Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Băn khoăn chuyện hoãn tăng lương cho cán bộ, công chức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Băn khoăn chuyện hoãn tăng lương cho cán bộ, công chức

Lê Anh Xuân

(TBKTSG Online) - Việc hoãn tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng hơn bởi một bộ phận không nhỏ đang bị tác động bởi dịch bệnh; nên chăng vẫn cần điều chỉnh tăng theo kế hoạch đối với bộ phận có thu nhập thấp.

Để lương công chức về đúng nghĩa

Cải cách chính sách tiền lương khu vực công: cần gắn với thị trường

Băn khoăn chuyện hoãn tăng lương cho cán bộ, công chức
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức cũng đang bị tác động bởi dịch bệnh, giá cả gia tăng và đời sống khó khăn. Ảnh TTXVN

Trong cuốn hồi ký của mình, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã cho biết, bí quyết đằng sau sự thành công thần kì của quốc đảo nhỏ bé Singapore là việc xây dựng chính quyền vững mạnh, trong sạch, nói không với tham nhũng; trọng dụng người tài; phát huy sức dân, làm những việc cụ thể có lợi cho dân.

Để làm được điều đó, ông cho rằng cải cách chế độ tiền lương công chức nhà nước phải là bước đi đầu tiên. Vậy nên, sau nhiều năm cải cách, công chức Singapore đã “không cần tham nhũng” bởi chế độ tiền lương ở Singapore đảm bảo cho công chức, viên chức, quan chức từ cấp cao tới bình thường đều đủ sống theo mức sống chung của xã hội.

Ông Lý Quang Diệu cũng từng là cố vấn cho Chính phủ Việt Nam và đây cũng chính là khuyến nghị đầu tiên cho Việt Nam. Nhiều năm nay, chúng ta cũng đang cải cách chế độ tiền lương, mức lương công chức được cải thiện đáng kể theo một lộ trình nhất định.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 20-5, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7, để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Tuy nhiên, người viết thấy cũng còn đó một vài băn khoăn.

Thứ nhất, phần lớn CBCCVC của chúng ta hiện đang hưởng mức lương khá thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội.

Kết quả thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, trên bình diện cả nước có 88% cán bộ cơ sở có trình độ từ trung học phổ thông trở lên. Đối với trình độ từ đại học trở lên, có hơn 38% cán bộ cơ sở đạt được trình độ này(1). Như vậy bộ phận cán bộ dưới trình độ đại học còn chiếm tỷ lệ khá cao.

Bộ phận này không thể hưởng mức lương cao, thậm chí, mức lương của họ là thấp so với mặt bằng xã hội. Thực tế, họ cũng đang khó khăn. Vậy nên, việc trì hoãn tăng lương cơ bản, phần nào ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của họ và gia đình, đặc biệt trong bối cảnh giá cả một số hàng hoá tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt heo gia tăng.

Thứ hai, có một thực trạng lâu nay trong bộ máy CBCCVC của chúng ta là cồng kềnh, kém hiệu quả đi kèm với mức lương không tương xứng với vị trí công tác.

Hiện tại, mức lương của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chỉ ở quanh mức 20-22 triệu đồng. Bộ trưởng hưởng quanh mức 16 triệu đồng. CBCCVC bậc 1 quanh mức 4 triệu đồng.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chi trả lương ở mức cao hơn hàng chục lần, vậy nên, Nhà nước sẽ không thể kỳ vọng thu hút được người tài. Đã có nhiều chuyên gia lên tiếng, góp ý và Nhà nước cũng đã quyết tâm cải tổ bộ máy, tinh giảm biên chế, tuy nhiên, kết quả dường như không được là bao.

Thứ ba, việc trì hoãn cải cách tiền lương (một chiến lược dài hạn) để ứng phó với tác động của dịch bệnh ngắn hạn là điều cần cân nhắc, mặc cho tác động từ dịch bệnh Covid-19 là rất lớn. Chúng ta vẫn nói đến “tham nhũng vặt” trong bộ máy. Liệu việc trì hoãn này có dẫn đến nạn “tham nhũng vặt”?

Vậy nên, thiết nghĩ, việc trì hoãn điều chỉnh tăng lương cơ sở, cải cách chế độ tiền lương cho CBCCVC cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng hơn. Chính một bộ phận không nhỏ CBCCVC cũng đang bị tác động bởi dịch bệnh, giá cả gia tăng và đời sống khó khăn.

Nên chăng, vẫn điều chỉnh tăng theo kế hoạch đối với bộ phận CBCCVC có thu nhập thấp. Đối với nhóm khác, sẽ xây dựng lộ trình phù hợp hơn sau này. Song song với đó, việc cải tổ bộ máy, tinh giảm biên chế cần được giao thành chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ chức, đơn vị. Chỉ khi đó, công cuộc cải cách mới thành công.

(1) http://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/co-cau-can-bo-cong-chuc-xa-phuong-thi-tran-tai-viet-nam-thuc-trang-va-nhung-van-de-dat-ra-120444

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới