Bộ Giao thông Vận tải muốn xây dựng cảng 1A tại Trần Đề (Sóc Trăng)
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ bổ sung cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào danh mục cảng biển 1A, tức cảng biển có vai trò là cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Đề xuất xây cảng 1A tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong ảnh là cảng biển của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tại Cần Thơ. Ảnh minh họa: Trung Chánh |
Nguồn tin của TBKTSG Online cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ về việc xây dựng cảng biển 1A cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, có hai vị trí được chọn xây dựng gồm, ví trí thứ nhất tại cửa biển Trần Đề và vị trí thứ hai ở cửa biển Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Liên quan đến dự án nêu trên, mới đây tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng một hệ thống cảng biển ở khu vực ĐBSCL là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Theo Thủ tướng, đã có nhiều cuộc thảo luận, đánh giá các yếu tố cần thiết để hình thành một cảng biển cửa ngõ của vùng, bao gồm giao thông kết nối, yếu tố trung tâm, điều kiện hình thành cảng khi so sánh giữa các vị trí như: Phú Quốc (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), Duyên Hải (Trà Vinh) và Trần Đề (Sóc Trăng).
Cảng có tổng diện tích khoảng 5.750ha; trong đó, khu dịch vụ, hậu cần, logistics 4.000ha; cầu vượt biển dài từ 10km đến 16km kết nối với khu cảng có diện tích từ 1.000 - 1.750ha. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 4,1 tỉ đô la. |
Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất về việc xây dựng cảng biển 1A tại ĐBSCL, trong đó có nêu vị trí đặt ở Trần đề (Sóc Trăng) là thuận lợi nhất. “Tất nhiên, tôi chưa kết luận cái này dứt khoát, nhưng nêu cái hướng như vậy để các đồng chí biết”, ông nói.
Thủ tướng cũng đã thống nhất giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ liên quan về việc xây dựng cảng biển ở khu vực này, trong đó có so sánh vị trí của các cảng để đáp ứng cho tàu có tải trọng 100.000 tấn và trên 100.000 tấn. “Chúng ta không có cảng lớn, cảng nước sâu khó có thể phát triển bền vững, hiệu quả ĐBSCL được”, ông nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Nhà nước có nghiên cứu cảng Trần Đề (Sóc Trăng) và cảng Hòn Khoai (Cà Mau), nhưng nếu làm hai cảng này thì phải xây vươn ra phía biển để đạt độ sâu.
“Nhưng bây giờ tôi chưa dám khẳng định nó sâu cỡ nào và mình có thể kêu gọi được ai đầu tư vì chi phí rất lớn”, ông nhấn mạnh và nói thêm, ngoài mặt địa lý, hiện nay ở địa điểm này chưa có gì để hỗ trợ làm cảng biển nước sâu.
Một thực tế là ngay ở Thái Lan, có cảng lớn nhưng cũng chỉ phục vụ cho riêng nước này chứ không trở thành cảng trung chuyển quốc tế được. “Do đó, đặt vấn đề lúc này là chưa thích hợp”, ông Hiệp khẳng định.
Mời xem thêm: