Sharp, Nitto Denko rót vốn lớn vào Bình Dương
Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Những tập đoàn lớn của Nhật Bản như Công ty điện tử Sharp hay Nitto Denko gần đây có dự án sản xuất tại tỉnh Bình Dương được cấp phép đầu tư với quy mô lớn, đưa nước này trở thành quốc gia có số vốn cam kết nhiều nhất tại địa phương này trong 9 tháng đầu năm nay.
>>> Sharp Việt Nam đặt mục tiêu năm tới tăng trưởng 135%
Quang cảnh buổi đối thoại doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Bình Dương - Ảnh: Hùng Lê |
Thông tin này được ghi nhận tại buổi đối thoại doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Bình Dương do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 24-9.
Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Bình Dương, trong số này có dự án đầu tư nhà máy sản xuất có vốn đăng ký 135 triệu đô la Mỹ của Công ty TNHH Sharp Manufactuting tại Khu công nghiệp Việt Nam -Singapore (VSIP) II-A.
Trước đó, theo thông tin Sharp gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, hãng điện tử Nhật Bản này cho biết sẽ xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam và thành lập công ty con 100% sở hữu của mình là Sharp Manufacturing Vietnam để quản lý hoạt động của nhà máy này.
Dự án nhà máy do Sharp công bố này cũng dự kiến tọa lạc tại khu công nghiệp VSIP, tỉnh Bình Dương sẽ sản xuất máy lọc không khí, màn hình tinh thể lỏng (LCD), thiết bị điện tử và dự kiến bắt đầu xây dựng vào năm sau.
Tuy nhiên số vốn đăng ký trên có thể chỉ là giai đoạn đầu của dự án, bởi vào tháng 8 năm ngoái, lãnh đạo tập đoàn Sharp có đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương và chia sẻ kế hoạch xây nhà máy chuyên sản xuất camera module ứng dụng công nghệ cao và màn hình điện thoại thông minh với vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đô la.
Sharp hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009. Trong những năm qua, Sharp đã không ngừng lớn mạnh và có một vị thế trên thị trường với sự hiện diện các hệ thống phân phối và các cửa hàng điện máy trên toàn quốc.
Năm ngoái, việc kinh doanh của Sharp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng hơn 100% so với kết quả của năm 2017, và hãng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2019 lên đến 135% so với năm 2018.
Bên cạnh Sharp, đầu tư vào Bình Dương gần đây còn có dự án sản xuất của Công ty TNHH Nitto Denko tại khu công nghiệp VSIP, vốn đăng ký lên đến 186,2 triệu đô la.
Nhờ đó, theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm nay, Nhật Bản trở thành quốc gia có vốn đăng ký đầu tư nhiều nhất vào tỉnh đạt 482 triệu đô la. Trong cùng thời gian này, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương với tổng vốn đăng ký đạt 2,424 tỉ đô la, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 73% so với chỉ tiêu của cả năm 2019.
Tại hội nghị đại diện các doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp đã phản ánh và nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến phát triển giao thông liên vùng, phát triển logictics đường sông, các thủ tục cấp phép xây dựng nhà xưởng, mức thuế nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu, đào tạo lao động, nhà ở cho công nhân….
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư.
Theo ông Liêm, trong thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh.