Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

50% lượng bông vải nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

50% lượng bông vải nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Có đến 28 nhà máy sợi và dệt ở Việt Nam nhập khẩu khoảng 400.000 tấn bông từ thị trường Mỹ, chiếm hơn 50% lượng bông nhập khẩu của Việt Nam mỗi năm.

50% lượng bông vải nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ
Các chuyên gia về ngành bông của Mỹ chia sẻ thông tin với doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại ngày hội -Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được ghi nhận tại Ngày hội Cotton Day 2019 với chủ đề "What’s new in cotton” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Hiệp hội bông Mỹ (CCI) tổ chức tại TPHCM vào chiều ngày 12-7.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết Mỹ là quốc gia xuất khẩu bông lớn nhất thế giới trong nhiều năm liền và Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của ngành sản xuất bông vải Mỹ, với số lượng nhập từ thị trường này là trên 50% tổng lượng bông nhập khẩu cả nước. Trong khi đó, thông tin từ CCI cho thấy, giá trị nhập khẩu bông của doanh nghiệp Việt Nam từ thị trường nước này đạt trên 1,1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Cụ thể, theo CCI, sau 10 năm hoạt động thương mại ở Việt Nam đã có 28 nhà máy sợi và dệt đối tác tin tưởng vào các doanh nghiệp cotton Mỹ với tổng lượng bông đăng ký đạt khoảng 400.000 tấn mỗi năm. Và chỉ trong 3 năm xúc tiến hợp tác, các nhãn hàng quần áo thời trang trong nước như Canifa, John Henry, Ninomaxx, Onoff và Sunfly, đã chọn Cotton USA làm đối tác, với tổng số nhãn treo (treo nhãn có dòng chữ Cotton USA trên sản phẩm) đăng ký năm 2019 đạt hơn 1,7 triệu sản phẩm.

Thông qua các hoạt động phối hợp, Hiệp hội bông Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ về kỹ thuật và thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về thị trường, chất lượng bông, nguồn cung cấp, sản xuất... Việc hợp tác không chỉ giải quyết vấn đề nhập khẩu bông từ Mỹ vào Việt Nam để phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may mà còn hướng đến nhiều lĩnh vực nhằm tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.

Giới phân tích nhận định Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng với lợi thế cạnh tranh của ngành trên thế giới trong nhiều năm qua sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà sản xuất dệt may trên thế giới đầu tư, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu bông sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. 

Với 18.500 nông trường và 553 nhà máy cán bông, bông Mỹ được sản xuất và kiểm tra theo một quy trình nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, đáp ứng được các yêu cầu cao nhất về chất lượng và môi trường đã trở thành lựa chọn hàng đầu và được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dệt may.

Tại sự kiện, ông Vũ Đức Giang đề nghị Hiệp hội bông Mỹ quan tâm hơn nữa trong vấn đề ổn định chất lượng, thông tin về chất lượng bông theo mùa vụ, tính ổn định trong khâu cung ứng, chuỗi ứng dụng công nghệ trong ngành sợi...

Cotton day 2019 diễn ra tại Việt Nam còn giới thiệu những công nghệ mới nhất về bông và các sản phẩm làm từ bông nhằm tạo cảm hứng sáng tạo và đổi mới trong chuỗi cung ứng dệt may, góp phần xây dựng thương hiệu dệt may thời trang Việt Nam phát triển bền vững. Sự kiện còn có buổi trình diễn thời trang giới thiệu những bộ sưu tập mới nhất của doanh nghiệp trong nước được làm từ Cotton Mỹ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới