Thứ Sáu, 4/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thưởng thức tạm “xôi lạc” vậy!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thưởng thức tạm “xôi lạc” vậy!

Chính Phong

(TBKTSG Online) - Mấy hôm nay, cụm từ “xôi lạc” trở nên phổ biến trong giới trẻ. Ấy, xin đừng hiểu nhầm. Ở đây là xoilac.tv, một kênh đăng ký trên YouTube, phát trực tiếp và bình luận bằng tiếng Việt các trận đấu bóng đá của đội U23 Việt Nam tại Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 2018, đang diễn ra tại Indonesia.

Thưởng thức tạm “xôi lạc” vậy!
Xoilac.tv, một kênh đăng ký trên YouTube, phát trực tiếp và bình luận bằng tiếng Việt các trận đấu bóng đá của đội U23 Việt Nam đang trở nên phổ biến trong giới trẻ những ngày gần đây.

Kênh xoilac.tv trên YouTube này không có bản quyền phát hình ASIAD, có nghĩa món ăn tinh thần họ gửi đến khán giả là “hàng lậu”. Một nhà báo rất ghiền bóng đá viết trên Facebook: “Nhiều lúc tôi cũng muốn click vào xem. Nhưng rồi cuối cùng thì quyết định không xem. Bởi, xem như thế chả khác nào đồng lõa với trộm cắp. Ai mắng thì xin chịu. Dứt khoát không tiêu thụ hàng gian!”.

Nhưng cũng trên mạng xã hội, có người cho rằng “cung ở đâu không cần biết, tiện thì xem, có bản quyền hay không đâu đến lượt tôi phán xét, việc đó đã có pháp luật và các tổ chức có liên quan làm rồi”. Anh này còn đưa ví dụ ra để bình luận rằng, ở Việt Nam, 99,99% ai từng xem các video ca nhạc hải ngoại cũng là đồng lõa với “ăn cắp” (xét theo lý lẽ trên), vì các hãng băng nhạc chưa được phép, cũng chưa chính thức bán cái đĩa nhạc nào ở Việt Nam.

Giới đại chúng không mấy quan tâm đến lý lẽ nào đâu. Cứ ở đâu phát là họ tìm vào xem để thỏa cơn ghiền thôi, dù gì thì đây cũng là đội bóng mà mấy tháng trước còn được coi là “đội bóng quốc dân”, được tung hô từ bắc tới nam, và cũng có cơ hội khá tốt để tỏa sáng trên đất Indonesia kỳ này.

Nhiều người thậm chí còn khoái cả cái phong cách bình luận rất bình dân, dí dỏm, đường phố của các bình luận viên nghiệp dư trên “xôi lạc” nữa. Dù mạng đôi lúc bị “lag”, dù phải tụm năm tụm ba ghé xem trên màn hình điện thoại nhỏ tịt, nhưng phong trào thưởng thức “xôi lạc” vẫn đang lên, bằng chứng là sau từng trận, số lượng người xem “xôi lạc” ngày càng tăng.

Cũng chả phải đến ASIAD, phong trào xài “hàng lậu”mới bắt đầu. Hàng tuần, khi các đài truyền hình trong nước không có bản quyền các giải bóng đá như Premier League hay Champions League, dân mạng vẫn lọ mọ mở máy tính để thỏa mãn cơn ghiền bằng các đường link “sopcast”.

Theo bà giám đốc trung tâm truyền hình ASIAD 2018 người Indonesia, có 75 nước và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền phát sóng các môn thi đấu tại ASIAD 2018, trong đó có các nước láng giềng của ta là Lào và Campuchia. Tại sao Việt Nam đứng ngoài cuộc chơi này?

Lý giải của VTV là do đơn vị nắm bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam là KJSM hét giá quá cao, nên VTV không mua. Cũng phải thôi, nếu VTV tự hạch toán thu chi, không tiêu tiền thuế từ dân, thì họ tự cân nhắc phương án kinh doanh của họ, từ hòa đến lời thì làm, lỗ thì việc gì phải làm.

Nhưng có nhiều người rành chuyện cho rằng nếu VTV mua bản quyền từ sớm, ví dụ như Thái Lan mua bản quyền từ hồi tháng 11-2017, thì đã không bị “chặt chém”. Nói “chặt chém” hơi quá. Nhưng cũng như mua vé máy bay, anh mua sớm được giá rẻ, còn mua sát giờ thì phải chấp nhận giá cao thôi.

Đằng này, anh ra chợ với ý nghĩ láu cá “cứ để nó đấy, nó không bán cho mình thì nó cũng chẳng bán được cho ai” thì còn lâu anh mới chơi được với người khác.

Thế thôi, các anh em lại tiếp tục thưởng thức “xôi lạc” cho tới khi nào nó bị bắn rụng vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới