Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kế hoạch kích cầu của Obama

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kế hoạch kích cầu của Obama

Tổng thống mới được bầu Barack Obama họp báo giới thiệu kế hoạch kinh tế

(TBKTSG) – Tổng thống Mỹ mới được bầu Barack Obama vừa đưa ra một kế hoạch tạo ra 2,5 triệu việc làm trong vòng hai năm tới bằng cách đầu tư nhiều tỉ đô la vào công cuộc tái thiết đường sá, cầu cống, hiện đại hóa các trường công lập, xây dựng các cơ sở sản xuất điện năng từ gió và các nguồn năng lượng thay thế khác.

So với những đề nghị đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đây, kế hoạch này có quy mô rộng lớn hơn và chắc chắn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Dẫn chứng sự kiện những thị trường tài chính đang hỗn loạn, yêu cầu trợ cấp thất nghiệp gia tăng và bóng ma “vòng xoáy thiểu phát có thể làm gia tăng hơn nữa gánh nặng nợ nần khổng lồ của Mỹ”, ông Obama nhận định nước Mỹ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế mang tầm vóc lịch sử và cho rằng Chính phủ Mỹ phải “hành động nhanh và quyết liệt” để chặn đứng nguy cơ “mất hàng triệu việc làm trong năm tới”.

Trong bài diễn văn hàng tuần của đảng Dân chủ trên sóng phát thanh quốc gia thứ Bảy tuần trước, ông Obama tiết lộ rất ít chi tiết và không đưa ra số liệu về quy mô tài chính của kế hoạch mà chỉ cho biết đội ngũ kinh tế của ông đang phác thảo “một kế hoạch đủ lớn để đối phó với những thách thức mà chúng ta đang đối mặt và tôi có ý định phê chuẩn ngay sau khi nhậm chức”. Các lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cũng cho biết họ sẽ bắt đầu thảo luận kế hoạch này vào đầu tháng tới, ngay trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới ngày 6-1-2009, hai tuần trước lễ đăng quang của tổng thống mới.

Bước tiến chiến lược

Các cố vấn thân cận của ông Obama cho rằng, kế hoạch kích cầu của tổng thống mới đắc cử không chỉ nhằm kích thích nền kinh tế đang suy thoái mà họ muốn sử dụng cuộc khủng hoảng kinh tế này như một cơ hội để thúc đẩy sự thay đổi mà nước Mỹ mong đợi, chẳng hạn như giảm thuế cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp, thực hiện những dự án hạ tầng cơ sở lẽ ra phải làm từ lâu, tạo ra “việc làm xanh” thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng thay thế dầu mỏ và những công nghệ thân thiện với môi trường.

“Trong những tuần lễ sắp tới, chúng tôi sẽ thảo ra các chi tiết [của kế hoạch]; nhưng đây sẽ là một nỗ lực toàn quốc, kéo dài hai năm, để gia tăng công việc làm mới ở Mỹ và đặt nền tảng cho một nền kinh tế tăng trưởng vững mạnh. Chúng ta sẽ đưa mọi người trở lại làm việc, xây dựng lại những con đường và những cây cầu ốm yếu, hiện đại hóa các ngôi trường hiện không đáp ứng yêu cầu của con em chúng ta, xây dựng những cơ sở sản xuất điện từ gió và từ ánh nắng mặt trời, sản xuất những chiếc xe hơi sử dụng nhiên liệu hiệu quả và những công nghệ năng lượng thay thế có thể giải phóng chúng ta khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài và giúp nền kinh tế chúng ta có sức cạnh tranh trong những năm sắp tới”, ông Obama nói.

Theo giới phân tích, kế hoạch mới của ông Obama có thể sẽ vượt quá 175 tỉ đô la của gói giải pháp kích cầu mà ông nói tới hồi tháng 10. Kế hoạch lần này có thêm khoản giảm thuế 3.000 đô la Mỹ cho chủ sử dụng lao động nào tuyển dụng thêm được một nhân viên mới ngoài số lao động hiện có, giảm thuế 1.000 đô la cho mỗi gia đình lao động và trợ cấp hàng chục tỉ đô la cho các tiểu bang và thành phố. Ngoài ra, các lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội cũng đã đề ra một sáng kiến khôi phục kinh tế trị giá tới 300 tỉ đô la Mỹ, bao gồm những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng để tạo công ăn việc làm. Tổng thống G. Bush đã từ chối xem xét một giải pháp tốn kém đến như vậy, song ngay cả vài nhà kinh tế bảo thủ nhất cũng cho rằng 300 tỉ đô la là mức tối thiểu cần có để kích thích nền kinh tế Mỹ.

Bài diễn văn của ông Barack Obama được coi như một phần của nỗ lực trấn an các thị trường tài chính đang tức giận vì một tổng thống sắp mãn nhiệm và một Quốc hội “vịt què” đã không đưa ra được một kế hoạch nâng đỡ nền kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. “Không có sự điều chỉnh nhanh chóng hoặc dễ dàng cho cuộc khủng hoảng này, vốn đã hình thành sau nhiều năm. Và có thể tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi khá lên”, ông Obama nói hôm thứ Bảy. “Nhưng ngày 20-1 là cơ hội để chúng ta làm lại từ đầu, với một phương hướng mới, những ý tưởng mới và những cuộc cải cách mới sẽ tạo ra việc làm và tiếp thêm sức sống cho sự tăng trưởng kinh tế lâu dài”.

Bước lùi chiến thuật

Nếu mở rộng kế hoạch kích cầu là bước tiến táo bạo của ông Obama thì bước lùi nằm ở chỗ ông sẽ xem xét lại một cam kết quan trọng đưa ra lúc tranh cử: bãi bỏ chính sách giảm thuế cho những người Mỹ giàu có nhất mà Tổng thống G. Bush đang thực hiện. Theo những cố vấn thân cận, thay vì bãi bỏ, ông Obama sẽ để cho chính sách giảm thuế đó được tiếp tục cho đến khi nó hết hiệu lực vào ngày 31-12-2010.

Những người Cộng hòa có vẻ sẽ được lợi nếu ông Obama quyết định không bãi bỏ chính sách giảm thuế cho những người có thu nhập hàng năm trên 250.000 đô la Mỹ. Bằng cách để cho chính sách này tự động hết hiệu lực, ông Obama sẽ không cần tăng thuế của những người có thu nhập cao trong vòng một vài năm tới như kế hoạch ban đầu của ông. Điều đó có thể mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị. Đảng Cộng hòa sẽ không có cơ sở để phê phán ông Obama tăng thuế trong thời kỳ suy thoái, một việc mà nhiều người tin là phản tác dụng. Để cho chính sách giảm thuế tự hết hạn, ông Obama cũng sẽ có lợi là số thu ngân sách sẽ tăng cao vào năm 2011 và những năm sau, giúp tài trợ cho các kế hoạch cải tổ hệ thống y tế mà không cần phải tăng thuế những người giàu có và đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội cũng không phải tiến hành bỏ phiếu về tăng thuế.

Trong ngắn hạn, ông Obama cũng ít chịu áp lực phải tăng  thu ngân sách nhằm giúp tài trợ những lời hứa trong thời tranh cử bởi vì tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đã tạo ra sự đồng thuận trong cả hai đảng rằng chính phủ phải làm tất cả những gì có thể để khôi phục nền kinh tế.

Chào đón mọi ý tưởng

Một số kinh tế gia chào đón kế hoạch của ông Obama mặc dù họ nói rằng, thật khó đánh giá hiệu quả khi chưa có đầy đủ chi tiết. Việc đặt trọng tâm vào việc tạo ra và duy trì công việc làm là điều có ý nghĩa giữa lúc thị trường lao động đang suy thoái mạnh hiện nay. 2,5 triệu việc làm mới mà ông Obama hứa sẽ tạo ra trong hai năm tới là con số tổng quát. Trong năm nay đã có khoảng 1,2 triệu việc làm bị mất đi và dự báo năm 2009 số việc làm bị cắt giảm còn nhiều hơn số việc làm mới tạo ra, song theo các cố vấn đến năm 2010 xu thế này sẽ đảo ngược nếu kế hoạch của ông Obama biến thành luật.

Báo Washington Post cho rằng, kế hoạch của ông Obama có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nên khó được chấp nhận. Năm 1993, khi lên nắm quyền, cựu Tổng thống Bill Clinton từng đề xuất giải pháp kích cầu trị giá 16 tỉ đô la song đã bị Thượng viện khi ấy bác bỏ.

Hiện nay, những người Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ vẫn có thể ngăn cản một gói kích thích lớn ở Thượng viện; và ông Obama nhận ra điều đó. “Tôi biết rằng thông qua kế hoạch này không phải là chuyện dễ dàng. Tôi cần và sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ những người Cộng hòa và những người Dân chủ. Tôi sẽ chào đón mọi ý tưởng và đề xuất từ cả hai phía”, ông nói.

“Nhưng điều không thể thương lượng được là nhu cầu cần phải hành động ngay”, ông nhấn mạnh.

HUỲNH HOA (tổng hợp)

Những trợ thủ kinh tế của ông Barack Obama

Một phần khác của kế hoạch khôi phục kinh tế Mỹ là thứ Hai (24-11) vừa qua, ông Obama chính thức công bố đội ngũ quan chức kinh tế trong nội các mới.

– Tin về việc bổ nhiệm ông Timothy F. Geithner – 47 tuổi, hiện là Thống đốc Cục Dự trữ liên bang (FED) vùng New York, tức là nhân vật thứ hai trong ban lãnh đạo FED sau Chủ tịch Ben Bernanke – làm Bộ trưởng Tài chính đã giúp thị trường chứng khoán New York tăng thêm gần 500 điểm trong ngày thứ Sáu tuần trước, sau nhiều phiên lao dốc. Những hoạt động chính của FED như cho các ngân hàng vay tiền, ấn định lãi suất, mua và bán công trái trên thị trường, ổn định tình hình tài chính quốc gia… đều do chi nhánh FED vùng New York phụ trách vì New York là trung tâm tài chính của Mỹ.

Trong thời gian diễn ra các vụ khủng hoảng nhà đất, tín dụng và suy thoái kinh tế hiện nay, với tư cách Thống đốc FED vùng New York, ông Timothy F. Geithner đã cộng tác chặt chẽ với Chủ tịch FED Ben Bernanke và Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson để vạch ra những kế hoạch cứu nguy. Giới đầu tư hy vọng, sự chuyển giao quyền lực tài chính từ ông H. Paulson sang ông Geithner sẽ diễn ra một cách trôi chảy, có lợi cho hoạt động của các thị trường.

– Cựu bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nguyên Giám đốc Đại học Harvard, Giáo sư kinh tế Lawrence H. Summers sẽ là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC), là cố vấn chính của tổng thống về kinh tế và phối hợp chính sách. Trong một bài bình luận đăng báo gần đây, ông L. Summers đề xuất một kế hoạch kích cầu cưỡng bức; ông nói rằng chính phủ liên bang cần phải làm nhiều hơn chứ không phải ít hơn trong những lĩnh vực như y tế, năng lượng, giáo dục và giảm thuế. Những tư tưởng của ông L. Summers dường như đã được phản ánh trong kế hoạch kích cầu của ông Obama như đã trình bày trên.

– Bộ trưởng Thương mại mới sẽ là ông Bill Richardson, 61 tuổi, hiện là Thống đốc bang New Mexico. Ông Bill Richardson từng là dân biểu Hạ viện Mỹ từ năm 1983-1997, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc và Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Tổng thống Bill Clinton và đắc cử Thống đốc bang từ năm 2002. Ông Richardson nổi tiếng là một nhà thương thuyết quốc tế đại tài, từng đàm phán thành công với lãnh tụ của nhiều nước đối nghịch với Mỹ như Bắc Triều Tiên, Iraq (thời ông Saddam Hussein), Congo, Sudan…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới