Thứ Hai, 26/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng phá sản trong ngành công nghiệp khai thác than ở Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làn sóng phá sản trong ngành công nghiệp khai thác than ở Mỹ

Lê Linh

(TBTKTSG Online) – Sự trỗi dậy của khí đốt cũng như điện gió và mặt trời đã kích hoạt làn sóng phá sản trong ngành công nghiệp khai thác than của nước Mỹ.

Làn sóng phá sản trong ngành công nghiệp khai thác than ở Mỹ
Các công nhân của công ty than Blackjewel phong tỏa một tuyến đường sắt để chặn tàu chở than của Blackjewel ở hạt Harlan, bang Kentucky, Mỹ hôm 30-7 sau khi công ty này nộp đơn xin phá sản và vẫn còn nợ lương. Ảnh: Bloomberg.

Vùng bồn chảo sông Powder ở bang Wyoming và bang Montana, Mỹ, kỳ vọng sẽ vượt qua được cuộc chuyển đổi hướng đến năng lượng sạch. Nếu có ai đó trong ngành năng lượng nghi ngờ các cam kết khôi phục ngành công nghiệp than của Tổng thống Donald Trump, thì nhiều người trong số họ vẫn tin vùng bồn chảo này sẽ tiếp tục tìm được các khách hàng mua than hàm lượng sulphur thấp, có thể khai thác với chi phí rẻ từ các mỏ lộ thiên.

Tuy nhiên, vùng khai thác than lớn nhất nước Mỹ vẫn đang trong cơn suy thoái chưa có điểm dừng. Làn sóng phá sản đang càn quét qua vùng bồn chảo sông Powder khi các nhà máy điện đốt ít than hơn dự kiến.

Than đang đánh mất thị phần trong ngành sản xuất điện trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của khí tự nhiên và các năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Giờ đây, than chỉ chiếm chưa đến 25% tổng công suất điện ở Mỹ so với mức gần 40% cách đây 5 năm.

Tốc độ suy thoái của ngành công nghiệp khai thác than ở Mỹ khiến giới phân tích bất ngờ và làm đảo lộn tình hình kinh doanh trong ngành này.

Hai công ty khai thác than lớn nhất nước Mỹ, Peabody Energy và Arch Coal, đang tìm cách thành lập một liên doanh để giúp họ tiết kiệm 120 triệu đô la mỗi năm bằng cách hợp nhất hoạt động hai mỏ than lớn nhất của họ ở vùng bồn chảo sông Powder.

Glenn Kellow, Giám đốc điều hành Peabody Energy, nói: “Đối với chúng tôi, đây là nỗ lực cạnh tranh chống lại khí tự nhiên và năng lượng tái tạo”.

Trong khi đó, tài sản của hai công ty khai thác than khác, Blackjewel và Cloud Peak Energy, bị đem ra đấu giá hôm 1-8 sau khi cả hai công ty này nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong vòng 3 tháng qua. Blackjewel, công ty khai thác than lớn thứ sáu của Mỹ,  đang gánh khoản nợ lên đến 1 tỉ đô la.

Hồi tháng 6, công ty khai thác than Cambrian Holding ở bang Kentucky nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi bị các ngân hàng và quỹ đầu tư tịch thu tài sản thế chấp như máy đào, xe tải. Trước đó ba tháng, công ty khai thác than Trinity Coal ở bang Virginia cũng gia nhập làn sóng xin phá sản trong ngành khai thác Mỹ vốn bắt đầu bùng lên từ năm ngoái.

Bồn chảo sông Powder ở bang Wyoming và bang Montana, khu vực khai thác than lớn nhất nước Mỹ. Ảnh: AP

Trong một diễn biến bi quan khác, vào tháng trước, công ty điện lực American Electric Powder cho biết sẽ đóng cửa một tổ máy phát điện có công suất 1.300 MW ở một nhà máy nhiệt điện than tại Rockport, bang Indiana để dàn xếp một vụ kiện về ô nhiễm không khí.

Trong 9 năm qua, các công ty điện lực trên toàn nước Mỹ đã thông báo đóng cửa hơn 546 tổ máy nhiệt điện than với công suất tổng cộng 102.000 MW, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Các nhà máy điện ở Mỹ sẽ tiêu thụ 488 triệu tấn than trong năm nay, giảm khoảng 64 triệu tấn so với cách đây 12 tháng, theo dự báo của EIA.

Tại một cuộc tiếp xúc cử tri ở bang Montana hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump nói rằng tất cả các công nhân mỏ than sẽ trở lại làm việc. Số việc làm trong ngành khai thác than tăng khoảng 2.000 người lên 53.000 người kể từ lúc ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ hồi đầu năm 2017 nhưng con số này vẫn thấp hơn các mức trong những năm đầu tiên của thập kỷ này.

Hồi tháng trước, chính phủ Mỹ ban hành các quy định hỗ trợ ngành than bằng cách cho phép các nhà máy nhiệt điện than vận hành thường xuyên hơn. Tuy nhiên, Charlie Palmer, Giám đốc công ty tư vấn Opportune, nhận định nỗ lực này không thể giúp cứu nhiều nhà máy nhiệt điện than thoát khỏi viễn cảnh đóng cửa.

Than ở vùng bồn chảo sông Powder được khai thác lần đầu tiên vào thập niên 1970 và sau đó, vùng này nhanh chóng trở thành khu vực sản xuất than lớn nhất nước Mỹ. Sau khi các công ty khai thác than như Peabody Energy và Arch Coal thoát khỏi làn sóng phá sản trong ngành than cách đây vài năm, không khí lạc quan quay trở lại vào năm 2017 khi họ tận dụng đợt tăng giá mạnh của khí tự nhiên để gia tăng sản xuất với hy vọng giành lại thị phần.

Giờ đây, sản lượng than của vùng bồn chảo sông Powder giảm trở lại. Nhà tư vấn John Hanou ước tính vùng bồn chảo sông Powder sẽ sản xuất 273 triệu tấn than trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1996. Ông dự báo con số này sẽ giảm về mức 210  triệu tấn vào năm 2030.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới