Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong cơn bĩ cực
Võ Đình Trí
(TBKTSG) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới là hết sức nghiêm trọng đến lúc này, khi biến động trên thị trường chứng khoán chưa từng có tiền lệ trong lịch sử(1), các liều thuốc cực mạnh về tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được các chính phủ tung ra, dự báo thất nghiệp và phá sản được quan tâm đặc biệt.
Các ngành, các doanh nghiệp hiện nay đều có mối liên quan với nhau, trực tiếp hay hay gián tiếp, nên khi một ngành gặp khó khăn, sẽ tạo phản ứng dây chuyền. Mức độ thiệt hại vì thế sẽ khác nhau tùy theo ngành, theo sức đề kháng của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự phòng thanh khoản ít, trong các lĩnh vực như du lịch, vận tải, nhà hàng, giải trí, cung cấp thực phẩm tươi sống thì khả năng trụ được rất mong manh.
Lúc này, cùng với nỗ lực của Chính phủ là vai trò của các doanh nghiệp lớn, trong những ngành ít bị tác động trực tiếp hơn và có nguồn lực dự phòng để chống chọi với những khó khăn trong dài hạn. Tại châu Âu, nhiều doanh nghiệp lớn đã kêu gọi hoặc thông báo không chia cổ tức trong năm 2020, một phần để tăng sức đề kháng của doanh nghiệp, một phần chia sẻ khó khăn chung với khách hàng, nhà cung cấp. Nhiều tập đoàn đã chuyển một bộ phận dây chuyền sản xuất của mình để sản xuất máy thở, máy trợ thở, khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn.
Trong các lĩnh vực kinh tế, ngân hàng là ngành bị ảnh hưởng gián tiếp, rủi ro bị thiệt hại vốn chủ sở hữu xếp sau các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp (vì khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân bị phá sản mới dẫn đến nợ xấu của ngân hàng, chưa kể có thể khắc phục từ tài sản đảm bảo cho khoản vay).
Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 27-3 vừa qua đã kêu gọi các ngân hàng không chia cổ tức, để dùng nguồn lực chia sẻ khó khăn với các ngành khác. Bên cạnh đó, các chính sách giãn nợ, khoản vay ưu đãi cần được các ngân hàng thực hiện nhanh chóng, đúng đối tượng.
Tuy nhiên thực tế các ngân hàng dường như thụ động và chưa chứng minh trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) với vai trò của mình. Tại Anh, có thể 800.000 đến 1 triệu doanh nghiệp sẽ đóng cửa trong tình trạng các ngân hàng Anh thụ động với việc hỗ trợ các khoản vay ưu đãi(2).
Tình hình dường như tương tự ở Việt Nam, trong khi các ngân hàng trong những năm qua mặc dù đạt lãi khủng (năm 2019 lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng lên đến 100.000 tỉ đồng), nhưng chậm với nhu cầu cấp bách của một số doanh nghiệp(3). Mức chia sẻ còn khá hạn chế, chỉ trong mức giảm một phần lợi nhuận biên của mình, trong khi các ngành khác phải chịu lỗ, thâm hụt vốn chủ sở hữu.
Nhưng vấn đề này cũng cần nhìn thêm ở một khía cạnh khác, đó là có những doanh nghiệp lợi dụng chính sách để có được nguồn vốn rẻ, hay nhu cầu không thực sự cấp thiết, và lấy đi cơ hội của doanh nghiệp khác. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào lòng tự trọng, trách nhiệm xã hội của chủ doanh nghiệp. Phong trào chia sẻ khó khăn với những gói quà “tự lấy một phần nếu bạn thấy cần” hy vọng là một bài học cho những doanh nghiệp chỉ nghĩ đến mình trong lúc cả nền kinh tế cùng khó khăn.
Cũng sẽ có những khó khăn trong việc lựa chọn doanh nghiệp nào để được hỗ trợ, giống như trong tâm dịch, vì thiếu nguồn lực mà bác sĩ phải chọn bệnh nhân nào được sống. Việc lựa chọn doanh nghiệp phải dựa trên tiêu chí rõ ràng, công khai, không phụ thuộc ý chí chủ quan của chỉ một người. Trong số các tiêu chí, có thể kể đến như khả năng trụ vững và phát triển của doanh nghiệp sau đó, hoạt động hiệu quả trong những năm trước đây, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đóng góp đáng kể (so với doanh nghiệp cùng quy mô) cho ngân sách và xã hội.
(1) Baker, S. R., Bloom, N., Davis, S. J., Kost, K., Sammon, M., & Viratyosin, T. (2020). The Unprecedented Stock Market Reaction to COVID-19. Working paper, Northwestern University
(2) https://www.bbc.com/news/business-52126658
(3) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-muon-goi-ho-tro-tin-dung-den-tay-kip-thoi-20200403083534115.htm