Thứ sáu, 25/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cây baobab dối trá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cây baobab dối trá

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Khi tôi vào học lớp hai, mẹ gửi tôi cho một cô giáo quen rằng: “Thưa cô, xin cô dạy dỗ cháu thật nghiêm khắc. Nếu cháu học yếu, cô cứ cho điểm kém mạnh tay. Nếu cháu hư, cô cứ la mắng nghiêm hơn các học sinh khác, để cháu đừng ỷ lại mà nên người”.

Gần 30 năm sau, mỗi lần gặp lại cô đều nhắc lại lời mẹ tôi nhờ cậy cô hồi đó. Rồi cô lắc đầu nói, sau này hầu như chẳng còn ai có cái lòng dạy con như vậy. Người quen thì gửi gắm cho con cháu được điểm cao, được danh hiệu học sinh này nọ, người không quen thì thông qua các giáo viên khác để gửi. Mà phụ huynh không gửi thì áp lực của nhà trường cũng phải cho các em lên lớp, để đạt phần trăm danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc... Vì thế, cô có muốn nghiêm dạy các em cũng không được nữa.

Bây giờ, sự dối trá trong ngành giáo dục đã như một căn bệnh trầm kha. Từ những điểm số không đúng thực chất, những danh hiệu thổi phồng hơn năng lực thực sự, những học bạ giả cho đến chuyện bài thi đánh tráo, đề thi bị bán, sao chép bài thi. Rồi còn những con số ảo về những lớp phổ cập cho đến tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ xóa mù chữ. Và còn hàng loạt vấn nạn như mua bán bằng cấp, bằng giả, văn mẫu và cả tình trạng đạo văn ngay cả ở những bậc học cao như thạc sĩ, tiến sĩ…

Tôi nhớ trong câu chuyện “Hoàng tử Bé” của Saint- Exupéry, cây baobab là một giống cây xấu, phải nhổ đi từ khi còn là một cây con. Nếu không nó sẽ lớn lên, lan khắp hành tinh và trở thành tai họa không cứu vãn được.

Khi nghĩ đến sự dối trá trong ngành giáo dục và nhiều mặt khác của xã hội hiện nay, tôi liên tưởng đến hình ảnh cây baobab vẽ minh họa trong cuốn truyện: đó là hình ảnh những cái cây dữ không được nhổ bỏ ngay từ khi mới còn là mầm mống, giờ đã vươn vòi lan ra khắp nơi, ăn sâu trong mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Dối trá nhiều đến nỗi con người ta đã có phản xạ sống chung với nó. Người không muốn gian dối nhưng trong một môi trường mà xung quanh toàn sự gian dối thì cũng phải bị cuốn theo. Có học sinh không thích viết theo văn mẫu nhưng không viết như vậy thì bị điểm kém, đành phải viết cho giống. Có phụ huynh biết con mình không giỏi nhưng cũng hài lòng ra mặt với danh hiệu “giỏi” đó.

Có lần tôi yêu cầu con chỉnh lại bài văn mà tôi thấy chưa ổn, cháu lập tức trả lời: “Bài này con được điểm 8, vậy thì đâu có kém?”. Tôi cảm thấy thật đau lòng khi cháu tự hài lòng với những thành tích ảo đó. Trong khi đó, các thầy cô giáo khi họp hành lại tự hào về một lớp học không hề có học sinh trung bình, mà không nhận ra rằng đó là điều rất không bình thường.

Sự dối trá phát triển nhanh chóng và bao trùm vì nó được dung dưỡng. Chặt cái cây tai họa đã khó, cái khó hơn là thay đổi môi trường nuôi dưỡng sự dối trá đó. Môi trường đó là bệnh thành tích, là chỉ tiêu thi đua, xem trọng hình thức. Môi trường đó là bệnh con ông cháu cha, là sức ì của thói làm việc quan liêu, làm dối làm ẩu, áp đặt, quen tô hồng thực tế và né tránh sự thực…

Hơn hai năm từ ngày bắt đầu phong trào “Hai không”, ngành giáo dục chắc hẳn đã nhận ra là không dễ “nói không với bệnh thành tích”. Hệ thống giáo dục của chúng ta nhiều năm qua đã đánh giá bằng điểm, bằng thành tích, xem trọng bằng cấp chứ không phải dựa trên năng lực và sự sáng tạo đích thực.

Một hệ thống đánh giá như vậy thì chuyện tạo ra lỗ hổng cho dối trá nảy mầm là điều dễ hiểu. Những hạt mầm và cây con như vậy nếu không được nhổ bỏ kịp thời thì khi lớn lên trở thành những cây dữ vô phương dứt bỏ. Một người thầy đã nói với tôi: chỉ khi có hệ thống và cơ chế đánh giá cao sự trung thực, mới có thể đòi hỏi sự trung thực.

Điều đó tưởng đơn giản mà không hề đơn giản. Liệu có nhiều thầy giáo dám cho điểm cao một học sinh vì đã viết văn rất trung thực nhưng không giống đáp án cho sẵn? Liệu phụ huynh có dám nói với thầy cô: xin cô cho điểm con tôi thấp hơn, tôi thấy cháu chưa xứng đáng với điểm cao này? Và khi phụ huynh dám làm điều đó thì liệu thầy cô có dám? Một giáo sư, thạc sĩ đã làm luận văn bằng những kiến thức không phải của mình, liệu có đủ sức dạy học trò cách làm luận văn một cách trung thực? Chúng ta đã chìm quá sâu trong hệ thống đánh giá sai lệch đó và đã tạo ra những sản phẩm con người như vậy, đang ở trong chính ngành giáo dục, thì có thể hình dung gốc rễ cây baobab dối trá đã ăn sâu như thế nào.

Tôi không phủ nhận còn rất nhiều thầy cô giáo và nhân lực rất giỏi và có tâm trong ngành giáo dục. Nhưng những ai trung thực sẽ nhận thấy hệ thống và quy chuẩn đánh giá hiện tại đã ngăn trở rất nhiều những nỗ lực của mình. Như sự bất lực của cô giáo cũ của tôi chẳng hạn.

Để cứu chữa thực trạng này, cả xã hội đang rất cần một sự thay đổi đau đớn và mạnh mẽ. Và cũng rất cần một xã hội biết thức tỉnh trước dối trá để trả những giá trị trung thực trở về đúng vị trí của nó.

THANH HƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới