Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đấu trường SEA Games mới: cuộc chiến giành ‘đại bàng’!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đấu trường SEA Games mới: cuộc chiến giành 'đại bàng'!

Khánh Bình

(TBKTSG) - Thông tin mới đây, nhưng chưa được khẳng định, về việc 27 công ty Mỹ sẽ di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia cho thấy dòng dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc hứa hẹn ngày càng tấp nập hơn.

Cùng với đó là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á để thu hút các tập đoàn sản xuất lớn của Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản chẳng khác gì đấu trường SEA Games.

Việt Nam sẽ ra sao nếu vốn FDI dừng đột ngột?

Kinh tế Việt Nam năm nay sẽ ra sao?

Các công ty Đài Loan đã bày tỏ quan tâm đến việc chuyển một số nhà máy của họ sang Indonesia hoặc Thái Lan. Nguồn: Jakartaglobe

Trung Quốc đã là một lựa chọn ưu tiên của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia và trở thành công xưởng của cả thế giới. Nhưng rồi các lợi thế đặt nhà máy ở Trung Quốc giảm dần theo thời gian, do chi phí nhân công ngày càng tăng, chính sách bảo vệ môi trường của Chính phủ Trung Quốc ngày càng khắt khe, và gần đây là những rủi ro nảy sinh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những nguy cơ của việc quá lệ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

Diễn biến này càng thúc quá trình dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn, ngay cả với các công ty Trung Quốc.

Nhưng sự dịch chuyển này cần được hiểu rõ hơn về bản chất. Đó là dịch chuyển một phần công đoạn hay toàn bộ quy trình sản xuất? Là mở thêm nhà máy ngoài Trung Quốc như một giải pháp phụ?

Rõ ràng, với thực tế hiện nay thì sự dịch chuyển toàn bộ một nhà máy ra khỏi Trung Quốc của một tập đoàn sản xuất lớn là điều rất khó trong ngắn hạn, vì chuỗi cung ứng ở các đối thủ tiềm năng như Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á hiện không thể sánh bằng Trung Quốc.

Thử hình dung một thiết bị hay máy móc cần cả trăm linh kiện, mà chỉ có Trung Quốc mới có đủ hết các nhà cung cấp trong điều kiện tối ưu về thời gian, khoảng cách địa lý, và công suất sản xuất.

Việc cân nhắc lựa chọn các địa điểm đặt nhà máy mới ở Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Lào, Malaysia hay Thái Lan là một tính toán lâu dài với các tập đoàn sản xuất lớn.

Không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà cách đây gần năm năm, vào ngày 12-11-2015, phái đoàn 27 công ty hàng đầu của Mỹ(1) đã có ba ngày thăm và làm việc ở Indonesia do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Asean tổ chức.

Điểm đến Đông Nam Á không chỉ trong tầm ngắm của các tập đoàn sản xuất phương Tây mà cũng là kế hoạch của các tập đoàn Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong việc chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đặc biệt, Đài Loan với chính sách Hướng về phương Nam (New Southbound policy) sẽ tăng mạnh sự hiện diện ở Đông Nam Á.

Trong các tiêu chí lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, bên cạnh chi phí nhân công (so sánh tương quan với năng suất), hạ tầng, chính sách, thì chuỗi cung ứng khép kín cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Trong các nước Đông Nam Á, hiện nay Việt Nam và Indonesia được coi là hai đối thủ nặng ký trong việc thu hút các tập đoàn quốc tế đặt nhà máy ở nước mình. Trong các yếu tố để cạnh tranh, có thể kể đến chi phí lao động, cơ sở hạ tầng, sự ổn định vĩ mô, tình trạng tham nhũng, và các chính sách khuyến khích hay hạn chế đầu tư nước ngoài.

So về chi phí lao động, lương bình quân trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện cao hơn Indonesia khoảng 25%(2) (250 đô la Mỹ/tháng so với 195 đô la/tháng), nhưng bù lại năng suất lao động của Indonesia lại thấp hơn Việt Nam, theo một báo cáo gần đây của Tổ chức JETRO Nhật Bản. Theo đó, nếu lấy mốc của Nhật Bản là 100 điểm, thì Indonesia đạt 74,4 điểm, Việt Nam đạt 80 điểm và trung bình của Đông Nam Á là 78,2 điểm.

Muốn thu hút được hoàn toàn các tập đoàn lớn, không chỉ cần một hạ tầng hoàn chỉnh, mà điều quan trọng hơn là một chuỗi cung ứng khép kín về thời gian, không gian và công suất.

