Những góc nhìn từ sự nở rộ dịch vụ cho vay trực tuyến
Dũng Nguyễn
Không thể nhớ hết tên gọi của những nền tảng cho vay ngang hàng, điểm đến hiện nay của nhiều khách hàng có nhu cầu vay tiền mà không thể gõ cửa ngân hàng hoặc không muốn tìm đến các công ty tài chính cho vay tiêu dùng.
Nếu như trước đây chúng ta thường xuyên thấy những bảng quảng cáo cho vay tiền mặt được dán trên khắp các bảng hiệu, bức tường hay cột điện, thì ngày nay, những mẫu tương tự quảng cáo cho vay ngang hàng (P2P lending) cũng nở rộ khắp trang web, mạng xã hội với những “từ khóa” thông thường là: vay dễ, nhận tiền ngay, lãi suất thấp.
Nở rộ nền tảng cho vay
Rất dễ để có thể vay những khoản nhỏ nếu có nhu cầu, chỉ cần lướt một vòng tìm kiếm, mở tài khoản và đăng ký các khoản vay. Một “ông lớn” có thể kể đến là Tima, tự định danh là sàn tài chính kết nối. Tima nhận được nhiều vốn đầu tư dù không công khai con số. Theo số liệu công bố của nền tảng này, lượng vốn giải ngân lên đến 79.250 tỉ đồng, gần 40.000 người tham gia cho vay, gần 3,9 triệu người đăng ký vay, tổng số đơn vay trong hệ thống là 6,4 triệu. Nếu con số này nếu là đúng sự thực, thì quy mô cho vay của Tima cũng gần như tương đương với mức dư nợ của một ngân hàng thương mại có quy mô tầm trung.
Cùng giai đoạn thành lập của Tima vào năm 2015-2016 còn có rất nhiều nền tảng trung gian khác cũng xuất hiện, như Vay Mượn cung cấp các khoản vay ngắn hạn trong khoảng 1-10 triệu đồng; Mofin gọi vốn cộng đồng cung cấp các khoản vay tiêu dùng – bao gồm cho vay sinh viên, cho vay thế chấp và cho vay mua xe; Huydong cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Lendbiz là nền tảng gọi vốn cho các khoản vay doanh nghiệp siêu nhỏ; Trust Circle cũng thử nghiệm mô hình tiết kiệm cộng đồng, hay còn gọi là “chơi hụi” trực tuyến…
Một ví dụ khác là Interloan, tập trung cho vay ứng lương thông qua doanh nghiệp. Theo đó, nhân viên các doanh nghiệp đối tác có thể đăng ký vay vốn với lãi suất tối đa 19%, còn Interloan đứng giữa thu phí kết nối thành công giữa những người bỏ vốn vào nền tảng và lao động doanh nghiệp đối tác. Nhưng đến giai đoạn này thì có thêm nhiều nền tảng khác ra mắt, có người công bố nhưng cũng có kẻ âm thầm hoạt động, tìm vốn nhà đầu tư để chờ thị trường mở cửa hơn về mặt pháp lý (hiện P2P lending vẫn chưa có khung pháp lý hoạt động).
Tại Việt Nam, một con số thống kê phổ biến gần đây là có đến 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số từ Indonesia và Singapore. Dù vậy, nhiều chuyên gia tin rằng con số hiện tại đã lên đến gần cả 100 nền tảng, đặc biệt là nhiều nền tảng từ Trung Quốc đã tràn sang sau khi mô hình cho vay ngang hàng đã đổ vỡ tại quốc gia này.
Trên thực tế, mô hình cho vay ngang hàng đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 2005. Mô hình này giúp kết nối dòng vốn từ nhà đầu tư đến với người đi vay mà không cần thông qua một trung gian tài chính như ngân hàng, theo ông Bradley C. Lalonde, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Vietnam Partners.
Do đó, mức lãi suất sẽ thấp hơn lãi suất truyền thống nhờ cắt giảm các chi phí trung gian, nhưng vẫn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư so với các hình thức như gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Người vay cũng dễ dàng hơn vì điều khoản vay cũng được công bố minh bạch và các khoản vay được xử lý nhanh hơn, duyệt dễ hơn. Nhìn rộng hơn, cho vay ngang hàng về bản chất thuộc nhóm mô hình gọi vốn cộng đồng, tức huy động vốn từ xã hội để cung cấp cho doanh nghiệp, hoặc cá nhân có nhu cầu.
Cẩn trọng với cho vay trá hình
Báo chí trong thời gian qua cũng đã phản ánh nhiều về người đi vay ngang hàng bỗng dung “biến” thành người đi vay nặng lãi khi nhận tiền từ một ứng dụng không rõ “nguồn gốc xuất xứ”. Các khoản vay này được giải ngân rất nhanh, chủ yếu là vì có quy mô nhỏ đến rất nhỏ. Hồ sơ duyệt không có gì khó khăn. “Vay dễ, lãi thấp, nhận tiền ngay” là quảng cáo thường thấy ở các nền tảng cho vay hay quảng bá. Thế nhưng khi bấm vào nút “đi vay”, rất có thể bạn đã “rước họa vào thân” bởi nhiều nền tảng cho vay là “giả mạo” mô hình cho vay ngang hàng.
Theo các chuyên gia tài chính, bản chất của cho vay ngang hàng là dòng tiền phải đi từ cá nhân thừa vốn sang cá nhân thiếu vốn, trong khi một số nền tảng hiện cho vay là dựa vào vốn chủ sở hữu của mình, tức đã thực hiện chức năng cho vay của một tổ chức tín dụng như ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính.
Hãy hình dung một mô hình cho vay ngang hàng sẽ hoạt động theo kiểu này. Người đi vay đăng ký nhu cầu vay vốn lên trang web hoặc ứng dụng. Sàn giao dịch trung gian sẽ xác định mức độ rủi ro của người vay, đưa ra mức lãi suất và niêm yết chúng lên “chợ” để các nhà đầu tư lựa chọn. Tiền của nhà đầu tư sẽ được chuyển đến tài khoản người đi vay, còn sàn giao dịch thì lấy phí và không chịu trách nhiệm về thiệt hại của các nhà đầu tư.
Chiếu theo kiểu hoạt động này, có lẽ các nền tảng được gọi là “ngang hàng” chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Người cho vay và đi vay thoải mái tạo tài khoản đăng tin trên các ứng dụng, trong khi với mô hình cho vay ngang hàng đúng nghĩa thì các bước xét duyệt rất gắt gao với cả hai đối tượng và cũng không có ai kiểm soát được các giao dịch nếu có”, một chuyên gia bình luận.
Tuy nhiên, thị trường vay tiêu dùng những khoản nhỏ lẻ được đánh giá là rất tiềm năng, thêm nữa, loại hình fintech kiểu mới này cũng đang chờ đợi khung thử nghiệm pháp lý (sandbox) chính thức từ phía cơ quan quản lý, nên các nền tảng cho vay cứ đua sức xuất hiện.
Trên thực tế, thị trường cho vay trực tuyến hấp dẫn đến nỗi các nhà cho vay chính thức cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chẳng hạn như chuỗi tiệm cầm đồ F88 (bản chất vẫn là cho vay thế chấp) mới đây công bố huy động thành công 100 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu, bổ sung cho nguồn vốn cho vay. Hay như sự gia nhập của các tổ chức tín dụng gồm ngân hàng thương mại và công ty tài chính, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Hồi đầu năm nay, FE Credit, công ty tài chính dẫn đầu phân khúc cho vay tiền mặt, đã tung ra ứng dụng $NAP với tính năng vay tự động, thời gian phê duyệt nhanh.