Chủ Nhật, 18/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Đà Nẵng sản xuất ra sao trong mùa dịch?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Đà Nẵng sản xuất ra sao trong mùa dịch?

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Có những doanh nghiệp lớn tại thành phố Đà Nẵng, chủ yếu sản xuất, đang có không dưới 1.000 công nhân làm việc mỗi ca và vẫn đang cố gắng xoay xở để đảm bảo sản xuất và phòng chống dịch bệnh lây lan.

Doanh nghiệp Đà Nẵng sản xuất ra sao trong mùa dịch?
Nhà máy bia HEINEKEN Việt Nam – Đà Nẵng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Nguồn: HEINEKEN Việt Nam

Thông tin này vừa được đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chia sẻ sau buổi thanh tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số doanh nghiệp trên địa bàn do ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng dẫn đầu, diễn ra sáng nay, 5-4.

Chia ca, giảm số nhân công

Tại Công Ty TNHH Daiwa Việt Nam (Nhật), chuyên sản xuất cần câu và dụng cụ câu cá, có hơn 2.700 nhân viên đang làm việc, chia làm 3 ca. Trung bình một ca làm việc tại công ty có gần 1.000 người. Theo đại diện của công ty, trong thời gian qua, công đã triển khai một số giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho tất cả nhân viên như: đo thân nhiện; luôn luôn đeo khẩu trang; sát khuẩn tay thường xuyên; giữ khoảng cách làm việc tối thiểu…

Trừ phòng gia công sợi carbon, do tính chất đặc thù phải duy trì nhiệt độ dưới 26 độ C, các phòng làm việc khác của công ty đều sử dụng quạt gió, không sử dụng điều hòa. Giờ ăn tại công ty hiện nay được chia làm 6 đợt, mỗi đợt khoảng 100 người trong nhà ăn có sức chứa 700 người như trước đây.

Ngoài ra, công ty đang xuất khẩu 100 sản phẩm, đang có phương án bố trí làm việc tại nhà đối với một số bộ phần phù hợp, nhằm giảm số lượng nhân viên tập trung tại công ty. Bên cạnh duy trì hoạt động nhà máy có vốn đầu tư 35 triệu đô la Mỹ đi vào hoạt động từ năm 2008, công ty cũng đang tiến hành dự án mở rộng nhà máy sản xuất cần câu cá chất lương cao với vốn đầu tư 50 triệu đô la Mỹ.

Tăng công suất hệ thống nhà xưởng

Ngoài việc giảm số lượng nhân công có mặt cùng lúc tại nhà máy, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tận dụng tối đa công suất của hệ thống dây chuyền sản xuất. Tại nhà máy của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam ở KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, dây chuyền có năng lực sản xuất 1 triệu gói mì, phở, miến ăn liền mỗi ngày đang hoạt động hết công suất. Không chỉ nhà máy này mà toàn bộ các nhà máy của Acecook Việt Nam trên toàn quốc đều đang tăng cường năng suất các dây chuyền. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người tiêu dùng ngay cả khi nhu cầu trên thị trường tăng 30 – 40% so với hiện tại.

Công ty cổ phần Bình Vinh sản xuất nước uống đóng chai thương hiệu BIWA với công suất khoảng 24.000 lít nước/ngày nay phải tăng công suất lên 40.000 lít/ngày để đáp ứng nhu cầu thị trường, kèm các dịch vụ vận chuyển tận nơi cho khách hàng trong mùa dịch Covid-19 này.

Do đặc thù có quy trình sản xuất tự động hóa cao, nên số lượng nhân viên làm việc trong một ca tại nhà máy của Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng tương đối ít. Khoảng cách làm việc của các kỹ sư trong phòng điểu khiển đảm bảo 2m. Giờ ăn được chia làm 4 đợt để giảm số lượng người tập trung tại nhà ăn, đồng thời đảm bảo mỗi người ngồi ăn riêng một bàn. Xe đưa đón nhân viên cũng được tăng cường nhằm giữ khoảng cách an toàn, với 7 người trên một xe 14 chỗ ngồi.

Quy trình giám sát y tế đối với người ra vào công ty được thực hiện đầy đủ với các bước: sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, điền thông tin tờ khai y tế; đồng thời, luôn có bác sĩ trực trong các ca làm việc để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh về y tế. Nhân viên luôn luôn đeo khẩu trang trong công ty và được trang bị nước sát khuẩn để sát khuẩn tay thường xuyên.

Bên cạnh đó, các quy định về khoảng cách cũng được công ty thực hiện nghiêm túc, cả trong giờ sản xuất và giờ nghỉ.

“Trong tình hình dịch bệnh, một mặt đảm bảo an toàn cho mọi người, công ty vẫn duy trì, đảm bảo khối lượng sản xuất”, ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc công ty, nói và chia sẻ thêm ước tính quí 1 năm 2020, công ty nộp ngân sách thành phố gần 1.000 tỉ đồng.

Các công trường 'siết' quy định phòng dịch

Tại công trình dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort (Nhật), đại diện đơn vị thi công cho biết, các lán trại, nơi ở của công nhân cũng được phun khử khuẩn thường xuyên.

Bữa ăn của kỹ sư công trường được cung cấp theo hộp và đem đi ăn tự túc, không tập trung đông người một chỗ; công nhân ăn tại nhà ăn theo nhiều đợt, đảm bảo khoảng cách mỗi người một bàn.

Được biết, hiện nay, trung bình một ngày có từ 300-320 nhân công làm việc tại công trình.

Ông Lê Trung Chinh đề nghị đơn vị thi công và các bên liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe, an toàn lao động tại công trường, đưa dự án triển khai đúng tiến độ, sớm hoàn thành, đi vào hoạt động, góp phần phục hồi kinh tế Đà Nẵng sau đại dịch.

Dự án dự kiến được đưa vào khai thác vào giữa năm 2021, với tổng vốn 100 triệu đô la. phần khách sạn và nhà hàng chính của dự án mở cửa vào tháng 4-2021 với 294 phòng ngủ trong tổng số 500 phòng ngủ.

Trước đó, Khu công viên suối nước nóng và Khu vườn sinh thái sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 6-2020. Những cơ sở vật chất này sẽ phục vụ cho 60% khách là người Việt, đặc biệt là ba thế hệ trong gia đình người Việt.

Thành phố cũng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định khoảng cách phòng dịch giữa các nhân viên, bởi có một số dây chuyền sản xuất đặc thù, không thể giãn cách được, ông Chinh nói và cho biết tuy nhiên, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc gần giữa các nhân viên trong quá trình làm việc, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới