Tiềm năng từ thị trường công trình xanh ở châu Á-Thái Bình Dương
Trang Nguyễn
(TBKTSG Online) - Một báo cáo mới của IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ ra tiềm năng to lớn của thị trường công trình xanh tại Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, với cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này lên tới 17,8 ngàn tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là các công trình nhà ở. Các công trình xanh này cũng là động lực giúp tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trong tương lai.
Sống xanh và phát triển bền vững
Tập đoàn Capital House là đơn vị phát triển khu chung cư EcoHome Phúc Lợi bao gồm hai tòa tháp với tổng cộng 680 căn hộ |
Theo báo cáo Công trình xanh: định hướng tài chính và chính sách cho các thị trường mới nổi của IFC, đến năm 2030, chỉ ở riêng các thị trường mới nổi (bao gồm Việt Nam), công trình xanh nói chung sẽ mang lại cơ hội đầu tư lên tới 24,7 nghìn tỉ đô la, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững. Với 80 triệu người dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu ở châu Á trong vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao, mang đến cơ hội đầu tư 17,8 nghìn tỉ đô la vào các dự án nhà ở xanh.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng công trình xanh có thể là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra tới 9 triệu việc làm có tay nghề trong cả ngành năng lượng tái tạo và xây dựng vào năm 2030. Hiện tại, công trình xanh chỉ chiếm 8% ngành xây dựng và sửa chữa, cho thấy tiềm năng tăng trưởng vô cùng to lớn.
“Diện tích sàn của các toà nhà cao tầng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060,” bà Alzbeta Klein, Giám đốc Bộ phận Khí hậu tại IFC cho biết. “Sự bùng nổ các tòa nhà cao tầng phần lớn sẽ xảy ra tập trung ở các thị trường mới nổi, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập trung bình đang có tăng trưởng dân số cao, đô thị hóa nhanh chóng, và tăng trưởng thu nhập. Xây dựng xanh là một trong những cơ hội đầu tư lớn nhất của thập kỷ tiếp theo, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các-bon thấp và tạo ra việc làm tay nghề cao cho các thập kỷ sắp tới.”
Tại Việt Nam, các công trình chung cư xanh cũng đã bắt đầu xuất hiện gần đây, đáp ứng phần nào nhu cầu của khách hàng mong muốn sống xanh. Các căn hộ chung cư được xây dựng theo nguyên tắc sử dụng tài nguyên hiệu quả mang lại sự thoải mái và tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Anh Phạm Văn Tạo và chị Bùi Thị Dạ Hương, một cặp vợ chồng sống tại Hà Nội, có dự định sinh đứa con thứ hai sau khi chuyển tới căn hộ mới tinh ba phòng ngủ tại một dự án phát triển nhà ở bình dân và thân thiện với môi trường
Chung cư EcoHome Phúc Lợi, nơi họ hiện đang sống là một sự cải thiện vượt bậc so với nơi ở cũ. Căn hộ mới của vợ chồng anh Tạo và chị Hương có tổng diện tích 78 m2, gần gấp ba lần diện tích nơi ở trước của họ. Tuy vậy, chi phí điện nước sinh hoạt của gia đình không cao hơn so với trước đây, mặc dù giá điện gần đây thậm chí đã tăng lên.
Cuộc sống của gia đình “tốt hơn trước rất nhiều”, anh Tạo 47 tuổi cho biết. “Ở căn hộ cũ của gia đình, chúng tôi phải bật điều hòa và đèn suốt ngày. Bây giờ không chỉ chúng tôi có căn hộ lớn hơn, được thiết kế rất tốt, lấy được ánh sáng tự nhiên và không khí được lưu thông tốt, chúng tôi còn có một cộng đồng rất gắn kết với nhau. Chúng tôi cũng có các sân chơi và hồ bơi, và trên tầng thượng có cả một không gian xanh nơi tôi có thể tập thể dục buổi sáng.”
Những người như anh Tạo và chị Hương là nhóm khách hàng mà Tập đoàn Capital House đặc biệt muốn hướng đến. Tập đoàn Capital House là đơn vị phát triển khu chung cư EcoHome Phúc Lợi bao gồm hai tòa tháp với tổng cộng 680 căn hộ.
Đối với những hộ gia đình nằm ở phân khúc thu nhập từ thấp đến trung bình, khoản tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng tháng nhờ vào những lợi ích mà công trình xanh mang lại rất quan trọng. Công ty cũng đã hoàn thành thêm ba công trình chung cư xanh tại Hà Nội, và hiện đang thi công một công trình khác.
Đó chỉ mới là khởi đầu. Tập đoàn Capital House muốn toàn bộ danh mục bất động sản mà đơn vị phát triển đều là các công trình xanh. Ông Đào Hùng Tiến, Phó Tổng giám đốc phụ trách Phát triển Dự án của công ty cho biết, “Những công trình xanh này là trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của công ty.”
Khó khăn trong phát triển công trình xanh
Giống như các thành phố đang phát triển bùng nổ khác trên thế giới, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng: dân số sống tại đô thị được dự báo sẽ tăng từ 34,7 triệu người vào năm ngoái lên 65,7 triệu người vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là hơn một nửa dân số sẽ chuyển đến sống ở các khu vực đô thị, kéo theo nhu cầu cần thêm 12 triệu mét vuông diện tích sàn mỗi năm. Đây chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam.
Nhưng nhiều công trình xây dựng hơn đồng nghĩa với việc những nhu cầu liên quan khác cũng gia tăng. Xây dựng và vận hành các công trình chiếm một phần ba tiêu dùng điện tại Việt Nam, và điều này thể hiện ở nhu cầu điện gia tăng trong những năm qua, ở mức tăng hai con số từ năm 2000. Nhu cầu điện đã tăng 13%/năm kể từ năm 2000 và dự báo sẽ tăng hơn 8% từ nay cho đến 2030. Lĩnh vực xây dựng cũng góp phần vào mức tăng 12%/năm phát thải khí nhà kính của cả nước, mức tăng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tuy có những mục tiêu tham vọng liên quan đến công trình xanh, Việt Nam và các thị trường mới nổi đều gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập các biện pháp hiệu quả nhằm bắt buộc và khuyến khích việc áp dụng các thông lệ xây dựng xanh trên quy mô lớn. Những rào cản cần vượt qua bao gồm năng lực kỹ thuật, cũng như những thách thức trong xây dựng và triển khai các quy chuẩn và yêu cầu nhất quán về xây dựng xanh cho một ngành vốn có đặc thù phân cấp và địa phương hóa.
Mặc dù có những thách thức như vậy, báo cáo khẳng định rằng việc hiện thực hoá đầy đủ tiềm năng đầu tư của công trình xanh là hoàn toàn khả thi, nhờ có những mô hình tài trợ đã được thiết lập, công nghệ có sẵn để áp dụng với chi phí tiếp tục giảm khi triển khai rộng rãi hơn.
Công trình xanh mang lại mức giá bán cao hơn đáng kể - lên tới 31% hoặc cao hơn, và bán nhanh hơn các công trình truyền thống. Ngoài ra, công trình xanh cũng có tỷ lệ lấp đầy cao hơn, tới 23%,so với công trình truyền thống và mang lại mức thu nhập cao hơn từ cho thuê nhà. Với việc tiêu thụ ít nước và điện hơn, chi phí vận hành có thể thấp hơn tới 37% so với các công trình truyền thống.
Nếu chủ đầu tư tích hợp các giải pháp xanh từ sớm trong khâu thiết kế thì có thể tiết kiệm được từ 0,5% cho đến 12% tổng chi phí phát sinh khi xây dựng công trình xanh. Ở Indonesia, công trình Citra Maja Raya, là công trình được cấp chứng nhận EDGE (Thiết kế Xuất sắc nhằm Đạt Hiệu quả Cao hơn) của IFC, ghi nhận chi phí của các biện pháp xanh tăng thêm 4,7%, với thời gian hoàn vốn 1,8 năm, và mức tiết kiệm chi phí điện nước hàng năm lên tới 30%.
Theo IFC, báo cáo này thể hiện cách nhìn nhận đặc thù của khu vực tư nhân về tiềm năng đầu tư ở các thị trường mới nổi và cách thức hiện thực hoá tiềm năng này. Báo cáo được chuẩn bị dựa trên kinh nghiệm gần một thập kỷ của IFC trong thực hiện đầu tư 5,5 tỉ USD vào các công trình xanh, cũng như bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ các chính phủ thiết kế và triển khai các quy chuẩn xây dựng nhằm tạo xúc tác cho thị trường công trình xanh.
Ở Việt Nam và Indonesia, IFC đã hỗ trợ cải thiện việc tuân thủ quy chuẩn với việc tổ chức đào tạo cho trên 1.000 cán bộ chuyên môn và giám sát trong ngành xây dựng ở mỗi quốc gia. IFC cũng đã xây dựng danh mục kiểm tra cho cán bộ thanh tra và hướng dẫn kỹ thuật cho các tiêu chí của quy chuẩn, khiến cho việc thực thi trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, EDGE, hệ thống cấp chứng nhận của riêng IFC được thiết kế cho các thị trường mới nổi, cũng đã có mặt tại trên 150 thị trường. Chương trình Công trình Xanh của IFC được triển khai với sự phối hợp của các chính phủ Áo, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Hungary, Nhật Bản, Thụy Sĩ, và Vương quốc Anh, cũng như của ESMAP, EU, và GEF. |
Báo cáo của IFC nêu bật các thông lệ tốt nhất dành cho các nhà đầu tư, ngân hàng, nhà phát triển bất động sản, và chủ sở hữu, và cung cấp kế hoạch đầu tư để mở rộng triển khai công trình xanh trên khắp các thị trường mới nổi. Việc chuyển dịch cho vay và đầu tư sang công trình xanh sẽ cho phép nhà đầu tư tận dụng được lợi thế của cơ hội đầu tư đáng kể này. Công trình xanh cũng sẽ giúp xây dựng danh mục đầu tư bất động sản mạnh mẽ hơn, có khả năng chống chịu các rủi ro về tài chính, pháp lý, và danh tiếng gắn với việc chuyển dịch sang các nền kinh tế các-bon thấp.
Bà Nena Stoiljkovic, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IFC cho biết, “Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số tăng trưởng, và thu nhập cũng đang tăng lên, châu Á cần có giải pháp xây dựng bền vững hơn để giải quyết các yêu cầu bức thiết về hạ tầng của khu vực và thách thức về biến đổi khí hậu. Báo cáo này rất kịp thời và cho thấy công trình xanh có thể đóng vai trò nòng cốt như thế nào trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các-bon thấp.”
Bà Stoiljkovic còn cho biết thêm “Trong bối cảnh này, các chính quyền cấp trung ương và địa phương có thể tạo những điều kiện phù hợp cho tăng trưởng của thị trường công trình xanh và ban hành các quy định nhằm đảm bảo sự rõ ràng và chắc chắn về chính sách cho khu vực tư nhân.”
Các chính phủ cũng sẽ thu được lợi ích về tài chính nhờ chuyển dịch sang xây dựng xanh, và việc chuyển dịch này cũng sẽ giúp các chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường và xã hội. Trên toàn cầu, 28% phát thải khí nhà kính xuất phát từ sử dụng năng lượng trong các công trình, do vậy xây dựng xanh sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ các chính phủ đạt được các mục tiêu biến đổi khí hậu.