Thứ năm, 22/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Một Bretton Woods mới?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một Bretton Woods mới?

(TBKTSG) - Mấy tuần qua các chính trị gia một số nước lớn như Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp, Thủ tướng Gordon Brown của Anh kêu gọi thành lập một hệ thống tài chính quốc tế mới với tên gọi Bretton Woods II.

Theo GS. Jeff Frankel (Harvard Kennedy School), một năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ vào năm 1997, Tổng thống Bill Clinton hỏi các chuyên gia kinh tế của mình (trong đó có Frankel) về việc kêu gọi tổ chức một cuộc họp Bretton Woods mới. Câu trả lời là Clinton không nên đưa ra lời kêu gọi về một vấn đề lớn như thế khi chưa có trong đầu ý tưởng về một hệ thống tài chính quốc tế mới sẽ như thế nào. Clinton đã nghe theo lời các chuyên gia của mình.

Có điều không lâu sau đó Thủ tướng Tony Blair đã phát biểu và kêu gọi một Bretton Woods mới đúng như ý tưởng của Clinton. Người tư vấn cho Tony Blair lúc đó là Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown, hiện là Thủ tướng Anh.

Ngày 15-11 sắp tới, nguyên thủ của 20 quốc gia lớn sẽ họp mặt để bàn về các biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng hiện tại. Theo New York Times, nếu lịch sử lặp lại, tổng thống tương lai của Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc họp này vì không muốn dính dáng gì với Tổng thống George Bush, người mà uy tín đang bị sụt giảm từng ngày. Nếu vậy, cuộc họp thượng đỉnh tới đây chắc cũng sẽ không đi đến đâu, đóng góp lớn nhất của nó có lẽ sẽ chỉ là một liều thuốc an thần cho thị trường đang càng ngày càng khủng hoảng.

Nếu bỏ qua các khía cạnh chính trị liên quan đến cuộc họp này, để nó có thể trở thành Bretton Woods II, các vị lãnh đạo 20 nước lớn cần thảo luận và giải quyết điều gì?

Trước hết, cần nhớ lại Bretton Woods năm 1944 với đại biểu của 44 nước đồng minh đã dẫn đến việc thành lập International Bank for Reconstruction and Development (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế - IBRD), tiền thân của Ngân hàng Thế giới (WB), và Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngoài ra, một trong những mục tiêu đàm phán lúc đó còn nhằm thành lập Tổ chức Thương mại quốc tế (ITO), nhưng phải đến 50 năm sau tổ chức này mới được thành lập với một cái tên mới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về cơ bản, Bretton Woods đã xây dựng một khuôn khổ quan hệ kinh tế quốc tế cho các nước sau chiến tranh, song song với khuôn khổ quan hệ chính trị là Liên hiệp quốc.

Như GS. Frankel và nhiều nhà kinh tế khác đã chỉ ra, cuộc họp ngày 15-11 tới về mặt mục đích và tầm cỡ không thể sánh được với Bretton Woods. Có thể sẽ có đề nghị cải tổ IMF nhưng chắc chắn WB và WTO sẽ nằm ngoài chương trình nghị sự.

Năm 1944, một trong những kết quả quan trọng của Bretton Woods mà sau này được các nhà kinh tế thường xuyên nhắc đến là cơ chế tỷ giá cố định giữa các nền kinh tế và Mỹ chịu trách nhiệm neo đồng đô la với vàng (35 đô la/ounce) để hệ thống tỷ giá mới tương tự như kim bản vị phổ biến trước Thế chiến thứ I. Từ đó đến nay, chính sách tỷ giá của nhiều nước đã thay đổi và hiện tại chủ yếu là tỷ giá thả nổi hoàn toàn.

Cuộc họp sắp tới, theo GS. Frankel, sẽ không bàn về vấn đề tỷ giá. Dù sao thì cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tiền tệ giữa các nước lớn.

Nếu vậy có thể hy vọng cuộc họp ngày 15-11 đem lại điều gì? Có lẽ lại là một lời kêu gọi cải tổ IMF, có thể IMF sẽ có một cơ chế tương tự như cơ chế hỗ trợ tín dụng (swap lines) giữa các ngân hàng trung ương hiện tại. Có thể sẽ có một vài cam kết về phối hợp hành động, dạng như cùng đồng loạt cắt lãi suất hay cùng đồng loạt bảo đảm các tài khoản tiền gửi của dân cư.

Có một điều mà theo các nhà kinh tế là rất quan trọng có thể sẽ được đề cập: sự mất cân bằng về cán cân ngoại thương giữa các nước lớn. Từ trước tới giờ ai cũng biết Mỹ đã tìm nhiều cách gây sức ép để Trung Quốc phải thả cho đồng nhân dân tệ tăng giá so với đô la Mỹ để giảm bớt thâm hụt ngoại thương giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Mỹ thành công trong việc đưa vấn đề này ra thảo luận công khai trong cuộc họp sắp tới, đây có thể là một bước tiến quan trọng trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt với sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ khó có thể có nhượng bộ gì với Mỹ trong thời điểm này, nhất là với Tổng thống Bush, khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn vài tuần nữa.

Dù sao đi nữa, vấn đề mất cân đối quốc tế cần phải được giải quyết và nêu nó ra một cách chính thức có thể là một thành công của cuộc họp sắp tới. Nhưng đó tất nhiên chưa đủ để nó trở thành Bretton Woods II.

GIANG LÊ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới