Nóng bỏng cuộc đua máy ảnh không gương lật
Vũ Hoàng
(SGTT) - Năm 2018 chứng kiến cao trào của cuộc đua giữa những chiếc máy ảnh không gương lật (mirrorless camera - MRL) đến từ các tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực thiết bị nhiếp ảnh. Sự ra đời của những chiếc máy MRL cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với máy ảnh kỹ thuật số có gương (DSLR) thực sự gây chú ý với giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp lẫn người chơi nghiệp dư.
Kể từ ngày chiếc máy R-D1 do Epson sản xuất ra đời vào năm 2004, công nghệ máy ảnh không gương lật (MRL) đã đi được một chặng đường dài, với sự tham gia ngày càng sôi nổi từ các tập đoàn chuyên về máy ảnh và thiết bị quang học như Canon, Nikon, Sony, Panasonic, Fujifilm và Olympus.
Bắt đầu từ những chiếc máy ảnh du lịch nhỏ gọn (compact camera), những chiếc MRL ngày nay đã đủ khả năng cho ra những khung hình với chất lượng tương đương những máy ảnh có gương (DSLR) đáng tin cậy nhất. Về hạng mục quay phim, những chiếc MRL đến từ những tên như Panasonic và Sony thậm chí có phần áp đảo các máy DSLR nhờ khả năng quay phim 4k mạnh mẽ.
Không những vậy, nhờ việc lượt bỏ hệ thống phản xạ bằng gương lên kính ngắm, máy ảnh MRL còn giành được hai ưu thế rất quan trọng là giá thành rẻ hơn và kích thước nhỏ gọn hơn đối thủ DSLR nhiều. Trong vài năm gần đây thị phần máy ảnh MRL toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt là phân khúc dành cho người sử dụng thành thạo, tạo nên một cuộc đua nóng bỏng giữa những nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng. Sau đây là một số máy ảnh MRL đáng chú ý ra mắt trong vòng một năm qua.
Sony Alpha A7 Mark III
Máy Sony Alpha A7 Mark III |
Ra mắt: tháng 2-2018.
Kích cỡ cảm biến: Full-frame.
Độ phân giải: 24.2 MP.
Kính ngắm: Kỹ thuật số (EVF).
Màn hình hiển thị: 3 inch, 920.000 điểm ảnh, có thể thay đổi góc độ.
Tốc độ chụp liên tục: 10 hình/giây (fps).
Chất lượng video: 4k.
Xét riêng trong dòng máy MRL, Sony Alpha A7 Mark III là sự lựa chọn có thể coi tốt nhất cho những người đam mê nhiếp ảnh vì thông số của máy rất gần với khả năng thực tế. Ngoài chất lượng hình ảnh không hề thua kém so với những máy chuyên nghiệp tốt nhất thị trường, thế mạnh của Apha A7 III nằm ở phạm vi nhạy sáng rộng, thích ứng với điều kiện ánh sáng rất yếu.
Bên cạnh đó, khả năng tự động lấy nét vào mắt người mẫu, khả năng chụp liên tục 10 tấm trong khi máy hoàn toàn yên lặng, cùng với 693 điểm lấy nét trên toàn khung hình thực sự là những điểm cộng khó bỏ qua. Về điểm yếu, màn hình cảm ứng của Alpha A7 III rất hạn chế chức năng, kính ngắm EVF chưa tốt, giao diện và menu còn phức tạp, không thân thiện với người mới làm quen. Tuy nhiên, với mức giá chỉ khoảng 45 triệu đồng cho thân máy, Alpha A7 gần như không có đối thủ.
Nikon Z7
Máy Niko Z7 |
Ra mắt: tháng 8-2018.
Kích cỡ cảm biến: Full-frame.
Độ phân giải: 45.7 MP.
Kính ngắm: Kỹ thuật số (EVF).
Màn hình hiển thị: 3,2 inch, 2.100.000 điểm ảnh, có thể thay đổi góc độ.
Tốc độ chụp liên tục: 9 hình/giây (fps).
Chất lượng video: 4k.
Một trong những tên tuổi lừng danh trong làng nhiếp ảnh là Nikon đã chính thức tham gia vào cuộc đua máy ảnh không gương lật cao cấp với chiếc máy full-frame (đầy đủ kích thước) Z7 và người anh em Z6 có độ phân giải thấp hơn (24 MP). Với danh tiếng về chất lượng hình ảnh của Nikon, Z7 là sự lựa chọn dành cho những ai mong muốn một chiếc máy ảnh với toàn những điểm cộng: gọn, thiết kế đẹp, kính ngắm kỹ thuật số tốt, chống rung hoàn hảo.
Điểm trừ của Z7 chủ yếu liên quan đến việc giá thành quá cao từ thân máy cho đến thẻ nhớ XQD. Ngoài ra, thời lượng pin khá ngắn cũng là một điểm thất vọng nho nhỏ. Giá bán tại Việt Nam: 80 triệu đồng cho thân máy.
Fujifilm X-T3
Máy Fujifilm X-T3 |
Ra mắt: tháng 9-2018.
Kích cỡ cảm biến: APS-C.
Độ phân giải: 26.1 MP.
Kính ngắm: Kỹ thuật số (EVF).
Màn hình hiển thị: 3 inch, 1.040.000 điểm ảnh, có thể thay đổi góc độ.
Tốc độ chụp liên tục: 11 hình/giây (fps).
Chất lượng video: 4k.
Fujifilm X-T3 là sự kế thừa xuất sắc từ đàn anh X-T2 với sự cải tiến trên mọi phương diện. Điểm cộng của X-T3 chủ yếu đến từ khả năng khử nhiễu tốt hơn và khả năng tự động lấy nét được cải thiện. Màn hình hiển thị nay đã có khả năng sử dụng cảm ứng thân thiện hơn trước và tốc độ chụp liên tục cũng nâng lên 11 fps.
Thêm vào đó, kết cấu và chất lượng gia công máy X-T3 là rất tốt, hoạt động bền bỉ trong điều kiện khắc nghiệt, giúp nó trở thành lựa chọn toàn diện đối với những người thích chụp ảnh, quay phim chủ đề thể thao và tự nhiên. Mức giá trên dưới 36 triệu đồng cho thân máy là một sự lựa chọn hợp lý cho những ai không có nhu cầu nâng cấp lên máy ảnh full-frame.
Sony Alpha AR7 Mark III
Máy ảnh Sony Alpha AR7 Mark III |
Ra mắt: tháng 11-2017.
Kích cỡ cảm biến: Full-frame.
Độ phân giải: 42.2 MP.
Kính ngắm: Kỹ thuật số (EVF).
Màn hình hiển thị: 3 inch, 1.440.000 điểm ảnh, có thể thay đổi góc độ.
Tốc độ chụp liên tục: 10 hình/giây (fps).
Chất lượng video: 4k.
Nếu thích A7 III nhưng muốn có cảm biến độ phân giải lớn hơn gần gấp đôi, AR7 III là lựa chọn dành cho bạn. Với khả năng chụp ảnh thiếu sáng cùng với dải tương phản động rộng, AR7 III trở thành chuẩn mực của máy ảnh không gương lật trên khía cạnh toàn diện về mặt chức năng.
Bên cạnh đó, dù chưa đạt đến khả năng của “quái vật bóng đêm” Sony A7S Mark II, AR7 III quay phim thiếu sáng ở độ phân giải 4k cũng rất tốt. Điểm yếu cố hữu của mẫu máy ảnh Sony này vẫn là màn hình cảm ứng hạn chế cùng với thời lượng pin không mấy ấn tượng. Giá bán lẻ thân máy: 62 triệu đồng.
Canon EOS R
Máy ảnh Canon EOS R |
Ra mắt: tháng 9-2018.
Kích cỡ cảm biến: Full-frame.
Độ phân giải: 30.3 MP.
Kính ngắm: Kỹ thuật số (EVF).
Màn hình hiển thị: 3 inch, 920.000 điểm ảnh, có thể thay đổi góc độ.
Tốc độ chụp liên tục: 8 hình/giây (fps).
Chất lượng video: 4k.
Một tên tuổi lớn khác trong làng nhiếp ảnh là Canon cũng đã nhập cuộc với chiết MRL full-frame đầu tiên mang tên gọi Canon EOS R. Chiếc EOS R ra đời với những tham vọng lớn của nhà sản xuất, tập trung vào những cải tiến mới như ngàm ống kính lớn hơn, khả năng điều khiển trên ngàm chuyển đổi Ring Control. Bên cạnh đó, Canon còn hào phóng nâng cấp đáng kể tính năng quay phim với thiết lập C-Log trang bị sẵn, thay vì phải mua với giá gần 2,5 triệu như dòng máy trước. Hệ thống lấy nét tự động Dual Pixel AF vốn đã là chuẩn mực của Canon vẫn phát huy tốt.
Tuy nhiên, những điểm trừ lại nhiều và đáng kể, như: không có cân bằng hình ảnh cơ học, quay video 4k bị cắt cúp bớt, chỉ có một khe cắm thẻ nhớ SD duy nhất. Thêm vào đó, giá bán lẻ cho thân máy lên đến 57 triệu đồng càng khiến EOS R có vẻ hụt hơi so với các đối thủ.
Panasonic Lumix GH5S
Máy ảnh Panasonic Lumix GH5S. |
Ra mắt: tháng 1-2018.
Kích cỡ cảm biến: Micro 4:3.
Độ phân giải: 10.2 MP.
Kính ngắm: Kỹ thuật số (EVF).
Màn hình hiển thị: 3,2 inch, 1.040.000 điểm ảnh, có thể xoay, lật.
Tốc độ chụp liên tục: 12 hình/giây (fps).
Chất lượng video: 4k.
Xét về mặt chụp ảnh, Lumix GH5S không thể so sánh với những đối thủ trong danh sách với cảm biến chỉ có 10.2 MP. Lý do GH5S được quan tâm đón nhận chủ yếu vì đây là chiếc máy MRL có khả năng quay video cực kỳ tốt với những hỗ trợ chuyên nghiệp cho việc quay và dựng phim.
GH5S là bước cải tiến mạnh mẽ so với đàn anh GH5, một thành công rực rỡ của Panasonic, nhất là trong việc quay thiếu sáng. Tuy nhiên, với lý do tối ưu cho việc làm phim, hãng Panasonic đã loại bỏ khả năng chống rung 5 trục trong GH5S, khiến nó trở thành điểm trừ trong mắt nhiều người. Giá bán lẻ: 63 triệu đồng.