Đại chiến chuỗi cà phê ở Trung Quốc
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Hãng cà phê Starbucks (Mỹ) đang quản lý chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất Trung Quốc nhưng với sự xuất hiện của đối thủ mới, vị thế dẫn đầu Starbucks có thể bị thách thức.
Chuỗi cà phê Luckin Coffee đang "phả hơi nóng" vào Starbucks tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Kr-asia |
Luckin Coffee “phả hơi nóng” vào Starbucks
Tờ Financial Times cho biết hôm 11-7, chuỗi cà phê Luckin Coffee, có trụ sở ở Bắc Kinh, chính thức gia nhập câu lạc bộ “kỳ lân” khởi nghiệp ở Trung Quốc sau khi thông báo vừa huy động được 200 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn, định giá công ty này ở mức 1 tỉ đô la Mỹ.
Các nhà đầu tư rót tiền cho Luckin Coffee bao gồm các quỹ đầu tư của Trung Quốc như Centurium Capital, Joy Capital, Legand Capital cùng Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC).
Qian Zhiya, giám đốc điều hành Luckin Coffee, cho biết tiềm lực tài chính mới sẽ giúp hãng đẩy nhanh “cuộc đại chiến”, thách thức vị trí dẫn đầu của Starbucks, đang sở hữu mạng lưới 3.300 cửa hàng cà phê tại Trung Quốc.
Vòng gọi vốn của Luckin Coffee cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi cà phê ở Trung Quốc, giúp tạo ra doanh thu 22 tỉ nhân dân tệ (3,3 tỉ đô la Mỹ) vào năm ngoái. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, con số này sẽ tăng lên 26 tỉ nhân dân tệ (3,9 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2020.
Chỉ mới thành lập vào hồi tháng 11 năm ngoái nhưng Luckin Coffee đã nhanh chóng “phủ sóng” hơn 500 cửa hàng cà phê ở 13 thành phố của Trung Quốc. Con số này vẫn ít hơn so với mạng lưới của Starbucks nhưng đã qua mặt chuỗi cà phê Costa Coffee (Anh), chỉ có 420 cửa hàng cà phê ở Trung Quốc sau 10 năm có mặt ở thị trường này.
Chiến lược giá rẻ và giao hàng
Giá mỗi ly cà phê của Luckin Coffee rẻ hơn khoảng 30% so với Starbucks. Ảnh: Weibo |
Luckin Coffee bán các thức uống cà phê với mức giá rẻ hơn 30% so với Starbucks, ngoài ra còn cung cấp dịch vụ giao cà phê theo yêu cầu cho nhân viên văn phòng.
Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs nhận định Luckin Coffee “đang đầu tư quyết liệt để thâu tóm khách hàng và mở rộng quy mô thông qua chiến dịch quảng cáo và bán hàng giảm giá”. Báo cáo nói Luckin Coffee tự định vị như là một kẻ thay đổi luật chơi trên thị trường chuỗi cà phê bằng cách mang đến cho khách hàng trải nghiệm giá rẻ và tiện lợi hơn. Công ty này tập trung “đánh” vào phân khúc nhân viên văn phòng trẻ.
Starbucks, được cảm nhận như thương hiệu cà phê cao cấp ở Trung Quốc, chiếm 80% thị trường chuỗi cà phê ở nước này. Hãng này đang mở các cửa hàng mới ở Trung Quốc với tốc độ 500 cửa hàng mới mỗi năm. Starbucks đặt mục tiêu nâng số cửa hàng tại Trung Quốc lên 6.000 vào năm 2022. Luckin Coffee cũng đang mở cửa hàng mới với tốc độ 2-3 cửa hàng mỗi ngày, tức khoảng 500 cửa hàng mỗi năm.
Nhờ sức mạnh thương hiệu, Starbucks thường được các công ty phát triển bất động sản ưu tiên cho thuế những vị trí đắc địa nhất, giúp hãng cà phê này có lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, Jeffrey Towson, giáo sư kinh doanh ở Đại học Bắc Kinh, cho rằng Luckin Coffee có tiềm năng trở thành đối thủ đáng gờm của Starbucks.
Ông nói: “Bằng cách cung cấp trải nghiệm tương tự như Starbucks nhưng với giá bán rẻ hơn, Luckin Coffee có thể mang sản phẩm cao cấp đến cho giới bình dân. Cách tiếp cận này đã thực sự có hiệu quả với hãng điện thoại Xiaomi trong cuộc đấu với Apple”.
Giá bán mỗi tách cà phê của Luckin Coffee dao động từ 20-30 nhân dân tệ tùy loại, thấp hơn so với mức giá 30-40 nhân dân tệ của Starbucks. Ngoài ra, Luckin Coffee còn tung ra các chiêu khuyến mãi đặc biệt “mua 2, tặng 1”, “mua 5, tặng 5”, thậm chí tặng miễn phí 1 ly thức uống nếu đơn hàng không đến tay khách trong vòng 30 phút. Hiện nay, thời gian giao đồ uống trung bình của Luckin Coffee là dưới 18,2 phút.
Tuy nhiên, Luckin Coffee không bắt chước mô hình kinh doanh Starbucks mà đi theo xu hướng bán lẻ mới dựa vào công nghệ. Khi khách hàng bước vào cửa hàng của Luckin Coffee, họ sẽ được yêu cầu tải ứng dụng Luckin Coffee từ smartphone để đặt mua cà phê. Khách hàng có thể thanh toán bằng ví điện tử WeChat Pay hoặc “ví cà phê” riêng của Luckin Coffee. Nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Trung Quốc đang làm đại sứ thương hiệu của Luckin Coffee.
Hồi tháng 5, Luckin Coffee đã khởi kiện Starbucks với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc vì đã ký hợp đồng độc quyền với các khu mua sắm nơi mà Starbucks hiện diện nhằm ngăn chặn các chuỗi cà phê khác mở cửa hàng ở các khu mua sắm này. Các luật sư nói rằng đơn kiện này có khả năng thất bại vì các hợp đồng như vậy nằm ngoài các quy định chống độc quyền. Những người chỉ trích cho rằng đây là chiêu trò PR thương hiệu của Luckin Coffee.
“Đại gia” chuỗi cà phê Canada nhập cuộc
Chuỗi cà phê và bánh rán Tim Hortons (Canada) lên kế hoạch mở 1.500 cửa hàng ở Trung Quốc trong 10 năm tới. Ảnh: Reuters |
Cùng ngày, chuỗi cà phê và bánh rán Tim Hortons (Canada) thông báo kế hoạch mở hơn 1.500 cửa hàng ở Trung Quốc trong 10 năm tới. Tim Hortons đang quản lý 4.700 cửa hàng trên toàn cầu, chủ yếu ở Canada và Mỹ.Trong hai năm qua, hãng này đã tiến vào các thị trường ở Tây Ban Nha, Mexico, Philippines và Anh.
Tờ The Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết để phục vụ kế hoạch thâm nhập thị trường Trung Quốc, Tim Hortons đã thành lập một liên doanh nhượng quyền thương hiệu độc quyền với quỹ đầu tư Cartesian Capital Group (Mỹ). Dự kiến, cửa hàng đầu tiên của Tim Hortons ở Trung Quốc sẽ được khai trương vào năm 2019.
Sự góp mặt của Tim Hortons sẽ làm nóng thêm cuộc đua giữa các chuỗi cà phê ở thị trường đông dân nhất thế giới. Các nguồn tin cho biết tại Trung Quốc, Tim Hortons chủ yếu bán cà phê và các đồ uống khác, ngoài ra có thể cung cấp một vài món ăn tùy theo khẩu vị của địa phương.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 5,5 tỉ tách cà phê vào năm ngoái, tăng so với con số 4,6 tỉ vào năm 2012. Trong khi đó, người dân Canada tiêu thụ đến 15 tỉ tách cà phê vào năm 2017, do vậy, tiềm năng của thị trường cà phê Trung Quốc còn rất lớn khi mà tầng lớp trung lưu ở nước này ngày càng tăng.