chúng tôi giám định cà phê là giám định theo số lỗi, tức là giám định theo tiêu chuẩn mới, chứ đâu phải giám định kiểu cũ. Có chăng là giám định theo tiêu chuẩn mới mất thời gian hơn một chút. Chẳng hạn với tiêu chuẩn cũ, nhân viên giám định mất 20 phút để giám định xong một mẫu cà phê, còn với tiêu chuẩn mới hơi lâu hơn, có thể 30-35 phút nhưng tôi nghĩ điều đó không phải là trở ngại chính cho áp dụng tiêu chuẩn mới.  

Vậy còn các nhà nhập khẩu, liệu họ có chấp nhận tiêu chuẩn mới?  

Đó là cái tôi đã từng nói nhiều lần trong các cuộc hội nghị, hội thảo về cà phê. Gần như toàn bộ các nhà nhập khẩu trung gian (trader) về cà phê đều có mặt tại thị trường Việt Nam, họ đặt văn phòng tại TPHCM và cũng gần như 100% cà phê của Việt Nam bán qua trung gian, tức bán qua các nhà trader chứ đâu có bán thẳng tới người tiêu thụ là các tập đoàn rang xay.

Với các trader thì cà phê loại nào họ mua cũng được, theo kiểu “tiền nào của nấy”, nên lâu nay đã tạo thói quen mua bán cà phê ở Việt Nam là loại gì cũng xuất khẩu được, cũng có người mua. Nên khi áp dụng tiêu chuẩn mới, nhiều người phản đối là phải thôi, vì lâu nay họ bán loại hạng thấp nhưng vẫn có người mua, vẫn có lời, nay bắt họ bán loại tốt là điều không dễ chút nào. Họ phải tốn kém đầu tư máy móc thiết bị, rồi thay đổi nhiều thứ khác.  

Tại sao chúng ta ban hành tiêu chuẩn mới rồi sau đó cứ tranh luận theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”, mà lẽ ra, người nghe, người cần tranh luận là giữa ta và các nhà tiêu thụ- những hãng rang xay, các tập đoàn chế biến cà phê hòa tan. Chúng ta đã tranh luận tiêu chuẩn chất lượng cà phê không phải chỉ trong năm nay mà cả chục năm rồi.  

Vậy tại sao, nhà nước và hiệp hội cà phê không không bỏ kinh phí, có thể từ kinh phí xúc tiến thương mại, mời các nhà rang xay, các nhà chế biến cà phê hòa tan lớn trên thế giới tới Việt Nam dự một hội thảo, hội nghị quy mô lớn về tiêu chuẩn cà phê mới của Việt Nam. Thông qua đó, giới thiệu cho họ bộ tiêu chuẩn mới của chúng ta, mời họ nếm thử các mẫu cà phê phân loại theo tiêu chuẩn mới và cho ý kiến đánh giá của họ tốt xấu, ngon dở thế nào. Chẳng hạn trong năm nay, trước khi đặt ra vấn đề áp dụng tiêu chuẩn mới, thay vì cứ hội thảo, hội nghị, tại sao chúng ta không gửi cho họ bộ tiêu chuẩn mới, kèm theo là các mẫu cà phê và mời họ phản hồi ý kiến đánh giá, xem thử họ có đồng ý không, họ thích mẫu nào, loại gì? Thậm chí họ có thể góp ý để chúng ta hoàn chỉnh hơn chứ chưa chắc gì bộ tiêu chuẩn mới đã hoàn thiện.  

Như vậy chúng ta vừa quảng bá được tiêu chuẩn mới, quảng bá cả cà phê Việt Nam. Trong khi đó các nhà rang xay, nhà chế biến cà phê hòa tan mới là người quyết định cho các nhà nhập khẩu trung gian nên mua theo loại gì. Hàng năm, các nhà rang xay, nhà chế biến cà phê hòa tan lớn trên thế giới đều ít nhất một lần cử chuyên gia sang Việt Nam để khảo sát, đánh giá năng lực của cả nhà xuât khẩu Việt Nam lẫn nhà nhập khẩu trung gian cung cấp cà phê đầu vào cho họ, vậy mà ta không tận dụng điều này.

HỒNG VĂN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới