“Uber xe tải” giúp luân chuyển 100 tỉ đô la hàng hóa mỗi năm
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Ứng dụng của công ty khởi nghiệp (startup) Manbang Group (Trung Quốc) được ví như “Uber xe tải” khi đang giúp kết nối hàng triệu tài xế xe tải và các chủ hàng để vận chuyển khối lượng hàng hóa có giá trị hơn 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Ứng dụng Manbang giúp các tài xế giảm mạnh thời gian xe “đói hàng”. Ảnh: Gooruf |
Thỉnh thoảng phải mất hai ngày hoặc hơn mới có người gọi thuê xe chở hàng nên tài xế Zheng Xiaopan thường phải tìm chỗ râm mát để đỗ xe tải và ngồi chờ. Tấm bảng rao cho thuê xe tải chở hàng treo ở xe là cách để anh quảng bá dịch vụ vận chuyển hàng hóa quanh tỉnh Quảng Đông.
“Chẳng thể biết khi nào xe tải của tôi sẽ được đóng hàng. Việc không biết phải chờ đợi bao lâu cũng mệt mỏi như việc lái xe”, Zheng, 26 tuổi, người bỏ trung học phổ thông để theo đuổi một trong những nghề nghiệp nhọc nhằn nhất thế giới, kiếm tiền đóng học phí đại học cho các em gái của mình, nói.
Thế rồi vào năm 2016, một người bạn giới thiệu Zheng đăng ký sử dụng một ứng dụng gọi xe tải của startup Manbang Group, giúp kết nối các tài xế xe tải và những chủ hàng. Ứng dụng này đã giúp Zheng cắt giảm 87% lượng thời gian mà xe tải của anh “đói hàng”, giúp tăng thu nhập đáng kể.
Đối với tám triệu tài xế xe tải Trung Quốc, sự ra đời của các ứng gọi xe tải tạo ra một cuộc cách mạng, thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh ngành vận tải vốn được xem là xương sống đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hoạt động vận chuyển hàng hóa đường dài ở Trung Quốc bị phân mảnh và thiếu hiệu quả với 95% tài xế xe tải đầu kéo hoặc là tự doanh hoặc là làm việc cho một công ty nhỏ, theo báo cáo của công tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co. Chỉ có 1% các công ty vận tải hàng hóa ở Trung Quốc sử dụng hơn 50 tài xế xe tải.
Ngày nay, hơn 1,8 triệu chủ hàng và 6,7 triệu tài xế xe tải đã đăng ký sử dụng ứng dụng Manbang để tìm và đặt thuê các dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Ứng dụng này xử lý khoảng 700 tỉ nhân dân tệ (101 tỉ đô la Mỹ) giá trị hàng hóa vào năm ngoái. Hơn 70% tài xế xe tải của ứng dụng Manbang nhận được đơn hàng trong vòng 20 phút sau khi đăng thông tin cho thuê xe tải chở hàng.
Manbang Group đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn góp vốn bao gồm tập đoàn Softbank (Nhật Bản) của tỉ phú Masayoshi Son, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân CapitalG thuộc tập đoàn công nghệ Alphabet (Mỹ). Công ty khởi nghiệp này có trụ sở đặt ở tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.
Manbang Group được định giá đến 9 tỉ đô la sau vòng gọi vốn gần nhất được tiến hành vào năm ngoái. Starup này là kết quả của sự sáp nhập giữa hai đối thủ Huochebang và Yunmanman sau nhiều năm cạnh tranh gay gắt.
Zhang Hui, Giám đốc điều hành Manbang Group. Ảnh: SCMP |
Zhang Hui, Giám đốc điều hành Manbang Group, cho biết công ty đang tiến gần đến điểu hòa vốn trong năm nay sau khi mở rộng kinh doanh sang các dịch vụ thu phí điện tử, bán xe tải, bảo dưỡng xe tải, cho vay mua xe và bảo hiểm xe tải.
“Thu nhập của chúng tôi đến từ nhiều nguồn. Một số mảng kinh doanh mới như bán xe tải đã qua sử dụng đòi hỏi cần thêm vốn đầu tư nhưng về cơ bản, hiện nay không có mảng kinh doanh nào bị thua lỗ nữa”, Zhang Hui nói.
Ông cho biết Manbang Group giờ đây tập trung củng cố sự gắn bó của người dùng và không vội vàng tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc chịu sức ép tăng doanh thu từ các dịch vụ.
Manbang Group là công ty dẫn đầu thị trường trong ngành dịch vụ logistics có tổng giá trị 280 ngàn tỉ nhân dân tệ mỗi năm ở Trung Quốc, theo ước tính của một tổ chức nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Trên thế giới, có nhiều startup đang tìm cách trở thành “Uber xe tải”, bao gồm Convoy ở Seattle (Mỹ), Transfix ở New York (Mỹ), OnTruck ở Madrid (Tây Ban Nha), Convargo ở Paris (Pháp) cũng như Rivigo và Blackbuck ở Ấn Độ. Đối với Zhang, Manbang Group có thể so sánh với Uber nhưng về thực chất công ty này giống với nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba hơn.
“Các nền tảng gọi xe khác cung cấp các sản phẩm theo chuẩn mực trong khi đó hoạt động kinh doanh của chúng tôi phức tạp hơn vì cho phép tài xế và chủ hàng thương lượng cước phí tùy vào cung cầu trên thị trường. Có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến mức cước phí từ chiều cao và chiều dài của xe tải cho đến mức độ sạch sẽ của hàng hóa cũng như thời gian chờ chất hàng lên và bốc hàng xuống”, Zhang Hui cho biết thêm.
Theo Zhang, các thuật toán và phân tích dữ liệu lớn đóng một vài trò quyết định trong việc tính toán giá cước tối ưu cho các dịch vụ không theo các tiêu chuẩn chẳng hạn như vận chuyển hàng hóa đường dài. “Dựa vào đường cong giá cước của các tài xế xe tải, chúng tôi có thể dự báo xu hướng cước phí trong những ngày tiếp theo” Zhang Hui nói và cho biết thêm các thuật toán cũng có thể tăng cường tính minh bạch khi đánh giá các chủ hàng và các đơn hàng bằng cách phát hiện và ngăn ngừa các gian lận.
Để thu hút người dùng trong những ngày đầu tiên sau khi ra mắt ứng dụng, các nhân viên của Manbang Group phải ăn mặc giả dạng như các tài xế xe tải để xâm nhập mà không bị đánh đập hoặc bị đuổi ra ở các khu công nghiệp, nơi giới tài xế xe tải thường tụ tập.
Chắc chắn, không có công ty vận tải hàng hóa nào vui vẻ với việc các ứng dụng như Manbang đang định hình lại ngành kinh doanh vận tải. Manbang Group cũng vấp phải sự chống đối từ các nhân viên môi giới vận tải, những người lo sợ nền tảng Manbang sẽ cướp mất chén cơm của họ.
Đối với các tài xế, sự hợp nhất giữa Huochebang và Yunmanman có thể tạo ra sự độc quyền buộc họ phải đấu giá cước quyết liệt với mức thấp, làm giảm thu nhập tổng thể. Chính vì vậy mà hồi năm ngoái, các tài xế xe tải ở nhiều thành phố ở Trung Quốc đã biểu tình phản đối thương vụ sáp nhập này. Tuy nhiên, Zhang Hui cho rằng Manbang Group chỉ là một phần nhỏ trong ngành dịch vụ logistics mà phần lớn vẫn hoạt động offline.
Ông cho rằng giá cước vận tải hàng hóa hiện nay thấp do tăng trưởng của ngành kinh doanh vận tải đang suy yếu khi có quá nhiều tài xế gia nhập thị trường và tăng trưởng kinh tế yếu đi. “Có thể thông cảm với một số tài xế đang chịu áp lực nợ nần vì vay tiền mua xe tải khi họ chỉ trích ứng dụng Manbang thay vì tìm hiểu các lý do khác khiến thu nhập của họ giảm”, ông nói.
Đối với tài xế xe tải Qu Bo, 57 tuổi, người đăng ký sử dụng nền tảng của Huochebang vào năm 2016 và giờ đây chuyển sang nền tảng Manbang, những ngày thu được lợi nhuận lớn nhất đã qua nhưng nền tảng Manbang vẫn có ưu thế hơn so với các sự lựa chọn khác. Ông nói: “Tôi còn hai năm và tám tháng nữa trước lúc đến ngày về hưu nhưng tôi sẽ tiếp tục lái cho đến ngày đó”.
Theo South China Morning Post