Ngay cả trường hợp các công ty Trung Quốc tìm đến Việt Nam đặt nhà máy vì nhu cầu chính đáng của họ, thì chúng ta cần có quy trình sàng lọc rõ ràng, minh bạch.

Indonesia cũng có nhiều trở ngại trong việc thu hút đầu tư nước ngoài như: quy định bồi thường cho người lao động theo thâm niên làm việc (với cùng thâm niên 10 năm, Indonesia bồi thường khoảng 95 tuần, trong khi Việt Nam là 43 tuần); thủ tục hành chính nhiêu khê, chủ nghĩa kinh tế hướng nội (economic nationalism); thuế thu nhập doanh nghiệp cao; lĩnh vực sản xuất chưa phát triển, tỷ trọng xuất khẩu/GDP thấp.

Chính vì vậy, tỷ trọng của đầu tư nước ngoài trên GDP của Indonesia hiện nay còn rất thấp, chỉ khoảng 2,1%, trong khi Việt Nam là 6,3%. Trong số 33 công ty ở Trung Quốc thông báo về việc thiết lập nhà máy mới ở Đông Nam Á, 23 trong số này đã chọn Việt Nam, và số còn lại cũng không chọn Indonesia.

Để thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, gần đây Indonesia đã đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, nhất là hệ thống các khu công nghiệp (KCN) và hệ thống logistics. Và đây cũng chính là vấn đề cần quan tâm của Việt Nam.

Hiện nay cả nước ta có 335 KCN được thành lập, trong số này có 75 khu đang xây dựng, với tổng diện tích 97.800 héc ta. Tính ra, trung bình mỗi tỉnh/thành có 5,3 KCN và diện tích trung bình là 292 héc ta/KCN. Thêm vào đó, mức độ lấp đầy của các KCN ở các địa bàn trọng điểm chỉ 70% và cơn sốt bất động sản KCN gần đây cho thấy sự dàn trải và quy mô hạn chế của các KCN. Hơn nữa, các KCN có diện tích lớn thì lại không có nhiều lợi thế về logistics.

Điểm nghẽn về logistics và chi phí thương mại hiện vẫn là một vấn đề nóng bỏng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới(3) thì có ba nhóm vấn đề chính mà Việt Nam cần giải quyết để tăng sức cạnh tranh: hạ tầng (cảng biển, đường cao tốc, đường nối giữa các đầu mối); hoạt động vận chuyển (các sân bay lớn, các công ty vận tải, hệ thống kho chứa); và chính sách (hải quan, các cơ quan bộ ngành có liên quan).

Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế trong việc thu hút các tập đoàn quốc tế trong làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Tuy vậy, các tập đoàn lớn thì không thể rời khỏi Trung Quốc trong một sớm một chiều, mà nếu có là việc mở rộng hay chuyển một phần sản xuất một số linh kiện thiết bị. Thêm vào đó, sự dịch chuyển còn phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất, là may mặc, da giày, thiết bị linh kiện, hay phụ tùng...

Muốn thu hút được hoàn toàn các tập đoàn lớn, không chỉ cần một hạ tầng hoàn chỉnh, mà điều quan trọng hơn là một chuỗi cung ứng khép kín về thời gian, không gian và công suất. Ngay cả trường hợp các công ty Trung Quốc tìm đến Việt Nam đặt nhà máy vì nhu cầu chính đáng của họ, thì chúng ta cần có quy trình sàng lọc rõ ràng, minh bạch.

Điều chúng ta cần là cơ chế kiểm soát và chấp hành nghiêm các quy định của Việt Nam, không phân biệt nguồn gốc của nhà đầu tư. Muốn vậy, cần quy định rõ và chỉ ưu tiên những dự án đạt mức vốn giải ngân tối thiểu, trong những lĩnh vực tạo nhiều giá trị gia tăng và phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam.

(1) PT Abbott Indonesia, AT&T, BP Indonesia, Chevron, Coca-Cola, ConocoPhillips, Dow, ExxonMobil, FedEx, Freeport-McMoRan, General Electric, GSK, HP, IBM, Intel, Johnson & Johnson, MasterCard, McLarty Associates, Monsanto, P&G, PT. HM. Sampoerna Tbk, Qualcomm, Rio Tinto, Time Warner, Uber, UPS, and Visa

(2) https://tradingeconomics.com

(3) Efficient Logistics, A Key to Vietnam’s Competitiveness, The World Bank 2014; Reform Priorities for Reducing Trade Costs and Enhancing Competitiveness in Vietnam, The World Bank 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới