Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh cây dược liệu “lên ngôi” tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh cây dược liệu “lên ngôi” tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tuy không có giải nhất, nhưng dự án “Xây dựng mô hình cây dược liệu hiệu quả tại An Giang” đã giành được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019.

Khởi động cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Bỏ qua người tiêu dùng, startup chuyển hướng sang khách hàng doanh nghiệp

Kinh doanh cây dược liệu “lên ngôi” tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL
Hai dự án đạt giải nhì và ba nhận giải thưởng tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019. Ảnh: Trung Chánh

Tại “vòng chung kết- trao giải và gặp gỡ nhà đầu tư cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019” diễn ra ở Thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 17-12, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019 nhận được 313 hồ sơ của hơn 900 thí sinh từ các tỉnh thành ĐBSCL tham dự.

Theo ông Lam, các hồ sơ dự thi trong cuộc thi khởi nghiệp năm nay tập trung vào 4 lĩnh vực, gồm công nghệ ứng dụng; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và thủy sản; công nghệ chế biến thực phẩm và giải pháp kinh doanh. Trong đó, nông nghiệp và giải pháp kinh doanh là hai lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất, với 108 hồ sơ dự thi; chế biến thực phẩm có 77 hồ sơ...

Còn nếu tính theo địa bàn, thì Trà Vinh là địa phương có số lượng hồ sơ dự thi lớn nhất với 75 hồ sơ; Đồng Tháp có 73 hồ sơ; các địa phương còn lại của ĐBSCL đều có hồ sơ tham gia dự thi.

Từ 313 hồ sơ tham gia dự thi, qua 2 vòng sơ khảo và thuyết trình, Ban tổ chức đã chọn 12 dự án vào vòng chung kết- trao giải.

Đại diện một dự án tham dự cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019 trình bày với Ban giám khảo về ý tưởng dự án. Ảnh: Trung Chánh

Sau khi nghe đại diện 12 dự án trình bày ý tưởng về dự án khởi nghiệp cũng như trả lời phản biện của ban giám khảo, Ban tổ chức đã quyết định trao giải nhì cho dự án “Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu quả tại An Giang”; giải ba thuộc về dự án “Tổ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái”.

Ban tổ chức cũng quyết định trao 2 giải khuyến khích cho 2 dự án, gồm”Nghệ thuật tạo hình bonsai bằng dây đồng" và “Xây dựng thương hiệu mỹ phẩm “Hafabo-trẻ hóa từ thiên nhiên” với dầu gọi không bọt Yopoo, 100% thảo dược thiên nhiên”.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng quyết định trao giải được yêu thích nhất do khách mời bình chọn trực tiếp tại buổi lễ cho dự án “Sản xuất và mở rộng thị trường chế phẩm hữu cơ vi sinh xử lý môi trường ao nuôi thủy sản”.

Giải thích lý do không có giải nhất, theo ông Lam, quy chế cuộc thi quy định để đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019, dự án tham dự phải đạt tổng điểm từ 8,5 trở lên, tuy nhiên, dự án đạt điểm cao nhất, chỉ 8,02 điểm nên không có giải nhất.

Khách tham dự cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019 tìm hiểu về các dự án khởi nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi cho biết, giải nhì có tổng giá trị giải thưởng là 25 triệu đồng, trong đó, có 15 triệu đồng tiền mặt và được tham gia một khóa đào tạo giám đốc điều hành có giá trị 10 triệu đồng, được một năm quảng cáo sản phẩm trên website mekongstarup.vn.

Giải ba có giá trị 20 triệu đồng, trong đó, có 10 triệu đồng tiền mặt và được tham gia một khóa đào tạo giám đốc điều hành có giá trị 10 triệu đồng; giải khuyến khích có trị giá 15 triệu đồng, trong đó, được nhận 5 triệu đồng tiền mặt và khóa đào tạo giám đốc điều hành trị giá 10 triệu đồng.

Trước đó, phát biểu khai mạc vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019, ông Lam đánh giá, so với các khu vực khác trên cả nước, ĐBSCL là nơi thực hiện chương trình nghiêm túc nhất, chưa vùng nào có chương trình khởi nghiệp điều đặn như ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Lam, số lượng doanh nghiệp của ĐBSCL còn khá thấp, cứ 10.000 dân mới có 425 doanh nghiệp, chỉ cao hơn Tây Bắc và bằng với Tây Nguyên.

Chính vì vậy, ông Lam kỳ vọng qua cuộc thi khởi nghiệp, sẽ nâng cao chất lượng lẫn số lượng doanh nghiệp của ĐBSCL. “Kỳ vọng của chúng tôi là mong muốn gắn kết với các tổ chức, đơn vị và quỹ đầu tư để hỗ trợ vốn cho các dự án”, ông cho biết thêm.

Theo ông Lam, từ năm 2017, VCCI chi nhánh Cần Thơ đã hình thành được trung tâm đổi mới sáng tạo do đơn vị này và 13 địa phương ĐBSCL thành lập; hình thành câu lạc bộ các nhà tư vấn. “Dự kiến, trong năm 2020 chúng tôi sẽ thành lập câu lạc bộ các quỹ đầu tư”, ông cho biết và nhấn mạnh đây là những bước đi nhằm nâng cao số lượng và chất lượng doanh nghiệp ĐBSCL.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới