Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hết khách, nhà hàng Mỹ chuyển sang bán thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hết khách, nhà hàng Mỹ chuyển sang bán thực phẩm

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Đang trong thời kỳ bị cấm phục vụ thực khách ăn tại chỗ để kiểm soát dịch Covid-19, nhiều nhà hàng ở Mỹ đang chuyển sang bán thực phẩm, đặc biệt là những mặt hàng mà người tiêu dùng đang có nhu cầu cao.

Hết khách, nhà hàng Mỹ chuyển sang bán thực phẩm
Anthony Strong biến nhà hàng Prairie của ông ở TP. San Francisco, bang California, thành một cửa hàng thực phẩm đúng nghĩa sau khi chính quyền bang này yêu cầu các nhà hàng đóng cửa các không gian ăn uống hồi giữa tháng trước. Ảnh: Bay Area News

Thành công vì không phụ thuộc vào giao nhận

Cách đây một tháng, Anthony Strong khai trương phòng ăn phục vụ các món ăn gia đình tại nhà hàng Prairie của ông ở TP. San Francisco, bang California. Ông rất phấn chấn khi đón tiếp đón thực khách trong không gian mới nhưng chẳng bao sau đó, chính quyền thành phố ban hành lệnh giãn cách xã hội nhằm khống chế đà lây lan của dịch Covid-19. Các nhà hàng được yêu cầu hạn chế các hoạt động, bao gồm phục vụ khách ăn tại chỗ.

Vì vậy, Strong bắt đầu chuyển sang bán thực phẩm và biến nhà hàng của anh thành một cửa hàng thực phẩm thực thụ. Ý tưởng này ngay lập tức thành công. Ông nói: “Thật ngạc nhiên khi chứng kiến mọi người,trong khu vực, vốn trước đây là thực khách của nhà hàng Prairie, đổ xô đến mua. Họ từng nhiệt tình thưởng thực các món ăn từ bếp nướng than của chúng tôi, giờ đây họ đang hăm hở tìm đến vì chúng tôi là nơi duy nhất còn mì ống dự trữ để bán trong thành phố này”.

Strong không có giấy phép sử dụng các thiết bị đo lường trọng lượng vốn được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm. Vì vậy, thay vì bán gà theo trọng lượng, ông bán theo đơn vị con. Ông chia bao bột mì 50 pound (22,7kg) vào các túi ni lông nhỏ đều nhau để bán cho khách.

Ông cũng bán các hộp thực phẩm chế biến sẵn. Mỗi hộp gồm 14 món như ớt, hạnh nhân, hoa atisô ngâm dấm và nướng, ớt piquillo, hạnh nhân, bánh quy hạt diêm mạch, nước sốt bông cải xanh, atisô nướng và ướp, xúc xích... Mỗi hộp được bán với giá 96 đô la Mỹ, tức trung bình 6-7 đô la cho mỗi món, tương đương với giá mua sắm ở các siêu thị thực phẩm.

Strong không phải là chủ nhà hàng duy nhất ở Mỹ đang chuyển sang bán thực phẩm cho khách hàng. Khắp trên nước Mỹ, các nhà hàng, quán cà phê đang sốt sắng duy trì hoạt động kinh doanh bằng cách bán thực phẩm để cải thiện doanh thu khi thực khách của họ không thể ghé đến ăn trực tiếp.

Nhiều nhà hàng đang phải dựa vào mảng kinh doanh giao đồ ăn trong thời điểm này vì họ không được phục vụ khách ăn tại chỗ. Nhưng Strong và nhiều chủ nhà hàng khách không muốn phụ thuộc vào các dịch vụ của bên thứ ba. Mức phí giao đồ ăn khá cao và có thể ăn mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng của các nhà hàng. Họ xem giao đồ ăn không phải là phương án kinh doanh hiệu quả.

Nhà hàng-cà phê Tucker Silk Mill ở TP. Easton, bang Pennsylvania, là điểm gặp gỡ yêu thích của mọi người trong thành phố nhỏ này nhưng lệnh giãn cách xã hội khiến Jason Hoy, chủ nhà hàng, phải tính kế sách kinh doanh khác. Hoy nói ông gạt bỏ phương án giao thức uống và đồ ăn truyền thống vì không muốn phụ thuộc vào các dịch vụ giao hàng của bên thứ ba.

Thay vào đó, ông quyết định chuyển sang bán thực phẩm trực tuyến và nhận hàng tại tại nhà hàng của ông. Hoy nói: “Chúng tôi vận hành một mô hình kinh doanh mà chúng tôi có thể kiểm soát hoàn toàn”. Ông vui vẻ khoe rằng sau khi bắt đầu bán thực phẩm trực tuyến, công việc kinh doanh của ông tăng trưởng “bùng nổ”.

Các chuỗi nhà hàng lớn cũng nhập cuộc

Chuỗi nhà hàng sandwich Subway mới khai trương dịch vụ bán thực phẩm trực tuyến có tên gọi Subway Grocery ở hơn 250 nhà hàng ở các bang California, Connecticut, Oregon, Tennessee và Washington. Ảnh: Supermarket News

Không chỉ các nhà hàng độc lập, các chuỗi cửa hàng lớn cũng đang gia nhập vào xu hướng bán thực phẩm này. Hơn 30 nhà hàng Denny’s ở hai bang Oregon và California đang bán những mặt hàng thực phẩm như phô mai, bánh mì, rau quả tươi và thực phẩm đông lạnh, các loại thịt tươi và đã được chế biến sẵn ngay tại các bãi giữ xe của họ. Khách hàng có thể đặt mua trực tuyến. Họ cũng có thể lái xe ghé đến mua và nhân viên sẽ gói hàng và giao tận xe của họ.

Chuỗi nhà hàng Denny’s cho hay: “Dịch vụ mới này cho phép khách hàng mua những mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm mà họ cần nhưng không vi phạm các quy định giãn cách xã hội hoặc không cần phải ghé vào những không gian đông người”.

Trong khi đó, chuỗi nhà hàng sandwich Subway khai trương dịch vụ bán thực phẩm trực tuyến gọi là Subway Grocery ở hơn 250 nhà hàng của họ tại các bang California, Connecticut, Oregon, Tennessee và Washington. Subway đang bán các mặt hàng gồm bánh mì, thịt, pho mát, rau, súp đông lạnh, chả trứng, bánh quy, khoai tây chiên...

Việc các nhà hàng tham gia bán lẻ thực phẩm cũng là cách để hỗ trợ cho các nhà cung cấp vốn đang lao đao trong cơn khủng hoảng dịch Covid-19.

“Các nhà cung cấp của chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ”, Fabio Trabocchi, một bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng nói. Bốn trong sáu nhà hàng của Trabocchi ở Washington DC. đã đóng cửa. Hai nhà hàng còn lại vẫn mở cửa nhưng chỉ để giao đồ ăn và bán đồ ăn cho khách hàng mang về đồng thời bán thêm thực phẩm. Trabocchi cho biết các nhà cung cấp của ông đang chứng kiến nhu cầu lao dốc khi các cơ sở ăn uống đóng cửa hàng loạt.

Đối với phần lớn nhà hàng, các hoạt động bán thực phẩm chỉ là giải pháp tạm thời trong thời khắc khó khăn. Nhưng một số chủ nhà hàng đang có ý định xem đây phương án lâu dài. Jason Hoy, chủ nhà hàng cà phê Tucker Silk Mill ở Pennsylvania, cho biết ông đã đặt mua thêm tủ lạnh mới và lắp đặt thêm các kệ hàng trưng bày thực phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới