Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng vẫn sẽ lấy khách Trung Quốc, Hàn Quốc làm chủ đạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng vẫn sẽ lấy khách Trung Quốc, Hàn Quốc làm chủ đạo

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Trong kế hoạch xúc tiến du lịch trong năm 2020, ngành du lịch Đà Nẵng xác định đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế, trong đó hai thị trường trọng điểm vẫn là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đà Nẵng vẫn sẽ lấy khách Trung Quốc, Hàn Quốc làm chủ đạo
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nhân Tâm

Thông tin này được ghi nhận tại buổi họp lấy ý kiến Kế hoạch Xúc tiến du lịch Đà Nẵng năm 2020 do Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng nay, 30-11, thu hút đại diện các bên liên quan, bao gồm các đơn vị về lữ hành, lưu trú và vận chuyển du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng muốn thu hút khách du lịch Hàn Quốc một cách bền vững chứ không theo chu kỳ tăng, giảm 5-10 năm như thông lệ. “Hàn Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng”, ông nói và tiết lộ thêm có thể trong tháng 12 này, lãnh sự quán Hàn Quốc sẽ được mở ở Đà Nẵng. Đây là sự đảm bảo cho sự tăng trưởng của thị trường có lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng nhiều nhất trong những năm trở lại đây.

Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng chia sẻ trong thời gian gần đây sự tăng trưởng của thị trường khách Trung Quốc đến Đà Nẵng có phần chững lại. Nhưng ông tin rằng Trung Quốc mới là thị trường lâu dài của thành phố Đà Nẵng. Vấn đề còn lại là ngành du lịch Đà Nẵng chọn kênh du lịch nào để tăng chất lượng nguồn khách du lịch từ thị trường láng giềng này.

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, thông tin thêm trong kế hoạch đa dạng hóa thị trường quốc tế, vẫn duy trì nhóm thị trường truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á) và mở rộng khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng (Tây Âu (Pháp, Đức), Nga, Úc, Bắc Mỹ và thị trường mới Ấn Độ).

Trong đó, thị trường Hàn Quốc, tập trung vào dòng khách có chi tiêu cao. Sản phẩm du lịch gắn với văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng biển, chăm sóc sức khỏe, giải trí, đánh golf. Thị trường Trung Quốc cũng tập trung vào dòng khách có chi tiêu cao đến từ các thành phố cấp 1 của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Trùng Khánh, Thành Đô. Sản phẩm du lịch trải nghiệm (tham quan điểm mới, mua sắm, ẩm thực biển); du lịch đánh bài (casino).

Trong khi đó, đối với thị trường Nhật Bản là tập trung vào đối tượng khách trẻ và đối tượng khách trung niên đã về hưu. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái làng quê, làng nghề theo mô hình du lịch cộng đồng.

Với thị trường Đông Nam Á, sẽ tập trung khai thác khách từ các nước có đường bay trực tiếp Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản văn hóa, trải nghiệm đời sống cộng đồng địa phương, du lịch công vụ (M.I.C.E). Thị trường tiềm năng gồm Nga, Ấn Độ, Úc, Mỹ, Tây Âu, Trung Đông… có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày vì vậy sản phẩm du lịch MICE – golf, du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng miền núi, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng là thích hợp.

Giám đốc Văn phòng Vietjet Air miền Trung, ông Trần Hoàng Linh, đề xuất Đà Nẵng có kế hoạch dự báo thời điểm thị trường khách Trung Quốc và Hàn Quốc bão hòa để các doanh nghiệp trong ngành có sự chuẩn bị và có kế hoạch xúc tiến hiệu quả. Ông cũng gợi ý du lịch Đà Nẵng tăng cường hợp tác với các hãng hàng không để xúc tiến các thị trường hiệu quả hơn.

Đoàn Famtrip khảo sát du lịch miền Trung Nhật Bản mới đây (25 đến 29-11). Ngành du lịch Đà Nẵng đang mong muốn giữ những thị trường khách quốc tế truyền thống và đa dạng hóa thị trường. Ảnh: Nhân Tâm

Tại sự kiện, các doanh nghiệp cũng đã chỉ ra những thiếu sót mà ngành du lịch Đà Nẵng cần cải thiện về công tác xúc tiến du lịch, thương mại.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Necotour, đưa ra ví dụ khi Đà Nẵng thu hút những thị trường ngoài Hàn Quốc và Trung Quốc như Thái Lan và Nhật Bản chẳng hạn thì cần biết đối tượng khách này cần gì và muốn gì tại địa điểm du lịch. “Trong các đợt xúc tiến cũng cần có đầy đủ các bên liên quan từ lữ hành đến khách sạn, hãng hàng không và truyền thông”, ông Tài nói.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh của Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, quan tâm đến vấn đề “hậu” xúc tiến. Bà chia sẻ việc xúc tiến phải gắn kết với cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Đà Nẵng cần làm điều gì đó để tạo ra sự khác biết nhưng vẫn giữ bản sắc khi xúc tiến du lịch, bà Thanh đề nghị và nói thêm trong kế hoạch xúc tiến đưa lợi ích người dân Đà Nẵng.

Ông Lý Đắc Nam, Giám đốc Công ty Du lịch Khang Huy Holiday Việt Nam, và ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Saigontourist – Chi nhánh Đà Nẵng có chung mối quan tâm về mảng du lịch đường biển đã không được Sở Du lịch Đà Nẵng nêu ra trong kế hoạch xúc tiến nói trên.

Cơ cấu thị trường khách nội địa và quốc tế của Đà Nẵng trong năm 2020

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới