Nghề báo hiện đại cần kỹ năng mới
Mỹ Huyền
(SGTT) - Các nhà báo kỳ cựu nhận định nghề làm báo hiện nay đã khác trước rất nhiều, đòi hỏi những người theo nghề này phải có thêm nhiều kỹ năng mới mà phần nhiều cần được rèn luyện từ khi còn là sinh viên báo chí.
Dấn thân vào nghề báo: Đam mê vượt qua cám dỗ!
Sinh viên đến tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp tại quầy tuyển dụng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ảnh: Thành Hoa |
Trong buổi giao lưu “Sinh viên và cơ hội nghề báo” do Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào đầu tháng 11-2018, các diễn giả cho rằng nhu cầu tuyển dụng từ các cơ quan báo đài luôn luôn cao từ trước đến nay. Thạc sỹ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, Phó Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHKHXH&NV), nhận xét những năm gần đây nhu cầu nhân lực từ nguồn sinh viên báo chí còn cao hơn vì có sự tham gia của các doanh nghiệp.
Cung không đủ cầu
Các giảng viên trong khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐHKHXH&NV thường xuyên nhận được yêu cầu tuyển dụng, nhưng có những lúc số lượng sinh viên trong khoa không đáp ứng được nhu cầu quá cao từ các cơ quan đơn vị này. Tuy nhu cầu tuyển người nhiều là vậy nhưng yêu cầu về chuyên môn lại còn khó khăn hơn trước, rất khó tuyển dụng được người làm báo hội đủ tiêu chuẩn ngành đề ra.
Nguyên nhân đầu tiên là vì môi trường báo chí hiện nay đã mở hơn nhiều so với trước đây và nguồn nhân lực cung cấp cho ngành cũng đa dạng hơn. Theo nhà báo Huỳnh Sang, Biên tập viên Đài tiếng nói TPHCM, trước đây các cơ quan báo chí thường giới thiệu người cho các báo bạn hay là do người yêu thích nghề báo tự dự tuyển. Nay nhiều trường đại học đã có các khoa báo chí cung cấp lượng lao động mới cho ngành.
Thậm chí các sinh viên ngoài ngành cũng cũng tham gia làm báo. Các sinh viên ngành truyền thông với các kiến thức và kỹ năng gần giống với chuyên ngành báo chí thường được ưu tiên nhưng vẫn có cơ hội cho sinh viên các ngành khác. Đối với một số tờ báo chuyên về một mảng nào đó, các sinh viên tốt nghiệp cùng lĩnh vực có thể xin vào làm tương đối thuận lợi. Chẳng hạn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn vốn chuyên về các vấn đề kinh tế cũng mở rộng cửa đón chào sinh viên các trường kinh tế, ngân hàng hay các ngành liên quan.
Nguyên nhân thứ hai, theo nhà báo Huỳnh Sang, nằm ở việc các yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan báo chí bao quát rộng hơn trước bởi vì ngành báo ngày nay tích hợp nhiều phương tiện truyền thông vào việc tác nghiệp. Một ví dụ dễ thấy là truyền hình có trang điện tử tích hợp phát video trực tuyến, ngược lại một tờ báo cũng có trang điện tử và truyền hình riêng của mình.
Muốn giỏi nghề cần đa tài
Việc sàng lọc trong tuyển dụng khá khắt khe, đòi hỏi người làm báo phải ngoài chuyên môn truyền thống còn phải sử dụng được các phương tiện làm tin mới. Nhà báo Hồng Văn, Thư ký tòa soạn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhận định hình ảnh của một nhà báo hiện đại rất khác so với vài năm trước đây. Ông Văn nêu ví dụ về lần cùng tác nghiệp với một nhà báo trẻ người Campuchia khi đi công tác ở nước ngoài. Công cụ tác nghiệp của anh ấy gồm máy vi tính xách tay và một máy ảnh kỹ thuật số để đưa tin đa phương tiện về báo. Lúc thì anh ấy chụp ảnh, lúc thì gắn máy chụp vào chân máy để quay phim. Tin đưa về là một bài báo hoàn chỉnh bao gồm tin chữ, tin hình và tin video clip ngay sau khi sự kiện kết thúc.
Nhà báo Hồng Văn chia sẻ người làm báo trong thời đại mới thì không chỉ cần nắm bắt tin nhanh, đưa thông tin chính xác đầy đủ mà còn phải làm được tin đa phương tiện. Cụ thể, phóng viên phải dùng máy ghi âm lấy tin, cùng lúc phải chụp ảnh và dựng video clip trích nội dung. Sau đó, phóng viên còn phải lồng thuyết minh tiếng và chữ vào video đó. Điều này đòi hỏi nhà báo hiện đại phải làm việc kiểu đa năng “3 trong 1”.
Bên cạnh đó, khi đưa tin trực tuyến, phóng viên phải có khả năng làm tin chính xác và thu hút độc giả hơn để rút ngắn thời gian biên tập tin. Ông Văn cho biết, cách thức để đánh giá tin bài không chỉ dựa vào chuyên môn của người biên tập như trước mà còn dựa vào các số liệu phân tích từ các công cụ kỹ thuật số. Cách dựng tin hiện nay còn được cân đo đong đếm bằng các phương tiện phân tích. Ví dụ, lượng độc giả chọn xem các loại tin nào, cách đưa tin bằng hình hay bằng chữ sẽ được độc giả đón đọc nhiều hơn qua đó hình thành cách làm tin mới cho phóng viên.
Trước các thách thức mới trong nghề như vậy, các sinh viên cần chuẩn bị cho mình nhiều kỹ năng trước khi vào làm nghề. Nhà báo Lê Thị Thanh Thương, Trợ lý Tổng biên tập kiêm Trưởng ban Đối ngoại của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, gợi ý các sinh viên nên đi thực tập sớm khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này là cần thiết cho các bạn trẻ để tiếp cận môi trường tác nghiệp nhanh hơn, nhất là khi hầu hết các cơ quan báo chí đều tuyển phóng viên có từ một năm kinh nghiệm trở lên.
Sinh viên báo chí nên tìm hiểu những thông tin kiến thức nền. Ngoài ra, nếu các bạn chọn mảng chuyên sâu như kinh tế, ngân hàng nên đi học các khóa ngắn hạn để hiểu về lĩnh vực của mình. Cuối cùng, phải có trình độ ngoại ngữ tốt vì môi trường làm báo ngày nay tương tác rất nhiều với các ngành nghề quốc tế.