Startup Việt xoay xở tìm lối vào thị trường châu Âu
Mỹ Huyền
(TBKTSG Online) - Trong những năm gần đây, một số startup Việt Nam đã tiếp cận thị trường châu Âu qua kênh thương mại điện tử nhưng chưa trụ lại được vì hạn chế về năng lực tài chính, thiếu hụt chiến lược dài hạn.
Chỉ 1,5% doanh nghiệp nghiên cứu sâu về hiệp định EVFTA
Startup cần chuẩn bị kỹ hơn khi tiếp cận với thị trường châu Âu. Ảnh: Anh Quân |
Thông tin nói trên được ghi nhận từ các chuyên gia bên lề cuộc hội thảo Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường châu Âu (EU) thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), diễn ra vào ngày 19-12 tại TPHCM.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc dự án Trung tâm thương mại Thế giới Bình Dương, cho biết trong 10 năm cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp về chiến lược quốc tế, bà đã gặp nhiều startup phải rời thị trường châu Âu vì thiếu nguồn vốn. Cụ thể, một startup đã xuất được nước ép thanh long đỏ hữu cơ sang thị trường Bỉ và bán được với giá 3,5 euro/chai. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, startup này phải từ bỏ vì không đáp ứng được yêu cầu phải luôn có sản phẩm mới lạ.
"Startup phải bỏ tư tưởng chỉ cần có ý tưởng mới là có thể vào thị trường lớn, mà phải luôn phải dự trữ vốn cho việc nghiên cứu thị trường, từ đó có thể nắm bắt nhu cầu mới và duy trì chất lượng cho sản phẩm mới của mình. Từ đó, doanh nghiệp không phải hụt hơi sau khi tạo dựng được thị trường ở châu Âu", bà Linh cho hay.
Câu chuyện của một startup khác cũng được bà Linh chia sẻ là doanh nghiệp mang ống hút cỏ tranh sang Mỹ và đánh đúng tâm lý của thị trường yêu thích sản phẩm bền vững cho hệ sinh thái. Tuy nhiên, startup này lại hụt hơi với các rào cản thương mại khi vào thị trường châu Âu. Mỗi quốc gia trong châu Âu đều có tiêu chí kỹ thuật khác nhau chính là những rào cản thương mại mà các startup chưa thể cập nhật đầy đủ.
Trên thực tế, nông sản hữu cơ từ các startup Việt đã tiếp cận thị trường châu Âu qua kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, họ chỉ quen giao thương với số lượng nhỏ 1-2 container, khi khách hàng có nhu cầu nhiều hơn thì không đáp ứng kịp. Trong bối cảnh EVFTA hiện nay, các startup phải chuẩn bị gia tăng sản lượng nguồn hàng của mình nếu muốn ở lại thị trường châu Âu lâu dài.
Bà Nguyễn Thái Thảo Vy, Giám đốc điều hành công ty CRIF Dun và Bradstreet Việt Nam, cho rằng những khó khăn và thách thức tại thị trường châu Âu, các startup cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng thị trường này. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các quy định về hàng rào thuế quan và các biện pháp bảo hộ của mỗi nước trong châu Âu mà startup định hướng đến.
Bên cạnh đó, đánh giá rủi ro là một tiêu chuẩn mà doanh nghiệp châu Âu đòi hỏi. Do đó, startup còn phải tuân thủ quy trình quản trị rủi ro một cách minh bạch. Các quy trình cơ bản theo tiêu chuẩn châu Âu bao gồm "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp, mức độ phát triển bền vững, đánh giá rủi ro của các nhà cung cấp và khả năng của người lãnh đạo. Nếu thiếu tiêu chuẩn này, các đối tác châu Âu sẽ không đủ niềm tin vào các startup. Ngoài ra, yêu cầu về quản trị rủi ro từ đối tác cũng là một quyền lợi mà startup trong nước có thể bảo vệ mình trước các đối tác mới, hoàn toàn xa lạ.
Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM, EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các startup trong nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo trong mô hình kinh doanh mới, yêu cầu mới về phát triển xanh, phát triển bền vững và các giải pháp công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường lớn thì startup phải học cách kinh doanh của một thị trường minh bạch, chuyên nghiệp. Việc thực hiện EVFTA sẽ giúp môi trường kinh doanh minh bạch hơn và giảm nhiều chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua cách thức ứng xử của nhà nước với doanh nghiệp sẽ thân thiện hơn trước.
Trong khi đó, bà Huỳnh Đinh Thái Linh cũng khuyến nghị các startup nên tận dụng bối cảnh mở của EVFTA để tự tạo cho mình thêm nhiều cơ hội "đi châu Âu". Trong đó, việc startup tìm đối tác từ châu Âu ngay từ trong nước cần được tính toán. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp châu Âu cũng đang tận dụng EVFTA để vào thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động kết nối thương mại của các văn phòng lãnh sự các nước và đây sẽ là kênh hợp tác hữu ích. Họ có thể tận dụng thị trường trong nước (inbound) chứ không chỉ sang châu Âu (outbound) để giao thương với đối tác nước ngoài của mình.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp lớn trong nước có thể chia sẻ nguồn vốn và kinh nghiệm với startup để vào thị trường châu Âu thì đây là câu chuyện có lợi cho cả đôi bên là startup và doanh nghiệp khách hàng. Khách hàng có sản phẩm mới từ ý tưởng của startup còn startup sẽ tự tin hơn khi bước vào thị trường châu Âu khó tính.