Việt Nam sẽ tiếp tục hạ giá khi đấu thầu bán gạo cho Philippines?
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Vào ngày 4-5 tới, Philippines sẽ mở thầu lại để nhập khẩu khẩn cấp 250.000 tấn gạo, sau khi quốc gia này đã loại bỏ mức giá chào thầu của Việt Nam và Thái Lan. Thế nhưng, liệu Việt Nam có tiếp tục “xuống nước” cho hợp đồng này như đã từng xảy ra trước đây?
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh |
Ngày 27-4 vừa qua, Philippines đã mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo (gồm 200.000 tấn gạo 25% tấm và 50.000 tấn gạo 15% tấm) theo hình thức liên chính phủ (G2G), nhưng hai quốc gia tham dự cuộc đua là Việt Nam và Thái Lan đều bị loại do giá bỏ thầu cao hơn dự kiến ngân sách được quốc gia này đưa ra.
Cụ thể, mức giá tham chiếu của Philippines công bố trước khi mở thầu là 483,63 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 15% tấm và 474,18 đô la/tấn đối với gạo 25% tấm (giá giao tại kho Philippines). Trong khi đó, mức giá chào thầu gạo 15% tấm của Việt Nam là 540 đô la/tấn, cao hơn giá tham chiếu 56,37 đô la/tấn; gạo 25% tấm là 532 đô la/tấn, cao hơn giá tham chiếu 57,82 đô la/tấn.
Còn Thái Lan, quốc gia này không chào thầu cung cấp gạo 15% tấm, trong khi mức giá chào thầu gạo 25% tấm cao hơn so với giá tham chiếu của Philipines là 55,82 đô la/tấn, tức Thái Lan chào thầu ở mức giá 530 đô la/tấn.
Ngay sau đó, Philippines tiếp tục cho cả Việt Nam và Thái Lan đưa ra mức chào thầu giá mới, nhưng vẫn tiếp tục bị quốc gia này loại vì mức giá mới vẫn quá cao.
Theo đó, mức giá mới của Việt Nam đối với gạo 15% tấm là 530 đô la/tấn, giảm 10 đô la/tấn so với mức giá chào thầu trước đó, nhưng vẫn cao hơn giá tham chiếu của Philippines 46,37 đô la/tấn; gạo 25% tấm là 521 đô la/tấn, giảm 11 đô la/tấn so với mức giá chào thầu trước đó, nhưng vẫn cao hơn giá tham chiếu 46,82 đô la/tấn.
Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục không chào giá cung cấp gạo 15% tấm và gạo 25% tấm được Thái Lan chào giá mới là 520 đô la/tấn, giảm 10 đô la/tấn so với lần chào thầu trước đó, nhưng vẫn cao hơn giá tham chiếu của Philippines là 45,82 đô la/tấn.
Dự kiến ngày 4-5, Philippines sẽ mở thầu lại để nhập khẩu 250.000 tấn gạo như nêu trên và một câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có chấp nhận giảm giá bán trong cuộc đua cung cấp gạo cho Philippines hay không?
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam dự đoán, khả năng doanh nghiệp Việt Nam sẽ hạ giá xuống để bán được gạo. Bởi, trong quá khứ cũng từng xảy ra chuyện tương tự, tức Việt Nam phải chấp nhận “thương lượng” và đồng ý hạ giá để hai bên đạt thỏa thuận.
Theo ông, Việt Nam có “xuống nước” hay không còn phụ thuộc vào tương quan giá chào của Việt Nam và Thái Lan. “Nếu Thái Lan chỉ cao hơn Việt Nam một chút thôi (trong trường hợp nêu trên, Thái Lan chào giá đã thấp hơn Việt Nam 1 đô la/tấn trong lần chào giá lại đối với gạo 25% tấm - PV), thì chắc chắn Việt Nam sẽ “xuống nước” bởi vì nếu không thì Thái Lan sẽ ăn cả”, ông cho biết.
Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra, nếu Việt Nam chấp nhận giảm giá tiếp trong lần mở thầu dự kiến diễn ra vào ngày 4-5, thì Việt Nam liệu có thể giảm giá ở mức tiệm cận với giá tham chiếu của Philippines hay không?
Câu trả lời có lẽ không, bởi khi đối chiếu vào giá gạo thành phẩm của giống IR 50404 - loại gạo chính thường được dùng thực hiện hợp đồng gạo 25% tấm - giao dịch ở thị trường trong nước hiện nay là 9.400 đồng/kg và tỷ giá ngoại tệ là 22.700 đồng/đô la, thì quy ra giá thành gạo thị trường trong nước hiện vào khoảng 414 đô la/tấn và khoảng 450 đô la/tấn đối với chủng loại gạo thực hiện cho hợp đồng gạo 15% tấm.
Như vậy, trường hợp nếu Việt Nam có tiếp tục “xuống nước” cũng không thể xuống quá nhiều. Bởi, nếu cộng các khoản chi phí vận chuyển đến các cảng trong nước, chi phí làm hàng và phí giao hàng đến tại kho của Philippines các thứ, thì mức giá sẽ đội lên rất nhiều, tức các nhà cung cấp như Việt Nam sẽ không thể giảm giá quá mạnh về như giá tham chiếu của Philipines được.
Được biết, trong lần mở thầu lại vào ngày 4-5, Philippines vẫn tiếp tục áp dụng giá tham chiếu, nhưng mức giá này sẽ được phía Philippines tính toán lại dựa trên cơ sở tình hình diễn biến thực tế của thị trường lúa gạo thế giới.
Mời xem thêm: