Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Độc quyền làm doanh nghiệp xin chiếu xạ trái cây sang Mỹ sắp… phá sản!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Độc quyền làm doanh nghiệp xin chiếu xạ trái cây sang Mỹ sắp... phá sản!

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Dù nhà máy chiếu xạ đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát đang đứng bên bờ vực phá sản khi sự gia nhập thị trường chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ chỉ do Công ty cổ phần chế biển thủy hải sản Sơn Sơn - đơn vị đang thực hiện cung cấp dịch vụ chiếu xạ duy nhất hiện nay ở Việt Nam được phía Mỹ ủy quyền.

Chiếu xạ trái cây: “sân chơi” không thể một mình!

Độc quyền làm doanh nghiệp xin chiếu xạ trái cây sang Mỹ sắp... phá sản!
Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát đối diện nguy cơ khủng hoảng do bị cản trở gia nhập thị trường chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: TPI

Muốn gia nhập thị trường chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ, Công ty Toàn Phát không những phải xin phép Cục Bảo vệ thực vật hay Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) mà còn phải có sự đồng ý của Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (Công ty Sơn Sơn).

Chiếu xạ trái cây trước khi xuất khẩu vào Mỹ là quy trình bắt buộc phải có, nhưng câu hỏi được đặt ra là vì sao một đơn vị mới muốn gia nhập thị trường chiếu xạ phải được sự đồng ý của Công ty Sơn Sơn?

Ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát - đơn vị đã đầu tư dự án nhà máy chiếu xạ tại tỉnh Long An giải thích, một đơn vị bất kỳ muốn tham gia, thì ngoài việc được Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép (Công ty Toàn Phát đã được Cục bảo vệ thực vật cấp phép - PV), thì phải có cam kết về vấn đề tài chính với Công ty Sơn Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Chiếu xạ Sơn Sơn (TPHCM), nhằm mục đích chi trả các chi phí cho việc APHIS cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra, quản lý chương trình chiếu xạ.

Ngoài ra, một đơn vị để được cấp phép thực hiện dịch vụ chiếu xạ, theo ông Hiếu, Cục Bảo vệ thực vật phải mời APHIS sang đánh giá lại và cấp phép cho nhà máy chiếu xạ, nếu đủ điều kiện.

Vì sao một đơn vị mới muốn tham gia phải đạt được thỏa thuận cam kết tài chính với Công ty Sơn Sơn- vốn cũng là một doanh nghiệp?

Theo ông Hiếu, câu chuyện xuất phát từ năm 2006-2007, khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào chương trình chiếu xạ đưa trái cây vào Mỹ. Lúc đó, kinh phí của Nhà nước không có, muốn tham gia thì doanh nghiệp phải trả các chi phí liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

“Sơn Sơn đã đứng ra lãnh trách nhiệm này, tức đại diện cho chuỗi cung ứng của Việt Nam để làm việc dù chương trình chiếu xạ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ ký”, ông nói.

Do Sơn Sơn đứng ra chịu trách nhiệm cam kết tài chính với Mỹ nên đơn vị này được công nhận là “Cooperator”. Điều 2.3 của Irradiation Operational Work Plan (Bản kế hoạch hoạt động chiếu xạ) định nghĩa "Cooperator" là đơn vị được công nhận chính thức đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà đóng gói, và các cơ sở chiếu xạ tại Việt Nam để ký kết kế hoạch tài chính với APHIS.

“Mỹ không đi thu tiền từng đơn vị mà thông qua đại diện là Sơn Sơn. Do vậy, khi một đơn vị bất kỳ muốn tham gia vào chương trình chiếu xạ trái cây vào Mỹ, thì phải có công văn gửi đến Sơn Sơn và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong chương trình này”, ông Hiếu giải thích.

Thực hiện đúng thủ tục, Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát có Công văn số 11/2019/CV-PTC/TPI về việc tham gia chương trình chiếu xạ trái cây vào thị trường Mỹ gửi đến Sơn Sơn. Tại công văn này, ông Vương Đình Khoát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Toàn Phát, cho biết đơn vị này cam kết đóng góp tài chính cho quá trình vận hành, quản lý chương trình với mục đích thiết lập một thỏa thuận chính thức về tài chính giữa hai bên nhằm đảm bảo chi phí cho các chuyên gia APHIS đi về Việt Nam kiểm tra, quản lý chương trình.

Tuy nhiên, phía Công ty Sơn Sơn lại cố tình gây khó dễ, dù hai bên đã liên tục có rất nhiều cuộc đàm phán để giải quyết.

Mới đây, ngày 6-6, Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát đã có công văn số 22/2019/CV-PTC/TPI gửi Cục Bảo vệ thực vật "như là lời cầu cứu" về việc đơn vị này bị cản trở gia nhập chương trình chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo đó, tại Công văn nêu trên, ông Khoát cho biết, từ tháng 3-2019 đến nay, giữa Công ty Toàn Phát và Sơn Sơn đã ba lần đàm phán giải quyết về thỏa thuận cam kết tài chính để Toàn Phát được tham gia vào thị trường chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào Mỹ, nhưng đều chưa đạt được thỏa thuận.

Tại cuộc đàm phán lần thứ nhất diễn ra ngày 13-3-2019, Công ty Sơn Sơn cho rằng tài khóa của đơn vị này "dở dang" nên không chấp nhận Toàn Phát tham gia chương trình này.

Còn tại cuộc đàm phán lần thứ hai, ngày 24-5-2019, Công ty Sơn Sơn lại cho rằng chưa đến năm 2023 là năm kết thúc tài khóa mà Sơn Sơn được quyền thụ hưởng của chương trình này nên không chấp nhận cho công ty Toàn Phát tham gia.

Trong khi đó, ở lần đàm phán thứ ba, ngày 31-5-2019, ông Trầm Trọng Ngân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Sơn đưa ra lập luận đã ký với APHIS một hợp đồng dịch vụ 5 năm, từ 2018 đến 2023, trong khi, Toàn Phát nộp đơn sau khi Sơn Sơn đã ký hợp đồng 5 năm với APHIS, cho nên, đơn vị này tham gia có tính chất bất ngờ là không hợp lý, sẽ gây thiệt hại lớn đối với Sơn Sơn.

Dù lập luận như vậy, nhưng tại cuộc đàm phán lần thứ hai như nêu trên, Công ty Sơn Sơn tuyên bố không chiếm lĩnh sự "độc quyền" khi cho rằng, nếu Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Trung tâm chiếu xạ Đà Nẵng đăng ký thì Sơn Sơn đồng ý cho tham gia. Vậy, tại sao Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát đề nghị tham gia, thì Sơn Sơn lại cản trở và viện dẫn lý do đơn vị này đã ký hợp đồng 5 năm với APHIS?

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, vì hai trung tâm chiếu xạ Hà Nội và Đà Nẵng không phải là thị trường chiếu xạ của Sơn Sơn nên được đơn vị này “bật đèn xanh”, nếu muốn gia nhập. Trong khi đó, Toàn Phát và Sơn Sơn cùng ở một khu vực (một đơn vị ở Long An và một ở TPHCM), cho nên, đơn vị này không muốn Toàn Phát gia nhập “cuộc chơi”.

Lập luận Sơn Sơn đã ký hợp đồng dịch vụ 5 năm với Aphis, tức đến năm 2023 mới kết thúc theo ông Hiếu là không chính xác. Bởi, quy định của Aphis về tài khóa cho biết một năm tài khóa bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc trước 31-5 năm sau. Trong đó, việc thực hiện cam kết tài chính được chia ra làm bốn đợt gồm: đợt một, bắt đầu từ tháng 9 hàng năm; đợt hai, kết thúc trước 30-11; đợt 3 kết thúc trước 1-3 và đợt cuối cùng phải kết thúc trước 31-5 hàng năm.

Rõ ràng, với những quy định cụ thể như trên, Toàn Phát có thể tham gia chương trình chiếu xạ trái cây đi Mỹ kể từ năm tài khóa mới, tức bắt đầu từ tháng 9-2019.

Cần cơ chế gia nhập chiếu xạ công bằng, minh bạch

Tại công văn gửi Cục bảo vệ thực vật nêu trên, ông Khoát kiến nghị, Cục Bảo vệ Thực vật cần thảo luận lại với phía Mỹ để điều chỉnh nội dung điều 6.3 của Irradiation Operational Work Plan để phù hợp hợp với bối cảnh Việt Nam, nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi không đúng của Công ty Sơn Sơn có thể tiếp diễn đối với các đơn vị chiếu xạ khác sau này.

Theo đó, điều 6.3 Irradiation Operational Work Plan quy định, một đơn vị chiếu xạ mới tham gia chương trình, thì "cooperator" có trách nhiệm xác nhận để đơn vị đó hoàn thành các thủ tục xin chứng nhận từ APHIS, tức điều chỉnh nội dung này để tạo cơ chế cho các đơn vị mới muốn tham gia chiếu xạ được công bằng và minh bạch hơn, thay vì bắt buộc phải đạt được thỏa thuận tài chính với Công ty Sơn Sơn như hiện nay (nhưng Sơn Sơn lại đang gây khó dễ).

Theo ông Khoát, đơn vị này đã đầu tư và vay nợ ngân hàng để xây dựng dự án chiếu xạ theo chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn tại nghị định 57/NĐ-CP ngày 17-4-2018.

“Sự cản trở của Công ty Sơn Sơn sẽ gây cho chúng tôi rất nhiều thiệt hại về tài chính, có nguy cơ đi đến bờ vực thẳm, đánh mất công ăn việc làm của hàng trăm lao động, đồng thời cũng đe dọa các nhà đầu tư khác không dám đầu tư vào ngành nghề chiếu xạ nữa”, ông cho biết.

Căn cứ khoản 6 điều 13 Luật canh tranh số 27/2004/QH11 có hiệu lực ngày 1-7-2005, theo ông Khoát, Công ty Sơn Sơn đã vi phạm luật một cách nghiêm trọng với hành vi "ngăn cản việc tham gia thị trường" của những đối thủ cạnh tranh mới.

“Chính vì vậy, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật quan tâm, xem xét giải quyết nguyện vọng của Công ty Toàn Phát xin được tham gia chương trình của tài khóa 2020, bắt đầu tư tháng 9-2019”, ông nhấn mạnh và cam kết đóng góp 50% tài chính với Công ty Sơn Sơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới