Tỷ giá biến động, doanh nghiệp nên sử dụng công cụ phái sinh ngoại hối
Phạm Long
(TBKTSG Online) - Sang năm 2019, áp lực cho tỷ giá vẫn luôn thường trực, do vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên sử dụng công cụ phái sinh nhiều hơn như một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro tỷ giá thay vì trông đợi vào một mức tỷ giá ổn định.
Tỷ giá năm 2018 đã trải qua với nhiều biến động mạnh, đặc biệt vào giai đoạn cuối tháng 7 khi tăng đến 1,7%. Tính cả năm nay thì tiền đồng đã mất giá khoảng 2,5% so với đô la Mỹ. Đây được coi là mức tăng thấp nếu so với nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia (tăng 6,8%), Philippines (tăng 5,5%), đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành vào đầu năm.
Tỷ giá giao ngay USD/VND trên liên ngân hàng 2018. Nguồn: Reuters. |
Tỷ giá có thể biến động khó lường
Hai yếu tố tài chính quốc tế lớn trong năm sau thường trực tác động tới tỷ giá đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 2-3 lần và Trung Quốc nới lỏng tiền tệ với những biện pháp mạnh tay khi có thể tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đặc biệt, tỷ giá ở Việt Nam chịu tác động lớn từ diễn biến đồng nhân dân tệ.
Hồi tháng 7, tỷ giá USD/CNY tăng 6%, từ mức 6,4 lên đến 6,8 thì tiền đồng cũng mất 1,7% so với đô la. Năm 2019, tỷ giá cặp USD/CNY được dự báo sẽ mất giá thêm do Fed tăng lãi suất, cộng hưởng với chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ là áp lực lớn cho tỷ giá.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trở lại vì những bất đồng thương mại không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đồng thời, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong thời hạn 90 ngày đình chiến thì các đòn thuế quan sẽ tiếp tục được áp dụng như cũ. Rủi ro từ tài chính quốc tế vẫn thường trực tác động lên tỷ giá và khiến biến số này trở nên khó kiểm soát hơn.
Nhìn nhận tỷ giá dưới góc độ NHNN, mục tiêu tiên quyết trong chính sách tiền tệ nhiều năm qua là kiểm soát lạm phát dưới 4%, hiếm thấy mục tiêu nào về kiểm soát tỷ giá bởi hai mục tiêu này đôi khi không tương đồng, có mẫu thuẫn khi kiểm soát đồng thời. Mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam, giúp củng cố niềm tin trong dân vào tiền đồng, triệt tiêu nhu cầu găm giữ ngoại tệ, vàng, đẩy lùi tình trạng vàng hóa, đô la hóa, đồng thời giúp NHNN mua được đô la, gia tăng dự trữ ngoại hối – một thước đo sức khỏe của nền kinh tế.
NHNN đã bỏ tỷ giá cố định từ 2015, thay vào đó là tỷ giá trung tâm – thả nổi có kiểm soát, nghĩa là định hướng không kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, dần tiếp cận cơ chế thị trường, theo sát cung cầu tiền tệ. Trong khi đó, lạm phát đang chịu ảnh hưởng mạnh từ thế giới do Việt Nam là quốc gia nhập khẩu đa dạng với quy mô lớn. Do vậy, chính sách tiền tệ năm sau sẽ để dành dự địa cho bình ổn lạm phát hơn là kiểm soát tỷ giá chặt chẽ. Tuy nhiên, cần lưu ý điều này không có nghĩa là để mặc tỷ giá biến động, vì nhà điều hành sẽ linh hoạt điều chỉnh sao cho hài hòa tổng thể các biến số vĩ mô.
Công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá
Trước những biến động khó lường có thể xảy ra trong năm sau đối với tỷ giá, doanh nghiệp cần hướng tới việc sử dụng công cụ phái sinh nhiều hơn, đặc biệt là hợp đồng kỳ hạn (forward) như biện pháp phòng ngừa rủi ro. Điều này còn cần thiết hơn trong bối cảnh NHNN đang hạn chế cho vay ngoại tệ, chuyển dần sang cơ chế mua – bán ngoại tệ khi mới đây ban hành thông tư 42/2018/ đưa ra lộ trình cắt giảm việc cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về các công cụ phái sinh, coi nó như công cụ thiết yếu để bảo hiểm cho tỷ giá, giúp tính toán doanh thu, chi phí để có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Năm 2018, nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngoại tệ có khả năng bị lỗ nặng như các doanh nghiệp trong ngành điện EVN, PV Power… do sử dụng đòn bẩy tài chính vay ngoại tệ quá nhiều.
Với dự báo tỷ giá biến động khó lường trong 2019, việc giảm dần vốn vay ngoại tệ, thay vào đó là cân đối các dòng tiền đi - về trong tương lai để sử dụng các hợp đồng mua - bán kỳ hạn ngoại tệ (forward contracts) một cách phù hợp sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế đáng kể tác động từ tỷ giá đến kết quả kinh doanh.