Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương mại điện tử được lợi dụng để bán hàng giả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương mại điện tử được lợi dụng để bán hàng giả

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Các trang thương mại điện tử đang được lợi dụng để buôn bán hàng gian, hàng nhái nhưng khâu phát hiện và xử lý còn nhiều phức tạp.

Thương mại điện tử được lợi dụng để bán hàng giả
Các ý kiến của doanh nghiệp nêu tại hội thảo, Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được nêu ra tại hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp” diễn ra tại TPHCM vào ngày 19-10 do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công Thương phối hợp với Báo Công Thương tổ chức.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, một thực trạng khá phổ biến hiện nay là các trang thương mại điện tử đang được nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... bị làm giả nhiều nhất và được quảng cáo, chào bán một cách công khai, tràn lan trên các trang web, mạng xã hội.

"Đối với hình thức gian lận này, các cơ quan chức năng rất khó phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng của đối tượng để xử lý. Những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ hữu hình vốn đã phức tạp và khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử tinh vi và còn phức tạp hơn nhiều", ông Bách nói.

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước và cũng là nơi sản xuất, kinh doanh "hàng hiệu" giả nhiều nhất. Ông Bách nói rằng, nhiều cuộc kiểm tra tại một số chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các tuyến đường kinh doanh đã thu giữ rất nhiều hàng giả của các thương hiệu xa xỉ, đắt tiền.

Một điều đáng ngại là hầu hết các đối tượng đều tái phạm nhiều lần do lợi nhuận buôn bán hàng giả rất cao và hình thức xử phạt còn nhẹ. Trong khi đó, sự phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương chưa đồng bộ, công tác quản lý của lãnh đạo các trung tâm thương mại, ban quản lý chợ chưa quyết liệt.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, cho rằng tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là quốc nạn, gây bức xúc và tác động tiêu cực tới đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư.

Tổng cục trưởng dẫn chứng năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỉ đồng. Trong đó hàng hóa giả về chất lượng, công dụng có 458 vụ vi phạm; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá.

Tiến sĩ Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc ga cho hay, một trong các nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả còn phức tạp là nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật trong kinh doanh thương mại, thiếu kiến thức, thông tin về phân biệt hàng thật, hàng giả. Thậm chí, một số người tiêu dùng còn chuộng hàng giá rẻ, chấp nhận mua và sử dụng.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp còn có tâm lý ngại tố giác tội phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vì sợ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, doanh thu của sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới