Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Robot không phải là kẻ thù của người lao động?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Robot không phải là kẻ thù của người lao động?

Vũ Dung

(TBKTSG Online) - Vẫn còn nhiều lo ngại về việc công nghệ sẽ thay thế việc làm. Song, các chuyên gia trong ngành cho rằng, cơ hội tạo ra việc làm sẽ lớn hơn rất nhiều nếu các quốc gia có bước đi đúng đắn.

Robot không phải là kẻ thù của người lao động?
Đào tạo lại kỹ năng cho người lao động là khuyến nghị mà các chuyên gia trong ngành đưa ra để ứng phó với quá trình tự động hóa sản xuất. Ảnh: TD

Máy móc không thay thế con người

Rất nhiều thảo luận, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới về việc máy móc có thể thay thế con người. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của ManpowerGroup phục vụ sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa diễn ra ở Davos cho thấy bức tranh hoàn toàn trái ngược. Hơn 87% doanh nghiệp có kế hoạch tăng hoặc duy trì nhân viên hiện có nhờ áp dụng công nghệ và tự động hóa. Đây là con số cao nhất trong 3 năm liên tiếp mà ManpowerGroup thực hiện báo cáo liên quan tới chủ đề này.

Báo cáo dựa trên khảo sát 19.000 doanh nghiệp tại 44 quốc gia về tác động của tự động hóa đến việc làm trong 2 năm tới, cho thấy ngày càng nhiều công ty áp dụng tự động hóa. Nhưng chính xu hướng này là chất xúc tác thúc đẩy nhiều loại hình công việc mới.

Một điểm đáng ngạc nhiên là những công ty áp dụng tự động hóa lại là nơi có kế hoạch tăng nhân viên cao nhất. Theo đó, 24% công ty dự kiến áp dụng công nghệ trong 2 năm tới cũng là công ty có ý định tăng nhân viên, trong khi con số này ở những doanh nghiệp không áp dụng công nghệ chỉ là 18%.

Ngoài việc đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về tác động của tự động hóa tới việc làm, báo cáo cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt nhân tài đang ngày càng lớn, cao nhất trong 12 năm qua trên phạm vi toàn cầu.

Cùng với sự thiếu hụt nhân tài, các kỹ năng mới xuất hiện ngày càng nhiều. Để ứng phó với tình trạng này, 84% doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch nâng cao kỹ năng cho nhân viên của mình tới năm 2020, trong khi con số này năm 2011 chỉ là 21%.

Cũng theo nghiên cứu trên, nhu cầu về kỹ năng tin học (IT) ngày càng lớn khi có tới 16% công ty được khảo sát cho biết sẽ tuyển thêm nhân viên IT.

Riêng trong lĩnh vực sản xuất, nơi robots ngày càng thay thế các công việc giản đơn, lặp đi lặp lại, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này có nhu cầu tuyển những vị trí có khả năng làm việc trực tiếp với khách hàng. Do đó, ngoài kỹ năng IT, người lao động cần trang bị thêm các kỹ năng về giao tiếp, lãnh đạo, đàm phán và khả năng thích ứng.

Chỉ là cơ hội nếu...

Nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội hay thách thức đối với thị trường lao động tùy thuộc vào khả năng ứng phó của mỗi quốc gia.

Quan sát về quá trình chuyển đổi công nghệ tại thị trường Việt Nam, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp chủ yếu mua công nghệ và đưa thêm vào trong quá trình sản xuất. Điều này đang diễn ra ở nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành thâm dụng lao động như dệt may, lắp ráp điện tử.

Để không bị đào thải, người lao động cần phải được đào tạo các kỹ năng mới để vận hành máy móc được đưa vào quá trình sản xuất đó.

“Khuyến nghị được ILO đưa ra ở cấp toàn cầu là người lao động cần phải được học tập suốt đời. Quá trình đào tạo không chỉ giới hạn những năm trên ghế nhà trường mà diễn ra xuyên suốt cuộc đời của mỗi người, đặc biệt trong quá trình đi làm”, bà Valentina Barcucci nói, “Việt Nam cần có chương trình quốc gia để đảm bảo mọi người lao động đều được đào tạo lại trong suốt cuộc đời của mình”.

“Ngày càng nhiều robots được áp dụng trong quá trình sản xuất, nguồn nhân lực cũng vậy”, ông Jonas Prising, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của ManpowerGroup nói.

Do đó, theo ông Jonas Prising, các quốc gia cần phải đào tạo lại nhân lực từ những ngành đang suy thoái như dệt may sang những ngành có tốc độ tăng trưởng cao như an ninh mạng, tự động hóa và sản xuất tiên tiến. “Nếu chúng ta tập trung nâng cao kỹ năng của người lao động, khi đó máy móc có thể là bạn của từng doanh nghiệp, người lao động".

Ngoài đào tạo cho lao động khu vực chính thức, lao động khu vực phi chính thức cũng cần phải được quan tâm đúng mức. Thị trường lao động Việt Nam có những đặc thù riêng khi tỉ lệ lao động làm ở khu vực phi chính thức, lao động dễ bị tổn thương vẫn chiếm tới hơn 50% lực lượng lao động.

Do đó, theo khuyến nghị của ILO, tổ chức vừa kỷ niệm 100 năm thành lập, trong quá trình đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, Việt Nam cần có chiến lược trung và dài hạn nhằm trang bị kiến thức cho khoảng 32 triệu lao động yếu thế này. Đây là chiến lược tăng trưởng mang tính bao trùm và bền vững nhằm ứng phó với tác động không mong muốn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Khuyến nghị cuối cùng được chuyên gia kinh tế lao động của ILO đưa ra là phải đầu tư vào các thiết chế của thị trường lao động, trong đó có việc phê chuẩn 8 công ước cốt lõi của ILO.

Đây là những công ước cơ bản, phù hợp với những Hiệp định Thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đàm phán và đã phê chuẩn. Những công ước này sẽ giúp thị trường lao động Việt Nam phát triển một cách bền vững hơn.

Mời đọc thêm:

Nghĩ về cuộc chuyển đổi nghề nghiệp 4.0

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới