Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nông nghiệp Việt Nam: để là người dẫn đầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông nghiệp Việt Nam: để là người dẫn đầu

Trần Khắc Điền (*)

(TBKTSG) - Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản và để xuất khẩu có thể cạnh tranh thì phải hy sinh lợi ích của người nông dân. Đó là nghịch lý của một ngành được ví như trụ đỡ của nền kinh tế.

Thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại nhằm thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác thông qua ứng dụng công nghệ 4.0. Ảnh: Thành Hoa

Để trở thành một nền nông nghiệp sản xuất lớn, cần tạo ra động lực mới. Trong quan điểm phổ biến hiện nay, tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp phải đưa ra được một quyết sách mới cho phát triển nông nghiệp, bao gồm cả chính sách đất đai phù hợp, chính sách tạo lập quan hệ sản xuất mới.

Điều cần quan tâm đầu tiên là chính sách nào sẽ tạo nên động lực cho phát triển? Một chính sách tạo được động lực phải dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích từ phát triển, bao gồm lợi ích của quốc gia, lợi ích của cộng đồng, địa phương và lợi ích của các bên tham gia vào quá trình sản xuất. Từ động lực đó, có thể đưa ra các cơ chế cụ thể giúp tăng năng suất, tăng sản lượng và chất lượng nông sản với giá trị gia tăng cao hơn.

Đã đến lúc không thể chỉ chú trọng vào các chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu, mà phải chuyển sang nền nông nghiệp chất lượng cao, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao một cách có hiệu quả và bền vững.

Nông nghiệp công nghệ cao chắc chắn không phải một mô hình kinh tế, vì thế phải gắn liền với chuỗi giá trị sản phẩm và của ngành. Do đó, tư duy và định hình lại các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, Nhà nước nên: 1. Khuyến khích và hỗ trợ các dự án nông nghiệp hữu cơ theo mô hình phát triển bền vững; 2. Tập trung đầu tư cho khoa học-công nghệ và tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; 3. Chú trọng xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 4. Coi trọng vai trò tạo động lực và dẫn dắt của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp; và 5. Khởi tạo nguồn quỹ mới chuyên đầu tư phát triển ngành sản xuất công nghiệp nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hữu cơ, các hoạt động sản xuất nông nghiệp phải dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học (tạo và lai giống, bảo quản nông sản, thực phẩm...), công nghệ nano (phòng trừ bệnh hại, phân bón cho cây trồng...) và công nghệ lượng tử (xử lý nước...). Với nông nghiệp công nghệ cao, đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại nhằm thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp thông qua ứng dụng công nghệ 4.0. Để nông nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận những thành tựu của tương lai này, Nhà nước nên có cơ chế đặc biệt nhằm chào đón các nhà khoa học - kiều bào trên khắp thế giới có nguyện vọng trở về phục vụ đất nước.

Chuỗi giá trị là tư duy chiến lược chứ không phải là mô hình kinh doanh. Dù có thể đa dạng về hình thái sản xuất song các mô hình nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng được ba yêu cầu cơ bản. Một là, phải có được lợi thế về quy mô, tức sản xuất nông nghiệp ở quy mô công nghiệp, nhờ đó tạo khả năng tốt hơn trong hấp thụ vốn và công nghệ. Hai là, phải gắn vào chuỗi giá trị, bao gồm chuỗi giá trị sản phẩm (hạt gạo, cám gạo, dầu gạo, silica...) và chuỗi giá trị ngành (R&D, tạo giống, trồng trọt, chế biến, logistics và phân phối). Ba là, sản phẩm làm ra phải có cơ hội tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ chuỗi giá trị sản phẩm trong ngành và ngành có liên quan để chọn ra một hoặc nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh cao về chất lượng và giá bán nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp có sản phẩm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để sản xuất nông nghiệp bền vững thì sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu. Từng nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp đơn lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Liên kết giữa các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp mới đủ năng lực nâng cao giá trị cho nông sản Việt và tiếp đó là thâm nhập thị trường quốc tế.

Ai có khả năng tư duy, hoạch định và thực hành tốt chiến lược về chuỗi giá trị nông nghiệp, và đâu là điểm đến an toàn cho những phát kiến đột phá về công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp hữu cơ nếu không phải là các tập đoàn kinh tế tư nhân. Có một thực tế buồn là tập đoàn kinh tế tư nhân có xuất thân và đi lên từ nông nghiệp ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, và các tập đoàn có năng lực R&D về khoa học-công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp công nghệ cao thì càng hiếm hoi hơn.

Nói đến tập đoàn kinh tế là nói đến mô hình tổ chức nhóm công ty và quản trị công ty trong tập đoàn, trong khi đây lại là điểm yếu lớn nhất của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều công ty con, kinh doanh nhiều ngành nghề, nhiều sản phẩm không đồng nghĩa là một tập đoàn kinh tế, và khi năng lực quản trị trong tập đoàn cũng kém thì càng không thể nói tới phát triển nông nghiệp bền vững được.

Trong vai trò như một bác sĩ hoặc một kiến trúc sư, các chuyên gia tư vấn chiến lược và quản trị công ty sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp, tập đoàn có tham vọng phát triển lớn trong lĩnh vực nông nghiệp ngay từ ban đầu. Họ cần được trân trọng và động viên, khích lệ vì sứ mệnh này.

Đặc thù của các dự án nông nghiệp công nghệ cao là quy mô lớn nên cần nhiều vốn, thời gian thực hiện kéo dài, vòng quay vốn chậm, rủi ro cao... Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đều hạn chế về năng lực lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật; các hồ sơ dự án cắt ghép, dự toán đầu tư, kế hoạch kinh doanh và tài chính đều xây dựng theo mô hình tài chính cũ, lạc hậu so chuẩn mực quốc tế.

Cái mà nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thực sự cần chính là dòng vốn “tín dụng dành cho đầu tư” thay vì dòng vốn “tín dụng thương mại”. Do vậy, vấn đề đặt ra không phải là mở rộng hay nới lỏng các tiêu chuẩn để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, mà Nhà nước nên khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời của các quỹ tài chính trong nước. Các quỹ này vừa đóng vai trò như một nhà đầu tư tài chính, vừa có chức năng cung cấp các khoản tín dụng dài hạn tương tự như các ngân hàng thương mại.

Các quỹ tài chính không nên rập khuôn các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro tín dụng qua tài sản thế chấp như các ngân hàng thương mại, mà nên tập trung vào việc xây dựng bộ tiêu chí (định tính, định lượng) có tính khoa học nhằm đánh giá và xếp loại các dự án nông nghiệp thông qua báo cáo khả thi dự án đầu tư, và cân bằng rủi ro thông qua tài sản thế chấp là tài sản hiện có đồng thời với tài sản hình thành trong tương lai của dự án đầu tư của doanh nghiệp.

(*) Chuyên gia tư vấn của Strategic Foresight

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới