Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 tàn phá ngành công nghiệp may mặc Bangladesh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19 tàn phá ngành công nghiệp may mặc Bangladesh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Đại dịch Covid-19 đang tàn phá ngành may mặc Bangladesh, công xưởng thời trang lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hàng triệu công nhân đã mất việc khi các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang trên thế giới, vốn cũng đang điêu đứng vì dịch bệnh, hủy và hoãn các đơn hàng trị giá hàng tỉ đô la đã ký kết.

Thấp thỏm trước các kịch bản dự báo kinh tế toàn cầu

Covid-19 tàn phá ngành công nghiệp may mặc Bangladesh
Công nhân may mặc xuống đường biểu tình ở thủ đô Dhaka, Bangladesh để đòi công ty họ trả nợ tiền lương hôm 15-4. Ảnh: Reuters

Hơn 50% lực lượng công nhân may mặc mất việc

Khi Fatema Akther đến nhà máy may mặc của Công ty Alif Casual Wear ở thủ đô Dhaka, Bangladesh vào một ngày cuối tháng 3, cô không ngờ đây là ngày làm việc cuối cùng.

“Chuyền trưởng của tôi nói rằng tôi không cần phải làm việc nữa”, Akther, 25 tuổi, người đã có 5 năm gắn bó với nhà máy này, nói. Cô cho biết do tác động của dịch Covid-19, công ty cô quyết định đóng cửa nhà máy.

Đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp may mặc Bangladesh tạm thời cho nghỉ việc hoặc sa thải hơn 50% trong lực lượng công nhân may mặc gần 4,1 triệu người ở nước này, theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng may mặc Bangladesh (BGMEA).

Phần lớn công nhân may mặc ở Bangladesh là phụ nữ. Họ kiếm mức thu nhập trung bình 110 đô la/tháng và đó cũng thường là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình họ.

“Gia đình tôi dựa vào nguồn thu nhập duy nhất của tôi. Tôi không biết gia đình tôi sẽ sống ra sao trong thời gian tới”, Akther nói khi giải thích cô đang chu cấp chi phí sinh hoạt cho chồng và đứa con nhỏ.

Các lệnh phong tỏa đi lại và làn sóng mất việc làm chưa có tiền lệ trên toàn cầu khiến nhu cầu của gần như mọi mặt hàng không thiết yếu bao gồm áo quần, biến mất. Trước tình hình đó, các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang trên thế giới, vốn dựa vào nhân công giá rẻ của Bangladesh, buộc phải hủy hoặc hoãn các đơn hàng may mặc với tổng trị giá 3,17 tỉ đô la Mỹ ở Bangladesh, theo BGMEA.

Các doanh nghiệp may mặc Bangladesh không còn sự lựa chọn nào khác là đóng cửa nhà máy và cho công nhân nghỉ việc.

Đây là tin tức xấu đối với nền kinh tế Bangladesh, vốn đang phụ thuộc quá lớn vào ngành công nghiệp may mặc. Hàng may mặc chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh và tạo ra hơn 30 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, giúp quốc gia Nam Á này trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ngành công nghiệp may mặc đóng góp đến 16% GDP của Bangladesh.

15 triệu việc làm khác bị đe dọa

Dịch Covid-19 khiến các khách hàng nước ngoài hủy hoặc hoãn các đơn hàng gia công tới 980 triệu sản phẩm thời trang với tổng trị giá 3,17 tỉ đô la đã ký với các doanh nghiệp may mặc của Bangladesh. Ảnh: CNN

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu công nhân may mặc ở Bangladesh mà còn đe dọa 15 triệu việc làm khác được gián tiếp tạo ra nhờ ngành may mặc bao gồm tài xế xe tải, công nhân bốc xếp ở các cảng, những người bán đồ ăn ở gần các nhà máy.

Bộ trưởng Thương mại Bangladesh, Tipu Munshi, nói: “Dịch Covid-19 tạo ra một tình thế rất nguy hiểm, tác động đến nhiều người lao động”.

Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina, đã thông báo các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 8,5 tỉ đô la bao gồm các khoản vay hỗ trợ các chủ doanh nghiệp may mặc trả lương cho người lao động.

Kể từ cuối tháng 3, Bangladesh tuyên bố phong tỏa toàn quốc bao gồm thành phố thủ đô Dhaka, nơi tập trung phần lớn nhà máy may mặc của Bangladesh. Lệnh phong tỏa cấm mọi người dân đi ra khỏi nhà ngoại trừ đi mua thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài đến ngày 26-4 nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bangladesh gia hạn lệnh này đến ngày 5-5.

“Vấn đề lớn nhất hiện này là lương thực. Chúng tôi không biết phải kiếm miếng ăn ra sao. Chúng tôi có gia đình ở quê và họ đang sống phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi gửi những đồng lương kiếm được ở đây về quê nhà. Nhưng giờ đây, gia đình tôi ở quê chẳng còn gì để ăn”, Rezaul Islam, công nhân của một nhà máy may mặc ở Dhaka, người vừa bị sa thải vào cuối tháng trước, than vãn.

Các công nhân như Rezaul Islam đang kêu gọi các nhà máy may mặc tiếp tục trả lương cho họ trong thời kỳ khủng hoảng.

Islam nói: “Thật không công bằng khi sa thải chúng tôi như thế này. Hoặc là đưa chúng tôi trở lại làm việc hoặc là trả cho chúng tôi ba tháng lương”.

Theo luật lao động Bangladesh, nếu bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động, các công nhân làm việc dài hạn được trả ít nhất 2 tháng lương. Islam cho biết anh chỉ được trả đúng một tháng lương.

Song các chủ nhà máy may mặc nhấn mạnh rằng họ không thể một mình đứng ra hỗ trợ công nhân, đặc biệt là khi các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang trên thế giới không tuân thủ các điều khoản của hợp đồng đặt hàng.

Câu hỏi về nghĩa vụ đạo đức

Trung tâm bảo vệ quyền lợi công nhân toàn cầu ở Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết hơn 50% trong số 316 nhà cung cấp hàng may mặc ở Bangladesh được khảo sát cho biết phần lớn các đơn hàng đã hoặc đang trong quá trình hoàn thiện bị khách hàng nước ngoài hủy kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Họ cho hay phần lớn khách hàng này là các thương hiệu thời trang ở châu Âu và Mỹ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn 98% khách hàng nước ngoài từ chối đóng góp một phần lương cho các công nhân dệt may bị tạm thời cho nghỉ việc ở Bangladesh.

BGMEA cho biết theo các điều khoản của hợp đồng, khách hàng phải thanh toán tổng chi phí hàng may mặt mà họ đã thuê gia công, bao gồm 16% chi phí lương của công nhân.

Theo Chủ tịch BGMEA, Rubana Huq, các nhà máy may mặc ở Bangladesh phải mua nguyên liệu thô, trả chi phí nhân công và hoạt động trước khi họ được các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang thanh toán. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp may mặc Bangladesh đang nắm đằng lưỡi.

David Hasanat, Chủ tịch Công ty Viyellatex Group, đang quản lý 6 nhà máy may mặc ở Dhaka, nhấn mạnh rằng tuân thủ hợp đồng là nghĩa vụ đạo đức.

Sau khi một nhà máy may mặc ở Dhaka bị sập cách đây 7 năm, khiến hơn 1.000 công nhân thiệt mạng, gần 200 thương hiệu thời trang và hơn 1.600 nhà máy may mặc đã ký một thỏa thuận cam kết thúc đẩy môi trường làm việc an toàn cho công nhân.

Hasanat bức xúc: “Họ nói về tính bền vững, họ nói về đạo đức. Vậy nên, đây là lúc họ chứng tỏ những lời nói tốt đẹp của họ”.

Một số thương hiệu thời trang bao gồm H&M (Thụy Điển), chuỗi siêu thị Walmart (Mỹ), hãng bán lẻ thời trang Primark (Anh), đã đồng ý trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của những đơn hàng thời trang mà họ đã ký với doanh nghiệp may mặc của Bangladesh.

Nhưng các thương hiệu thời trang khác bao gồm GAP (Mỹ), không đưa ra cam kết như vậy, theo Aruna Kashyap, luật sư cao cấp ở bộ phận bảo vệ quyền lợi phụ nữ của Tổ chức quan sát nhân quyền (HRW).

Kashyap cho hay: “Những công nhân ngành may mặc ở đây (Bangladesh) thật sự rất nghèo. Họ làm việc trong các chuỗi cung ứng và hoạt động của các thương hiệu thời trang trong nhiều năm. Và vào thời khắc khủng hoảng này, điều quan trọng là các thương hiệu và nhà bán lẻ phải đáp ứng trách nhiệm nhân quyền của họ”.

Khi được hỏi liệu có thanh toán cho các đơn hàng đã thuê gia công ở các nhà máy ở Bangledesh hay không, GAP cho biết “sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích tốt nhất của nhân viên, khách hàng và đối tác của chúng tôi cũng như sức khỏe dài hạn của hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới