Khối nợ sinh viên 1.500 tỉ đô la đe dọa kinh tế Mỹ
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp tiếp theo của Mỹ sẽ có nhiều người có thể không bao giờ trả được món nợ vay học hành do lãi suất cao nhưng mức lương thấp. Viễn cảnh này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Mỹ vì lượng người trẻ mua nhà, hàng hóa và dịch vụ sẽ ít hơn khi họ đang chìm ngập trong nợ nần, theo hãng tin Bloomberg.
Các khoản vay nợ sinh viên ở Mỹ đã lên đến 1.500 tỉ đô la. Ảnh minh họa: Watching America |
Nợ sinh viên ngày càng phình lớn
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tự hào về tỷ lệ thất nghiệp của người lao động Mỹ ở mức thấp kỷ lục và thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, các sinh viên Mỹ có thể không cảm thấy vui trước các tin tức như vậy. Nền kinh tế Mỹ được cải thiện nhưng vẫn chưa tạo ra các việc làm có mức lương cao hơn cho các sinh viên mới tốt nghiệp, những người vốn đang chật vật trả nợ vay học tập.
Nợ vay sinh viên do chính quyền liên bang cấp là phân khúc nợ vay tiêu dùng duy nhất liên tục tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Trong 11 năm qua, nợ vay sinh viên Mỹ có mức tăng trưởng tích lũy gần 157%, trong khi đó, nợ vay mua ô tô chỉ tăng 52% và nợ thế chấp bất động sản cũng như nợ của các chủ thẻ tín dụng thậm chí giảm 1%. Tính đến cuối quí 2-2018, tổng nợ sinh viên Mỹ đã lên mức 1.500 tỉ đô la, trở thành phân khúc nợ tiêu dùng lớn thứ hai của Mỹ chỉ đứng sau nợ thế chấp bất động sản, theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Các khoản vay dành cho sinh viên được giải ngân với tốc độ chưa có tiền lệ khi ngày càng có nhiều học sinh Mỹ theo đuổi con đường đại học. Trong khi đó, mức học phí ở các trường đại học tư lẫn công lập đang tăng lên mức cao nhất của mọi thời đại. Lãi suất của các khoản vay vốn sinh viên cũng đang tăng. Các sinh viên theo học cấp đại học đang phải trả mức lãi suất nhảy lên 5% trong năm nay cho các khoản vay sinh viên của họ, mức cao nhất kể từ năm 2009, trong khi đó, các sinh viên theo học cấp sau đại học đối mặt với mức lãi suất vay đến 6,6%.
Hơn 10% nợ sinh viên quá hạn ít nhất 90 ngày
Các chuyên gia và nhà phân tích lo ngại tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học trong thế hệ tiếp theo của Mỹ không trả nổi nợ vay ở mức thậm chí cao hơn cả thời kỳ ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. “Sinh viên Mỹ không chỉ đối mặt với chi phí học tập đại học ngày càng tăng cao mà còn chi phí lãi suất vay nợ gia tăng. Hai khó khăn này ập đến cùng một lúc, báo hiệu điềm xấu cho những khoản nợ sinh viên”, John Hupalo, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty hoạch định tài chính giáo dục Invite Education, nói.
Hiện nay, nợ vay sinh viên Mỹ đang có tỷ lệ quá hạn trả nợ 90 ngày trở lên cao nhất trong số các khoản nợ hộ gia đình. Hơn 10% khoản nợ sinh viên đang quá hạn ít nhất 90 ngày, trong khi đó, con số này ở nợ vay thế chấp tài sản và nợ vay mua ô tô ở Mỹ chỉ lần lượt 1,1% và 4%.
Giáo sư chuyên ngành kinh tế và giáo dục Judith Scott-Clayton ở Đại học Columbia (Mỹ) nói rằng nhiều tấm bằng đại học ít có giá trị, khiến sinh viên khó kiếm việc làm hoặc chỉ kiếm được các việc có mức lương thấp sau khi ra trường nên họ vẫn chưa thể trả nợ. Các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng tư thục chiếm 70% tỉ lệ vay nợ sinh viên quá hạn.
John Hupalo cảnh báo tỷ lệ nợ sinh viên quá hạn sẽ tiếp tục tăng khi có nhiều sinh viên tốt nghiệp với các tấm bằng không thể mang lại cho họ các công việc có mức lương khá. Theo một báo cáo của công ty công nghệ giáo dục Chegg, cứ 10 sinh viên vay nợ, có 6 người thường xuyên lo lắng về khoản nợ của họ. Giáo sư Scott-Clayton khuyên các sinh viên phải chủ động nghiên cứu các kế hoạch trả nợ khác nhau để xóa đi các nỗi lo sợ không trả nổi nợ.
Sinh viên Mỹ đang dành nhiều thời gian hơn để đi làm, thay vì học hành. Khoảng 85% sinh viên Mỹ hiện nay đang vừa đi học vừa đi làm.
Có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế
Trong 11 năm qua, nợ vay sinh viên Mỹ (màu đen) có mức tăng trưởng tích lũy gần 157%, trong khi đó, nợ vay mua ô tô (màu xanh dương) chỉ tăng 5,2% và nợ thế chấp bất động sản (màu đỏ) và nợ của chủ thẻ tín dụng (màu xanh lá cây) thậm chí giảm 1%. Ảnh: Bloomberg |
Khi mức học phí và hoạt động vay vốn sinh viên tiếp tục gia tăng, cuộc khủng hoảng nợ sinh viên ngày càng trầm trọng đến nỗi tại cuộc điều trần ở Ủy ban ngân hàng thượng viện Mỹ hồi tháng 3, Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo nó sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Ông nói: “Các bạn sẽ chứng kiến các tác động tiêu cực trong dài hạn đối với những người không thể trả nổi các khoản vay sinh viên của họ. Điều này sẽ gây tổn thương cho điểm tín dụng của họ và tác động đến 50% quãng đời đi làm việc của họ. Nếu tình trạng này tiếp tục khi các khoản vay sinh viên tiếp tục tăng và ngày một phình to, tăng trưởng kinh tế chắc chắn có thể bị kìm hãm”.
Vì không thể trả nổi các khoản vay nợ sinh viên nên nhiều người trẻ ở Mỹ vẫn chưa thể mua sắm nhà cửa. Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, 16% người lao động ở độ tuổi 16-35 đang sống chung với bố mẹ trong năm 2017, tăng 4% so với 10 năm trước. “Bạn đang chứng kiến một thế hệ có mức nợ sinh viên cao và điều này đang kìm hãm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ. Khi ngày càng có nhiều người sống chung với bố mẹ hay sống chung với người khác, hàng triệu ngôi nhà và căn hộ sẽ không có người mua. Cũng sẽ không có thêm thuê bao Wifi hay ghế sofa được bán. Chúng tôi nghĩ tình trạng này đang tác động lớn đến nền kinh tế”, Ira Jersey, Giám đốc chiến lược lãi suất Mỹ của Bloomberg Intelligence, nói.
Tuy nhiên, Jersey không cho rằng cuộc khủng hoảng nợ sinh viên sẽ nghiêm trọng như vụ sụp đổ thị trường nhà đất do nợ vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn cách đây một thập kỷ. Ông nói: “Dù cuộc khủng hoảng nợ sinh viên làm tăng mức thâm hụt ngân sách nhưng người dân đóng thuế sẽ ngày càng đóng thuế nhiếu hơn, do vậy, nợ sinh viên sẽ không gây ra rủi ro tài chính có hệ thống như nợ vay thế chấp bất động sản vào năm 2007”.