Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nông dân Nhật Bản sử dụng drone, AI để nuôi trồng thủy sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân Nhật Bản sử dụng drone, AI để nuôi trồng thủy sản

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Các nông dân nuôi trồng thủy sản ở Nhật Bản đang sử dụng máy bay không người lái (drone), trí tuệ nhân tạo và công nghệ điện toán đám mây để cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động, theo tờ Nikkei Asian Review.

Nông dân Nhật Bản sử dụng drone, AI để nuôi trồng thủy sản
Một nông dân ở TP. Obama (Nhật Bản) sử dụng máy tính bảng để lên kế hoạch về thời điểm và lượng thức ăn cho cá thu. Ảnh: KIDDI.

Thủy sản nuôi trồng đang ngày càng có tầm quan trọng đối với nguồn cung thực phẩm cho con người khi sản lượng đánh bắt tự nhiên có chiều hướng suy giảm do tình trạng khai thác quá mức. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản, vì vậy, sẽ đóng vai trò then chốt để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng, đặc biệt ở một đất nước có dân số già và lực lượng ở độ tuổi lao động giảm nhanh như Nhật Bản.

Các công ty viễn thông và công nghệ lớn nhất Nhật Bản bao gồm Sharp, KDDI và NEC đang chạy đua phát triển các giải pháp công nghệ cao để hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản đồng thời mở ra các mảng kinh doanh mới khi các hoạt động kinh doanh truyền thống của họ đang chịu nhiều sức ép.

Cuối tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi luật ngư nghiệp lần đầu tiên trong 70 năm, cho phép các công ty phi truyền thống tham gia vào mảng kinh doanh ngư nghiệp và mở ra triển vọng phát triển cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thông minh.

NEC, một tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu ở Nhật Bản, đang có kế hoạch lấn sân sang mảng công nghệ nuôi trồng thủy sản thông minh sau các cuộc thử nghiệm khả quan với Công ty kinh doanh hải sản Nippon Suisan Kaisha.

Cuộc thử nghiệm này được tiến hành ở một trang trại nuôi trồng thủy sản quy mô lớn ở tỉnh Miyazaki với 200 bể nuôi cá cam Nhật Bản (yellowtail). Một số bể nuôi này được lắp đặt nhiều camera để ghi hình đàn cá đang bơi. Sau đó, NEC sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích các hình ảnh này, từ đó, xác định được chiều dài và bề ngang của cá, tự động tính toán trọng lượng của chúng. Điều này cho phép các nông dân điều chỉnh chính xác thời điểm cho ăn và lượng thức ăn, tăng hiệu quả nuôi trồng cá cam.

“Thức ăn là chi phí tốn kém nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản. Nắm bắt được thời điểm cho ăn hợp lý và lượng thức ăn là điều rất quan trọng”, ông Mamiko Hayasaka, Giám đốc bộ phận nền tảng số hóa của NEC, nói.

Theo Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản, thức ăn chiếm 60-70% chi phí nuôi trồng thủy sản của nông dân. Do vậy, cắt giảm lượng thức ăn lãng phí trong hoạt động nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên quan trọng khi dân số toàn cầu và nhu cầu thủy sản đang tăng. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng thủy sản nuôi trồng trên toàn cầu sẽ đạt 93 triệu tấn vào năm 2030, đóng góp 62% nhu cầu thủy sản của thế giới.

NEC cũng đang mở rộng thử nghiệm công nghệ nuôi trồng cá cam Nhật Bản sang cá ngừ và cân nhắc áp dụng công nghệ này cho nhiều loài thủy sản khác bao gồm cá hồi. Thậm chí, công ty còn lên kế hoạch bán công nghệ này cho các nông dân nuôi trồng thủy sản ở nước ngoài bao gồm Na Uy và Chile.

Ông Mamiko Hayasaka cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây để chuyển dữ liệu, do vậy, chúng tôi có thể kinh doanh bất kỳ nơi đâu”.

Công ty dịch vụ viễn thông NEC sử dụng camera và công nghệ trí tuệ nhân tạo để đô kích thước của cá. Ảnh: Nikkei Asian Review

KDDI, công ty dịch vụ viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản, đang hợp tác với một hợp tác xã ngư nghiệp ở TP. Obama, tỉnh Fukui để thử nghiệm sử dụng công nghệ nuôi cá thu.

Cá thu rất được yêu chuộng tại xứ sở mặt trời mọc và thường được sử dụng để làm món sushi nhưng tình trạng đánh bắt quá mức đã tàn phá nghiêm trọng trữ lượng cá thu tự nhiên. Cách đây năm năm, ngư dân ở cảng Tagarasu, TP. Obama đánh bắt được 3.580 tấn cá thu mỗi năm nhưng đến năm 2015, con số này chỉ còn một tấn.

“Cá thu rất khó nuôi vì da rất mỏng và dễ bị tổn thương. Đó lá lý do tại sao chúng tôi cần phải phát triển công nghệ nuôi loài cá này hiệu quả hơn”, Tomonari Ishiguro, một quản lý ở bộ phận phát triển kinh doanh Internet vạn vật của KIDDI, nói.

KDDI đã phát triển các thiết bị cảm biến có kết nối internet để giám sát dữ liệu môi trường nuôi cá chẳng hạn nhiệt độ nước, hàm lượng oxy trong nước, nồng độ muối trong nước, cho phép các nông dân theo dõi các dữ liệu này  từ xa.

Ông Ishiguro nói: “Để tăng trọng lượng cá thu, thời điểm cho ăn là rất quan trọng”. Cá thu thường hoạt động mạnh và thèm ăn ở môi trường nước có nhiệt độ từ 15 độ C trở lên nhưng ăn ít hơn vào mùa đông khi nhiệt độ dưới 13 độ C. Các thiết bị cảm biến của KDDI có thể giúp nông dân lên kế hoạch cho cá thu ăn hiệu quả hơn.

Tadazumi Hamaie, một nông dân nuôi trồng hải sản ở TP. Obama, cho biết ứng dụng quản lý kế hoạch cho cá thu ăn của KDDI rất dễ sử dụng, thậm chí đối với nông dân lớn tuổi không sử dụng thành thạo máy tính và smartphone.

Mảng kinh doanh dịch vụ viễn thông của KIDDI đang chịu áp lực sau khi chính phủ Nhật Bản kêu gọi các nhà mạng cắt giảm cước phí di động đến 40%. Do vậy, các lãnh đạo KIDDI đang tìm kiếm nguồn doanh thu mới từ các sản phẩm khác chẳng hạn các thiết bị giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản.

Trong khi đó, hãng điện tử Sharp đang bắt tay với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Nhật Bản, NTT Docomo và Đại học Tokyo để thử nghiệm các công nghệ mới trong hoạt động nuôi hàu. Các thử nghiệm sẽ kéo dài đến tháng 3-2021 ở tỉnh Hiroshima, một trong những vùng nuôi hàu lớn nhất Nhật Bản.

Trong các thử nghiệm này, các thiết bị cảm biến được gắn vào phao và bè gỗ để đo nhiệt độ nước và nồng độ muối, trong khi đó, các máy bay không người lái sẽ được triển khai để giám sát ấu trùng hàu và thủy triều. Sau đó, các dữ liệu này sẽ được phân tích để xác định khu vực và thời điểm tốt nhất để thả nuôi hàu con.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới