Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp e ngại thủ tục phê duyệt của gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp e ngại thủ tục phê duyệt của gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng

Trần Văn Trãi

(TBKTSG Online) - Gói hỗ trợ tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động cần tăng khả năng hấp thụ để phát huy hiệu quả cao nhất, thực sự hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khó khăn này. Song, vẫn có tình trạng tiền chậm đến tay người cần hỗ trợ, trong đó có nguyên nhân do thủ tục hành chính cùng với các điều kiện ngặt nghèo.

Gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỉ đồng: điều kiện vay thiếu thực tế

Covid-19, doanh nghiệp ngàn tỉ cũng chỉ 'cầm cự' được 30 ngày

Doanh nghiệp e ngại thủ tục phê duyệt của gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng
Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đang cần chính sách đặc biệt, cấp thiết. Ảnh TTXVN

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, trọng tâm là các gói hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ dành một lượng tín dụng để cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp thuộc các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh được hưởng gói hỗ trợ, rất mong sớm nhận được tiền để góp phần trang trải khó khăn, trước mắt là trả lương cho người lao động.

Trên thực tế, đã có những trường hợp doanh nghiệp chậm nhận được sự hỗ trợ, trong đó có nguyên nhân do thủ tục hành chính cùng với các điều kiện ngặt nghèo.

Bạn tôi làm chủ doanh nghiệp tư nhân kể rằng, anh đến ngân hàng hỏi vay tiền trả góp để trả lương cho người lao động (công ty tạm ngưng hoạt động trong thời gian diễn ra dịch). Tuy nhiên, phía ngân hàng đề nghị phải có tài sản thế chấp để đảm bảo thu hồi nợ. Thế là anh đành ra về tay không.

Trở lại với gói tín dụng 16.000 tỉ đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đến nay, sau hơn một tháng triển khai, doanh nghiệp rất khó vay được gói tín dụng này với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động.

Có lẽ trở ngại ở điều kiện để doanh nghiệp được phê duyệt vay vốn là phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ 1-4 đến hết 30-6.

Thêm nữa, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đặc biệt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019.

Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch thường rơi vào các trường hợp kinh doanh thua lỗ, sản xuất bị đình trệ, phải đi vay nợ để cầm cự chờ phục hồi trở lại. Lúc này doanh nghiệp rất cần hỗ trợ, nhất là chi phí trả lương cho người lao động. Nếu không còn khả năng, đối diện với nguy cơ ngừng hoạt động, phần lớn doanh nghiệp dễ chọn phương án an toàn đơn giản nhất là cho người lao động nghỉ việc.

Nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện để được phê duyệt vay vốn thì khâu hoàn tất các thủ tục liên quan đến chứng minh số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc, trả trước tối thiểu một nửa tiền lương ngừng việc, không có nợ xấu cũng mất thời gian khá lâu. Liệu các cơ quan có biết rõ thực trạng, dám đứng ra xác nhận trong khi phải chịu trách nhiệm?

Gói tín dụng 16.000 tỉ đồng cần thiết trong điều kiện thị trường đang khó khăn, hấp thụ được lượng vốn này là không hề dễ dàng. Thực tế ngân hàng nào cho vay tất nhiên cũng lo sợ rủi ro, nợ xấu. Trong khi đó, doanh nghiệp dù cần tiền nhưng ngại đi vay vì mất nhiều thời gian chứng minh, xác nhận.

Số liệu thống kê chưa hẳn nói lên hết thực trạng khó khăn, tác động đầy đủ với các doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh. Điều đó có thể cho thấy lượng lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh chưa được cập nhật trong doanh sách báo cáo.

Doanh nghiệp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trước nguy cơ giải thể. Trong khi đó, người lao động nghỉ việc sẽ kéo theo nạn thất nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đang cần chính sách đặc biệt, cấp thiết. Theo người viết, hãy thay đổi cách làm hiện nay đơn giản hơn, thay vì chứng minh và xác nhận hàng loạt thủ tục.

Gói hỗ trợ với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động thời điểm này có ý nghĩa giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, mạnh dạn vượt khó, song hiệu quả không nhiều. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, ngưng sản xuất sẽ cho người lao động nghỉ việc. Như vậy, nhu cầu và năng lực hấp thu nguồn vốn này sẽ rất thấp.

Nên chăng, gói hỗ trợ tín dụng không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, thay vào đó có thể hướng tới tất cả các doanh nghiệp đang khó khăn cần tiền trả lương cho người lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới