Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

300 tỉ đồng ở chùa Nga Hoàng có phải là “đắc lợi vô căn”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

300 tỉ đồng ở chùa Nga Hoàng có phải là “đắc lợi vô căn”?

Lê Nguyễn

(TBKTSG Online) - Mấy ngày nay, khi bàn về sự hoàn tục của nhà sư Thích Thanh Toàn ở chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc, với số tài sản kếch xù mấy trăm tỉ đồng (đối với một cá nhân, lại là người tu hành), nhiều lập luận cho rằng những tài sản nào ông này đứng tên, ông ta hoàn toàn có quyền thủ đắc và mang theo.

300 tỉ đồng ở chùa Nga Hoàng có phải là “đắc lợi vô căn”?
Sư Thích Thanh Toàn trước khi xin xả giới. Ảnh: Phatgiao.org.vn.

Theo tôi, đây là một lập luận… nguy hiểm, vì đã không chú ý tới những yếu tố cốt lõi liên quan đến các trường hợp, các lý do dẫn đến sự thủ đắc tài sản của nhà sư này.

Nếu số tài sản trị giá 300 tỉ đồng mà sư Thích ThanhToàn (đã xin xả giới hoàn tục, giữ lại tài sản cá nhân) mang đến nhà chùa khi bắt đầu đến tiếp nhiệm vai trò trụ trì ngôi chùa Nga Hoàng, thì chuyện ông ta mang về nhà là điều tất yếu, không luật pháp nào có quyền ngăn cản.

Song, nếu phần lớn những tài sản đó xuất phát từ sự cúng dường của bá tánh cho ngôi chùa mà ông ta là người trụ trì, tức người đại diện hợp pháp, và ông ta tiếp nhận, đứng tên sở hữu với tư cách đó, thì việc công nhận quyền sở hữu hợp pháp riêng tư của ông ta về số tài sản đó khi rời ngôi chùa này, theo thiển ý của tôi, là một nhận định khá vội vàng và có phần sơ hở.

Về mặt thực tế, trong thời gian ông Thích Thanh Toàn trú trì ngôi chùa Nga Hoàng, các thiện nam, tín nữ, các mạnh thường quân dâng tặng, cúng dường nhiều loại tài sản khác nhau là nhằm dành cho ngôi chùa mà ông ta là đại diện, chứ không phải để tặng riêng cho ông ta. Vì thế, khi ông ta rời ngôi chùa, ông ta phải bàn giao lại những tài sản đó cho người kế tục ông ta để quản lý số tài sản này.

Thậm chí, với số đất đai mua trả dần của người dân chung quanh chùa, thử hỏi ông sư này lấy gì để trả dần hay thanh toán hết, nếu không sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà chùa?

Không hiểu các nhà luật học hiện tại gọi trường hợp tài sản đứng tên nhà sưThích Thanh Toàn là gì, song trong luật học ở miền Nam trước năm 1975 có khái niệm “đắc lợi vô căn” dùng để chỉ những trường hợp hưởng lợi không hoàn toàn hợp pháp.

Theo khái niệm này, khi sư Thích Thanh Toàn còn là trụ trì chùa Nga Hoàng, việc ông thay mặt chùa, đứng tên sở hữu số tài sản trị giá 300 tỉ đồng của chùa là hợp pháp. Nhưng khi ông này hoàn tục, không còn là người đại diện hợp pháp của chùa Nga Hoàng nữa, thì quyền sở hữu của nhà chùa, thông qua người đứng tên thay mặt, phải được đặt lại trong khuôn khổ pháp lý hiện tại, không thể suy luận một cách đơn giản là “những gì đứng tên ông ta, ông ta được tự do mang về nhà”.

Đây là một chuyện không đơn giản, nó đặt các nhà luật học trước một vấn đề tế nhị phải giải quyết có tình, có lý, phù hợp với quyền lợi chính đáng của chủ thể làm chủ thực sự một tài sản không nhỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới