Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sông biển cũng cần có nhau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sông biển cũng cần có nhau

Nguyễn Hữu Thiện

(TBKTSG Xuân) - Đang ngồi ăn cơm với món canh chua xiêm lo, nấu bằng khô cá biển, cơm mẻ, bắp chuối, chấm nước mắm ớt cay, ngon quá xá, lại nghe vẳng đâu hàng xóm vọng lại câu hát “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” của Trịnh Công Sơn. Tự hỏi ông nhạc sĩ tài hoa nói chi lạ, sỏi với đá vô tri sao cần có nhau.

Sông biển cũng cần có nhau
Cống đập ngăn mặn Ba Lai (Bến Tre). Ảnh: N.K

Chợt nghĩ lại, hình như không vô lý lắm. Nhìn lại tô canh nè, cá khô ở đâu ra? Biển chứ đâu. Nước mắm, muối cũng vậy. Bắp chuối thì từ đất liền, cơm mẻ từ cơm, muốn làm cơm mẻ phải có nước, vậy phải có sông. Vậy trong tô canh nhà mình hiện diện cả sông, biển, đất liền nữa. Ông nhạc sĩ nói cũng có lý. Vậy dựa vào câu hát, liên tưởng, sửa chút đỉnh, nói sông - biển cũng cần có nhau cũng được quá đi chứ.

Mà thật vậy, cái đồng bằng của mình, đâu chỉ có đất liền, mà có cả sông, biển nữa.

Nếu tính bờ biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ cửa sông Soài Rạp xuống tới mũi Cà Mau rồi vòng qua Hà Tiên thì khoảng hơn 700 cây số, chưa bằng một phần tư chiều dài bờ biển nước mình, vậy sao cá ở đây nhiều dữ vậy. Nghe ông bạn Pháp, chuyên gia của Trung tâm Cá thế giới, nói là sản lượng đánh bắt cá biển hàng năm của ĐBSCL bằng tất cả các vùng khác của cả nước cộng lại. Ổng nói xứ mình cá nhiều là nhờ sông Cửu Long mang phù sa ra pha với nước biển thành lớp nước đục bao quanh bờ biển đồng bằng, trong từng hạt phù sa đó có dinh dưỡng bám vô nữa để nuôi nấng hệ sinh thái ven biển. Mấy ông giáo sư Pháp ở Đại học Lyon thì nói không có cái lớp nước đục phù sa ven biển đó, lấy cái gì bồi đắp tạo ra cái đồng bằng này.

Bữa nọ gặp ông bạn người Úc, hỏi bên nước ông nhiều cá biển không. Ổng nói nước ổng dù bờ biển dài tới 31.500 ki lô mét, gấp bốn chục lần bờ biển ĐBSCL, số loài thì nhiều nhưng lượng đánh bắt cá biển hàng năm chỉ bằng cỡ một tỉnh của ĐBSCL thôi. Hỏi sao kỳ vậy thì ổng nói vì nước ổng chín chục phần trăm là sa mạc, mưa ít lắm. Mưa ít mà chảy qua sa mạc thì đâu có mang dinh dưỡng ra biển nhiều, nước biển Úc ít cá hơn ĐBSCL là vậy đó.

Nước sông chảy ra biển đâu có phí vì nước sông pha vô nước biển nó làm cho độ mặn vừa phải, nhiệt độ vừa phải thì các loại sinh vật biển mới phát triển được. Cá biển phải đi vô đi ra mấy cửa sông mới kiếm ăn, sinh sản được.

Nhớ bữa lên Sài Gòn cà phê với ông bạn trí thức trên thành phố. Ổng nói, nghe báo đài nói biến đổi khí hậu, rồi sông Mêkông do mấy cái đập ở khúc trên ngăn lại làm cho ngày càng ít nước, vậy phải ngăn mặn khép kín mới được. Mình nói khoan đã. Này bạn hiền ơi, thủy điện đâu có lấy mất nước đâu. Thủy điện nó chặn mất bùn với cát làm sạt lở tứ tung rồi làm đất đai mình hết phì nhiêu mới là chuyện lớn. Còn đối với nước, nó chỉ làm thay đổi thời gian nước chảy thôi. Mấy năm mưa bình thường thì không có sao. Gặp mấy năm lũ lớn, mấy đập thủy điện chứa nước tới óc ách, sợ bể đập mới xả ra thì làm ở dưới bị “lũ chồng lũ”, còn mấy năm khô hạn mưa ít, thiệt ít thì nước trong hồ không đủ sâu để cho turbin chạy thì phải đóng đập để chờ cho nước sâu rồi mới xả, đập trên xả đập dưới chờ, cứ như vậy qua mười mấy cái đập làm nước về dưới mình chậm cả tháng.

Ổng nói tiếp, vậy thì làm đê cống ngăn biển riêng, sông riêng, trong chứa nước ngọt làm nông nghiệp, biển bên ngoài, không cho mặn vô đất liền, mặn ra mặn, ngọt ra ngọt, vậy thôi.

Tôi giải thích, biển cũng cần nước ngọt. Lâu nay mình chỉ lo làm lúa tăng vụ trong đất liền, ít nhìn ra biển, tưởng biển chỉ có nước mặn, không cần nước ngọt, cứ hễ giọt nước ngọt nào chảy ra biển thì coi là phí. Nhưng nước sông chảy ra biển đâu có phí vì nước sông pha vô nước biển nó làm cho độ mặn vừa phải, nhiệt độ vừa phải thì các loại sinh vật biển mới phát triển được. Cá biển phải đi vô đi ra mấy cửa sông mới kiếm ăn, sinh sản được.

Lâu nay bên trong làm lúa tăng vụ nên làm mấy cái cống bít gần hết mấy cửa sông vào mùa khô, cá biển hết vô ra cửa sông. Mấy cái cống đóng bít này, tích tụ nước ô nhiễm, bên trong lục bình dày đặc, lâu lâu mở xả ra là biển lãnh đủ nên cá biển suy giảm. Nếu tách ra bằng công trình cứng, tách bạch bên trong cái “tường thành” là ngọt, ngoài là mặn, vậy coi như xóa sổ vùng nước lợ rồi.

Tôi quay qua hỏi lại bạn: “Ông có hay ăn tôm càng xanh nướng không? Ông nói tôm càng xanh thịt ngọt lịm, ai mà không thích, nhưng nó sống nước ngọt mà. Tôi nói, tại bạn có điều chưa biết, tưởng ngăn mặn tuốt ven biển thì không sao. Thật ra ngăn mặn là tôm càng xanh “nghỉ đẻ”. Tôm càng xanh mang trứng nó phải bơi ra nước lợ để đẻ, con nó lột xác mười một lần rồi từ từ bơi vô nước ngọt, lớn lên. Con cá kèo cũng vậy, nó đẻ ở vùng nước lợ cửa sông. Xóa vùng nước lợ thì lấy đâu ra cá kèo?

Ông bạn vặn lại, nhưng cụ thể mùa khô năm 2016 đó, hạn vô sâu thiệt hại quá xá, rồi năm nay nữa, đọc tin tức thấy mùa lũ gì mà sông cạn quá, sau đó mùa nước nổi về tràn đồng chút đỉnh mà trễ lắm, vậy cái gì gây ra? Không phải sông Mêkông ngày càng ít nước là gì?

Tôi giải thích tiếp. Mùa mưa thì cả cái miền Tây mình nó ngọt, ngọt luôn ra nước biển gần bờ. Còn mùa khô thì mặn vô một khúc. Nói xâm nhập mặn thì phải chừa cái khúc mặn bình thường có từ bao đời nay ra. Mấy năm khô hạn, mặn vô sâu hơn thì chỉ tính cái đoạn đó thôi. Mấy năm đó người ta kêu là cực đoan, là do hiện tượng El Nino làm cho nước ở thượng nguồn về ít, mà nước ít thì mấy đập đóng lại nên nước về chậm hơn, làm tình hình tệ thêm. Thiệt hại năm đó chủ yếu là lúa dân mình trồng trong mùa khô vùng ven biển. Biến đổi khí hậu thì năm này năm khác, nhưng sông Mêkông là một trong những dòng sông nhiều nước nhất trên quả đất, sao hết nước được.

Ông bạn lại nói, vậy mấy năm đó nếu có công trình đóng bít lại thì bảo vệ lúa được mà?

Thật ra là có công trình rồi, cũng đã đóng bít mà có giữ được đâu vì mấy vùng đó đất là mặn, năm nào có nước ngọt nhiều đè lên thì làm lúa được, còn những năm đã không có nước, ngăn nước biển cũng đâu có hết mặn, vì mặn từ trong đất ra.

Ổng hỏi vậy lâu dài tính sao?

Mấy năm cực đoan đó tốt nhất là né. Còn lâu dài nên giảm số vụ lúa lại, ven biển chỉ nên làm lúa mùa mưa thôi. Nước sinh hoạt thì tính chuyện cấp nước, chứ nước trong mấy cái cống đó có xài được đâu. Vùng trên như An Giang, Đồng Tháp nên bớt làm lúa trong mùa lũ, để nước tràn vô đồng, bớt ngập thành phố; mùa khô có nước ra để bớt mặn ven biển. Lâu nay mình làm ra nhiều lúa là do xài phân thuốc nhiều thôi, làm riết đất cũng đuối lắm. Nếu chỉ lo làm lúa trong đất liền mà quên cái biển thì kinh tế mất nhiều lắm. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới