Vùng du lịch biệt lập, an toàn cho khách quốc tế: nói dễ, làm khó
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Gần đây, ý tưởng phát triển vùng du lịch biệt lập hay du lịch cầu hàng không được khá nhiều hãng thông tấn quốc tế lẫn doanh nghiệp trong nước đưa ra thảo luận, coi đây là giải pháp sáng tạo để Việt Nam thu hút khách quốc tế đến trong bối cảnh thị trường quốc tế vẫn chưa thể mở cửa do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp tình thế giúp ngành du lịch phần nào bớt khó khăn trong bối cảnh suy giảm khách quốc tế kéo dài; tuy nhiên giải pháp này không dễ dàng thực hiện một sớm một chiều.
Du khách nước ngoài ở Phố cổ Hội An. Ảnh: Đào Loan |
Du lịch biệt lập, du lịch cách ly
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trong bối cảnh dịch bệnh không biết khi nào mới kết thúc để có thể mở cửa thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thảo luận về giải pháp phát triển du lịch biệt lập, du lịch cách ly.
Trong hội nghị về giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 do Tổng cục Du lịch kết hợp với một số đơn vị tổ chức vào cuối tháng 5 rồi, ý tưởng này đã được doanh nghiệp chính thức đặt ra với cơ quan quản lý, xem như là một trong những giải pháp có thể xem xét để phục hồi du lịch.
Ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng mảng du lịch nội địa tăng trưởng sẽ rất tốt cho ngành du lịch nhưng không thể giải quyết được vấn đề cho nên phải mở cửa thị trường quốc tế.
Khi mở cửa, nên lưu ý những thị trường quan trọng có thể mở trước như Úc, New Zealand; tạo điều kiện thị thực thuận tiện hơn cho du khách; đảm bảo điều kiện du lịch an toàn và nên có những khu du lịch riêng biệt, độc lập, để khách đến đó nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.
Ông Don Lam, CEO Tập đoàn VinaCapital đề cập đến "thiên đường du lịch an toàn" để người nước ngoài vào Việt Nam có thể yên tâm cách ly 14 ngày một chỗ, vui chơi giải trí ở đó rồi về nước.
Một số ý kiến khác còn đề cập đến những dịch vụ đi kèm cho loại hình này là các gói xét nghiệm SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19...
Nhiều cơ quan thông tấn nước ngoài cũng thảo luận về ý tưởng tương tự, cho rằng các điểm đến đã khống chế thành công dịch bệnh, trong đó có Việt Nam có thể tham gia "du lịch biệt lập" với nhau để phục hồi du lịch.
Tờ New Straits Times (Malaysia) mới đây cũng đề cập đến khái niệm "du lịch cầu hàng không", hình thức du lịch an toàn, có kiểm soát, được thực hiện ở hai điểm đến có thể là trong một quốc gia hay hai quốc gia, được công nhận là an toàn về dịch bệnh và sẳn sàng đón du khách.
Để phục hồi du lịch, Malaysia có thể áp dụng hình thức du lịch này với các nước trong khu vực như Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Hiện nay, trên thế giới hiện có nhiều "cặp điểm đến" đang dẫn đầu xu hướng này như Úc và New Zealand, Hàn Quốc và 10 cặp địa phương của Trung Quốc...
Có thể là giải pháp tốt nhưng khó triển khai nhanh
Hiện có nhiều người đồng thuận với ý kiến cần triển khai hình thức du lịch trên, cho đây là giải pháp tình thế có thể hỗ trợ phần nào cho mảng du lịch quốc tế đang rất kiệt quệ vì dịch bệnh kéo dài.
Với điều kiện dịch bệnh vẫn còn lan tràn trên thế giới, vắc-xin ngừa bệnh không biết khi nào mới có thì đây là cứu cánh giúp ngành du lịch, đặc biệt là giúp các khu nghỉ dưỡng có thể cầm cự.
"Các khu nghỉ dưỡng, đặc biệt là khu nghỉ ở biển như chúng tôi hết sức khó khăn vì không có khách để mở cửa mà nếu đóng cửa chỉ vài tháng là cơ sở vật chất hư hại lớn", tổng giám đốc của một resort nói.
Theo ông, đóng cửa dài ngày còn gây ra hệ lụy khác là chất lượng dịch vụ sẽ giảm vì đội ngũ nhân viên lâu ngày không được rèn giũa tay nghề. Việc tìm người làm việc sau dịch cũng khó vì nhiều nhân viên phải nghỉ việc không còn tiếp tục với nghề du lịch.
Tuy nhiên, doanh nhân này cũng lo ngại, có thể sẽ khó đảm bảo an toàn cho đội ngũ lao động khi phục vụ khách theo hình thức du lịch cách ly. Trong trường hợp khu nghỉ không đủ điều kiện để cách ly cho nhân viên thì lại thêm nguy cơ khác là có thể lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
"Tôi hiểu là để tham gia loại hình này, du khách phải đến từ vùng an toàn, phải khai báo sức khỏe... nếu đáp ứng yêu cầu của ngành y tế nhưng vẫn còn lấn cấn việc, nếu lỡ khách khai báo không trung thực sẽ gây nên nguy hại lớn", ông nói.
Trao đổi với TBKTSG Online, một quan chức của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết trong kế hoạch hồi phục du lịch, cơ quan quản lý cũng đã xem xét đến loại hình du lịch này, thậm chí còn nghĩ đến việc cho khách đến du lịch biệt lập ở Cam Ranh, Phú Quốc nhưng đó mới chỉ là xem xét để đánh giá đâu là giải pháp tốt.
Theo đó, các điểm đến an toàn được xem xét không chỉ là quốc gia, lãnh thổ đã khống chế dịch tốt mà còn đánh giá theo từng địa phương. Chẳng hạn, ở cùng một nước nhưng có những địa phương đã được xem là an toàn, nơi khác lại chưa cho nên nếu tính đến việc cùng mở cửa thì cũng không thể mở hoàn toàn cho tất cả các địa phương.
Du lịch cách ly hay du lịch biệt lập có thể xem là giải pháp tình thế nhưng khó có thể thực hiện nhanh vì cần phải có sự chấp thuận, đưa ra quy chuẩn thực hiện của nhiều ngành liên quan.
Thêm vào đó, điều quan trọng nhất để có thể thực hiện loại hình du lịch này là phải có sự đồng thuận, cùng muốn mở cửa giữa hai điểm đến nhưng để đạt đến sự đồng thuận này lại phải mất rất nhiều thời gian.
Trong một diễn biến mới liên quan đến phục hồi du lịch, mới đây, một số tờ báo đã đưa tin về việc, đã có những điểm đến chuẩn bị mở cửa đón du khách trở lại và cung cấp cho dịch vụ đặc biệt cho du khách.
Trong đó, quần đảo Madeira của Bồ Đào Nha sẽ mở cửa đón khách quốc tế vào ngày 1-7. Du khách sẽ phải chứng minh là âm tính với nCoV (SARS-CoV-2) trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành hoặc được kiểm tra ngay sau khi nhập cảnh. Chi phí xét nghiệm được chính quyền đảo chi trả.
Iceland cũng đang lên kế hoạch mở lại biên giới để đón du khách từ 15-6. Khách nhập cảnh được xét nghiệm nCoV miễn phí. Những người có kết quả âm tính sẽ được tự do du lịch quốc gia này. Những người dương tính sẽ phải tự cách ly 14 ngày...
Mời đọc thêm:
Chưa mở cửa đón du khách quốc tế
'Mừng hụt' vì tưởng 1-7 tới sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế
'Thời điểm vàng' cho du lịch nội địa là vào tháng 7-8