Giữ gìn những “bảo tàng sống” cho thế hệ sau
Thanh Thảo
(TBKTSG) - Bây giờ, có thể nói mà không sợ sai, là trong cộng đồng, ở cả những nơi rừng sâu núi thẳm, vẫn có những con người xứng đáng là “bảo tàng sống”. Đó là những nghệ nhân dân gian.
Khi anh Phạm Quang Nghị, bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đến tận nhà thăm cụ bà Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm số 1 Việt Nam, tôi đã nghĩ: đó là quyết định thăm một “bảo tàng sống” của một người lãnh đạo biết địa phương mình có những báu vật nào. Cụ nghệ sĩ dân gian Hà Thị Cầu sau đó đã được phong “Nghệ nhân nhân dân”, và kho tàng hát xẩm mà cụ để lại, càng qua thời gian, càng thấy vô giá.
Nghệ nhân dân gian sáng tạo nghệ thuật bằng tài năng của mình, bằng sự tiếp thu truyền nghề từ các thế hệ đi trước mình. Họ không biết viết ra giấy một bản nhạc, nhưng có thể hát biết bao bài ca trù, hát xẩm, hát ca-lêu hay ca-choi... Họ có thể độc tấu khèn, sáo Mèo, sáo tà-vố làm bằng đất, họ có thể tấu những đường chiêng tuyệt đỉnh, có thể chỉ hai người, mỗi người ngậm một đầu ống sậy, mà làm bật lên thứ “âm nhạc của thiên đường” như các bạn Hàn Quốc đã nhận xét khi được nghe trình diễn kèn a-máp tại hòn đảo du lịch Jeju.
Tôi vẫn không thể quên hình ảnh một nữ nghệ nhân dân gian thổi kèn a-máp, khi lần đầu tiên ra nước ngoài, chị đã ngập ngừng lúng túng như thế nào lúc bước vào cửa an ninh sân bay Incheon ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Khi chúng tôi nhờ bạn Hàn Quốc “giải cứu” chị ra khỏi phòng an ninh, hỏi chị có sợ không, chị cười bình thản: “Có biết gì đâu mà sợ”. Đó là một phụ nữ nông dân toàn tòng, một người thuộc dân tộc Hre ở Trà Bồng, cả đời chưa bao giờ đi quá huyện nhà, chưa từng đi ô tô chứ đừng nói máy bay, đừng nói đi chuyến bay quốc tế ra nước ngoài.
Vậy mà ở Jeju, giữa những bạn bè nghệ sĩ, nghệ nhân Hàn Quốc, với cây kèn a-máp không thể mộc mạc hơn của mình, chị cùng một nghệ nhân Trà Bồng nữa đã làm mê đắm các bạn Hàn Quốc. Tới mức, các bạn Hàn Quốc gọi tiếng kèn a-máp là “âm nhạc của thiên đường”. Tôi đã run người lên vì tự hào khi nghe được những lời khen tặng ấy dành cho những nghệ nhân dân gian của địa phương mình.
Không thể nói khác, họ chính là những báu vật, là những “bảo tàng sống”. Không hoành tráng, không tốn công phu tiền của xây dựng, những “bảo tàng sống” này cống hiến cho văn hóa nghệ thuật dân tộc những gì là đặc sắc nhất, kỳ diệu nhất mà cũng bình dị nhất từ nghệ thuật “đất, đá, sậy, trúc, lá, chiêng...” của dân tộc họ, của đất đai sông núi họ.
Bây giờ, Nhà nước đã xét tặng các danh hiệu “Nghệ nhân dân gian nhân dân”, “Nghệ nhân dân gian ưu tú” cho những “báu vật quê hương” ấy. Danh hiệu là vinh dự, nhưng có lẽ, kèm theo danh hiệu, rất cần một chế độ đãi ngộ cho những nghệ nhân ấy. Ở Hàn Quốc, từ lâu rồi họ đã phong tặng những danh hiệu như thế cho những “báu vật nghệ thuật dân gian” của mình, kèm theo là chế độ lương suốt đời cho những tinh hoa văn hóa nghệ thuật xuất thân từ dân gian ấy.
Chưa hết, ở mỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật được tổ chức từ quy mô tỉnh cho tới quốc gia, những nghệ nhân dân gian lại được mời tham gia biểu diễn những gì là tinh hoa nhất, đặc sắc nhất của mình. Và họ nhận được những “phong bì” dày nặng của lòng biết ơn.
Tôi nghĩ, với Việt Nam, ở tầm quốc gia và ở tầm địa phương, hoàn toàn có thể chăm sóc cụ thể như thế với những “báu vật nghệ thuật dân gian” của mình. Những nghệ nhân trác tuyệt ấy, bây giờ cũng không còn nhiều. Làm sao tạo điều kiện tốt nhất để họ truyền nghề, dìu dắt các thế hệ sau họ thụ đắc được những tinh hoa nghệ thuật dân gian, và tiếp tục lưu giữ và phát huy những tinh hoa ấy trong những “bảo tàng sống” - chính là ở cuộc đời của mỗi nghệ nhân.