Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Android và quyền lực của Google

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Android và quyền lực của Google

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Google cung cấp mã nguồn mở của hệ điều hành Android cho các nhà sản xuất thiết bị di động trên thế giới tùy ý sử dụng và sửa đổi nhưng nếu muốn sử dụng thương hiệu Android cũng như các ứng dụng độc quyền kèm theo như Gmail, Google Search, Google Maps..., họ phải xin giấy phép từ Google.

Đó chính là lý do Huawei, hãng smartphone lớn thứ hai thế giới, đang sử dụng hệ điều hành Android, đứng trước các rủi ro lớn khi Google tuyên bố ngưng hợp tác kinh doanh với Huawei.

Huawei không dễ lấp đầy “khoảng trống” kho ứng dụng Google Play

Android và quyền lực của Google
Google tuyên bố sẽ ngưng cung cấp hệ điều hành Android và các ứng dụng độc quyền cho Huawei. Ảnh: Thenextweb.com

Bộ Thương mại Mỹ hôm 16-5 đưa Huawei vào danh sách đen, theo đó, cấm công ty Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho các công ty trong danh sách này nếu chưa được cấp phép.

Hôm 19-5, hãng tin Reuters cho biết nhằm tuân thủ lệnh cấm, Google quyết định chấm dứt cung cấp các phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, bao gồm giấy phép sử dụng hệ điều hành thương hiệu Android.

Đến hôm 20-5, Bộ thương mại Mỹ thông báo cấp phép tạm thời trong vòng 90 ngày, cho phép Huawei tiếp tục mua linh kiện và công nghệ của Mỹ để duy trì các mạng lưới viễn thông hiện hành và bảo vệ người dùng smartphone của Huawei ở Mỹ khỏi các rủi ro an ninh.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, nói quyết định này giúp các nhà mạng viễn thông ở vùng nông thôn Mỹ, vốn phụ thuộc vào các thiết bị của Huawei, có thời gian để điều chỉnh.

Sự nới lỏng trên cũng cho phép Google gửi các bản cập nhật phần mềm đến các smartphone của Huawei đang sử dụng hệ điều hành Android đến ngày 19-8.

Trả lời hãng tin CNBC hôm 21-5, người phát ngôn Google cho biết: “Giấy phép tạm thời của Bộ Thương mại Mỹ cho phép Google tiếp tục cung cấp các bản cập nhật phần mềm và các bản vá an ninh cho các dòng smartphone hiện hành của Huawei trong 90 ngày tới”.

Tuy nhiên, Google cho biết sau thời hạn 90 ngày trên, Google sẽ tuân thủ lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ, có nghĩa là trong tương lai, các smartphone mới của Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành thương hiệu Android và các ứng dụng độc quyền của Google như Gmail, Google Search, Google Maps, YouTube... đồng thời các smartphone hiện hành của Huawei sẽ không được cung cấp các bản cập nhật phần mềm và an ninh từ Google.

Android là hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux được thiết kế dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, Android được phát triển bởi Công ty Android, với sự hỗ trợ tài chính từ Google và sau đó, Google mua lại công ty này vào năm 2005.

Mã nguồn của hệ điều hành Android là mã nguồn mở. Mã nguồn này được cung cấp công khai sau khi một phiên bản mới của Android được Google phát hành. Phiên bản mã nguồn mở của Android còn được gọi là Dự án mã nguồn mở Android (AOSP).

Google công bố phần lớn mã nguồn của Android theo Giấy phép Apache phiên bản 2.0 của Quỹ Phần mềm Apache. Giấy phép Apache trao cho người dùng quyền tự do sử dụng phần mềm với bất kỳ mục đích nào, phân phối, chỉnh sửa và bản có sửa đổi của phần mềm, theo các điều khoản của giấy phép mà không lo lắng tới phí bản quyền.

Tuy nhiên, giấy phép này không trao quyền sử dụng thương hiệu Android, vì vậy, các nhà sản xuất thiết bị và các nhà mạng không dây phải xin Google cấp phép sử dụng thương hiệu này theo các hợp đồng cụ thể.

Hầu hết các thiết bị chạy trên hệ điều hành Android được trang bị rất nhiều phần mềm độc quyền của Google chẳng hạn Dịch vụ di động Google (Google Mobile Services), trong đó bao gồm các ứng dụng như Google Play Store, Google Search và Google Play Services, gói dịch vụ cơ bản của Google, giúp người dùng thiết bị Android dễ dàng kết nối và có được các bản cập nhật về một số ứng dụng lõi như CH Play, YouTube, Gmail...

Các nhà sản xuất thiết bị phải xin Google cấp phép sử dụng các phần mềm độc quyền này và chúng chỉ được cài đặt trên các thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn tương thích trong Chương trình tương thích Android của Google.

Một cửa hàng của Huawei ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Hiện nay, Google đang gộp chung quyền sử dụng thương hiệu Android và phần mềm Google Mobile Services vào một giấy phép. Các nhà sản xuất thiết bị muốn được Google cấp giấy phép phải đồng ý cài đặt sẵn các ứng dụng của Google Mobile Services trên thiết bị của họ.

Giấy phép này được Google cấp miễn phí nhưng Google có thể kiếm hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhờ bán quảng cáo trên 2,5 tỉ thiết bị di động đang sử dụng hệ điều hành Android trên toàn cầu cũng như thu phí hoa hồng từ các nhà phát triển ứng dụng đang bán ứng dụng thông qua kho ứng dụng Google Play.

Nếu không được tiếp cận hệ điều hành Android nữa, Huawei vẫn có thể sử dụng phần mềm Dự án mã nguồn mở Android (AOSP) để cài đặt vào smartphone của hãng này, tuy nhiên, nó sẽ không kèm theo các ứng dụng và dịch vụ quan trọng của Google như Gmail, Google Search, Google Maps...

Điều này cũng có nghĩa Huawei chỉ có thể cung cấp các bản cập nhật an ninh cho smartphone của hãng này một khi chúng được công bố ở AOSP. Sự khác biệt là các bản cập nhật như vậy ở AOSP được Google công bố chậm hơn vì Google ưu tiên cung cấp chúng trước cho các nhà sản xuất thiết bị đã được Google cấp phép.

Ngoài ra, Huawei phải tự “đẩy” các bản cập nhật cho người dùng thay vì Google và quy trình này có thể mất nhiều tháng trời.

Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 20-5, các nhà phân tích của Ngân hàng Citi cho biết nếu Google cấm Huawei sử dụng hệ điều hành Android, mảng kinh doanh thiết bị và smartphone của Huawei có thể bị tê liệt.

Các smartphone sản xuất trong tương lai của Huawei có thể không được tiếp cận các ứng dụng như YouTube, Gmail va Google Maps cũng như các bản cập nhật về an ninh. Điều này sẽ khiến smartphone của Huawei không còn sức hút với khách hàng bên ngoài Trung Quốc.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, smartphone của Huawei có thể không bị ảnh hưởng nhiều do nhiều ứng dụng của Google đã bị cấm ở nước này từ trước đó, chẳng hạn, Huawei đang sử dụng các ứng dụng tìm kiếm Baidu thay cho Google Search ở Trung Quốc.

Huawei không tiết lộ cụ thể doanh thu của mảng smartphone nhưng cho biết mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng đóng góp 48% tổng doanh thu của hãng này vào năm ngoái. Nhà phân tích độc lập Richard Windsor cho rằng nếu mất quyền tiếp cận hệ sinh thái Google, xuất khẩu smartphone của Huawei có khả năng bị tổn thương lớn.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, thị trường nước ngoài đang đóng góp khoảng 50% doanh số smartphone của Huawei. Trong quí 1-2019, Huawei xuất khẩu 59,9 triệu smartphone, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty phân tích thị trường IDC.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ giúp Huawei có cơ hội lật đổ Samsung để vươn lên trở thành hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới nhưng tham vọng đó đang bị Google ngáng chặn.

Theo Reuters, CNBC, Forbes

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới