Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bất an với “điểm mù” 647 tỉ đô la trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bất an với “điểm mù” 647 tỉ đô la trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc

Lê Linh

(TBKTSG Online) - “Điểm mù” 647 tỉ đô la Mỹ của các ngân hàng thương mại hoạt động ở vùng nông thôn và thành phố nhỏ ở Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại, giới đầu tư cho rằng sẽ có thêm nhiều ngân hàng đối mặt với sự can thiệp của nhà nước hoặc sụp đổ sau khi Trung Quốc lần đầu tiên tiếp quản một ngân hàng trong 18 năm qua.

"Điểm mù" 647 tỉ đô la là tổng tài sản của 19 ngân hàng của Trung Quốc chưa công bố báo cáo tài chính, nhà đầu tư không rõ số tài sản này hiện được sử dụng ra sao, đã chuyển thành tài sản xấu hay chưa và xấu bao nhiêu phần trăm.

Vết đổ từ ngân hàng BSB

Hôm 24-5, lấy lý do ngăn chặn các rủi ro tín dụng nghiêm trọng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) thông báo tiếp quản ngân hàng Baoshang (BSB) trong vòng một năm, một động thái mà trên thực tế cho thấy ngân hàng này đã phá sản.

BSB là một ngân hàng tư nhân có trụ sở ở TP. Bao Đầu thuộc khu tự trị Nội Mông, nằm cách phía tây Bắc Kinh 600 km. “Mọi người đến ngân hàng này rút tiền. Tôi cũng đến rút hàng chục ngàn nhân dân tệ tiền tiết kiệm nhưng phải đứng xếp hàng chờ 30 phút mới đến lượt”, tài xế họ Zhang ở Bao Đầu kể lại không khí hỗn loạn vào hôm 24-5.

Một người bạn của Zhang, bay từ thành phố Quảng Châu về Bao Đầu để rút tiền.

“Có quá nhiều người đến rút tiền vào hôm 24-5. Kể từ đó, tôi làm việc liên tục, không nghỉ ngày nào”, một nhân viên giao dịch của BSB nói và cho biết, ngân hàng mở cửa cả những ngày cuối tuần để phục vụ khách đến rút tiền.

Đây là lần đầu tiên trong 18 năm qua, Chính phủ Trung Quốc tiếp quản một ngân hàng. Vụ tiếp quản này là động thái nhằm khống chế các rủi ro lan ra trong hệ thống tài chính sau khi tỉ phú Xiao Jianhua (Tiểu Kiến Hoa) bị điều tra về tội thao túng giá cổ phiếu, các thị trường tương lai và đưa hối lộ.

Ông Xiao Jianhua là chủ tập đoàn đầu tư Tomorrow Holdings, đang nắm giữ 89% cổ phần của BSB. Tomorrow Holdings bị cáo buộc sử dụng trái phép và sai mục đích các nguốn vốn lớn của BSB.

Bất an với “điểm mù” 647 tỉ đô la trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc
Người dân chơi cờ bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng Baoshang ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Các nhà phân tích cho rằng có thể có thêm một số ngân hàng nhỏ khác sẽ nối gót BSB, bị nhà nước tiếp quản. Tomorrow Holdings là cổ đông lớn ở hơn 10 ngân hàng.

BSB là một trong 19 ngân hàng ở Trung Quốc có tổng tài sản 4.470 tỉ nhân dân tệ (647 tỉ đô la Mỹ) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018, theo dữ liệu theo dõi của ngân hàng Barclays (Anh).

Các nhà phân tích cho rằng việc trì hoãn công bố báo cáo tài chính có thể là một dấu hiệu cho thấy các khoản nợ xấu đang tăng ở các ngân hàng này, khiến giới đầu tư không rõ có bao nhiêu tài sản của họ sẽ chuyển thành nợ xấu giống như trường hợp của ngân hàng BSB.

Động thái tiếp quản BSB cũng là dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng ở Trung Quốc có thể đang bi xói mòn nghiêm trọng về chất lượng tài sản.

Nỗi lo của nhà đầu tư với các ngân hàng tương tự

Giới đầu tư và các nhà quan sát thị trường giờ đây đặt câu hỏi liệu có thêm ngân hàng nào chưa công bố báo cáo tài chính năm gần nhất có thể đối mặt với các vấn đề tương tự hay không.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays cho rằng vụ tiếp quản ngân hàng BSB cho thấy “những khó khăn và thách thức mà các ngân hàng vừa và nhỏ đang đối mặt do cuộc vận động của Bắc Kinh nhằm giảm nợ trong nền kinh tế trong những năm qua và nền kinh tế tăng trưởng trì trệ”.

Nhận định về việc các ngân hàng trì hoãn công bố báo cáo tài chính, Dong Ximiao, Phó chủ tịch Viện Tài chính Trùng Dương ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: “Sự trì hoãn này ảnh hưởng đến niềm tin của giới đầu tư trên thị trường”.

Ông cho rằng điều quan trọng là phải biết lý do các ngân hàng này không chịu công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, một số lời giải thích càng làm giới đầu tư thêm bất an.

Tỉ phú Xiao Jianhua đang bị nhà chức trách điều tra về tội thao túng giá cổ phiếu, các thị trường tương lai và đưa hối lộ. Ông là chủ tập đoàn đầu tư Tomorrow Holdings, đang nắm giữ 89% cổ phần của BSB. Ảnh: Financial Times

Ngân hàng Jinzhou, có trụ sở ở TP. Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh và đang niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Hồng Kông, vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018. Mới đây, ngân hàng này cho biết kiểm toán viên của hãng kiểm toán Ernst & Young (EY) từ chối kiểm toán sau khi phát hiện thấy một số khoản vay của Jinzhou cho các khách hàng tổ chức không được sử dụng đúng như mục đích ban đầu.

Tuyên bố của ngân hàng Jinzhou cho biết, kiểm toán viên của EY yêu cầu cung cấp “bằng chứng về khả năng trả nợ của các các khách hàng này, đặc biệt là các tài sản chấp có thể bị thu hồi”. Đây là một dấu hiệu cho thấy kiểm toán viên của EY lo ngại về chất lượng tín dụng của Jinzhou. EY đã từ chối kiểm toán sau khi Jinzhou không thể cung cấp bằng chứng.

Ngân hàng Jinzhou cho công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời Hanergy vay 440 triệu đô la Mỹ nhưng năm 2015, giá cổ phiếu của Hanergy lao dốc mạnh, khiến giá trị vốn hóa của công ty bốc hơi hàng chục tỉ đô la.

Một loạt cuộc điều tra của tờ Financial Times trong năm đó đã hé lộ mô hình kinh doanh đáng ngờ của Hanergy vì gần như toàn bộ doanh thu của công ty đều nhờ vào hoạt động bán hàng cho công ty mẹ. Năm 2016, Hanergy công bố báo cáo tài chính cho biết lỗ ròng 1,6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015.

Ngân hàng Hengfeng ở tỉnh Sơn Đông, với tổng giá trị tài sản 1.420 ngàn tỉ nhân tệ, là ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018. Ngân hàng này đối mặt với các khó khăn huy động vốn trong nhiều năm qua. Chính quyền tỉnh Sơn Đông đang tiến hành tái cấu trúc ngân hàng Hengfeng. Trước đó, nhà chức trách đã mở cuộc điều tra về việc các lãnh đạo của Hengfeng vi phạm các kỷ luật tài chính.

Số lượng các ngân hàng trì hoãn công bố báo cáo tài chính chỉ chiếm một phần nhỏ trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Song cuộc khủng hoảng ở BSB, với tổng giá trị tài sản 576 tỉ nhân dân tệ tính đến giữa năm 2017, cho thấy các bất ổn ở một ngân hàng nhỏ có thể gây sốc trên thị trường liên ngân hàng. Trong tuần sau khi BSB bị tiếp quản, PBoC phải bơm 430 tỉ nhân dân tệ  vào hệ thống ngân hàng để cải thiện thanh khoản trong ngắn hạn.

Số phận của ngân hàng BSB phụ thuộc vào nền kinh tế yếu ớt của khu tự trị Nội Mông, nơi có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực tự trị của Trung Quốc trong 3 năm liên tục (2014-2016). Tốc độ tăng trưởng trì trệ của nhiều nền kinh tế địa phương ở Trung Quốc đã trở thành hiện tượng đáng lo ngại trên toàn quốc và nhiều ngân hàng nhỏ ở các địa phương này có thể đang đứng bên bờ vực vỡ nợ

Theo Financial Times, Nikkei Asian Review

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới