Vì sao Alibaba thay tướng ở Lazada?
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) vừa quyết định thay chiếc ghế giám đốc điều hành (CEO) ở Lazada, đơn vị thành viên của tập đoàn này. Giới phân tích cho rằng quyết định thay tướng ở Lazada lần thứ ba trong vòng hơn hai năm qua cho thấy Alibaba đang chật vật củng cố mảng thương mại điện tử Đông Nam Á trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ.
Hôm 26-6, Tập đoàn Alibaba thông báo bổ nhiệm ông Chun Li, đồng Chủ tịch kiêm CEO Lazada Indonesia vào ghế CEO Tập đoàn Lazada, thay thế ông Pierre Poignant kể từ ngày 1-7 tới. Ông Poignant, người đồng sáng lập Lazada vào năm 2012, được điều chuyển vào vị trí trợ lý đặc biệt cho Chủ tịch kiêm CEO Alibaba, Daniel Zhang.
Đây là lần thứ 3 trong vòng hơn 2 năm qua, Alibaba thay đổi ghế CEO Lazada. Người phát ngôn của Alibaba cho biết ông Chun Li sẽ cải thiện năng lực hoạt động của Lazada thông qua ứng dụng công nghệ dữ liệu và địa phương hóa hoạt động kinh doanh.
![]() |
Ông Chun Li (trái), đồng Chủ tịch kiêm CEO Lazada Indonesia sẽ nắm ghế CEO Tập đoàn Lazada, thay thế ông Pierre Poignant (phải) kể từ ngày 1-7 tới. Ảnh: Straits Times |
Hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin nắm rõ vấn đề cho hay quyết định thay đổi CEO Lazada diễn ra vì trong thời gian qua, năng lực hoạt động của Lazada chỉ đạt ở trung bình.
Trong nhiều năm qua, Alibaba tìm cách sao chép mô hình thương mại điện tử thành công của tập đoàn này ở Trung Quốc sang các thị trường bên ngoài. Alibaba, sở hữu hai nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Taobao và Tmall, đang nỗ lực mở rộng thị phần ở nước ngoài giữa lúc tăng trưởng ở thị trường nội địa bắt đầu chậm lại.
Lazada, có trụ sở ở Singapore và hoạt động ở 6 thị trường Đông Nam Á, là khoản đầu tư nổi trội nhất và tốn kém nhất của Alibaba bên ngoài Trung Quốc. Lazada công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á ở thời điểm Alibaba mua lượng cổ phần kiểm soát của công ty này năm 2016. Cho đến nay, Alibaba đã rót ít nhất 4 tỉ đô la Mỹ vào Lazada, đổi mới công nghệ của công ty thương mại điện tử này đồng thời điều phái một loạt lãnh đao của Alibaba đến Lazada trực tiếp lèo lái hoạt động kinh doanh.
Song tăng trưởng doanh thu của Lazada ở Đông Nam Á vẫn chậm hơn tăng trưởng của Alibaba ở thị trường bán lẻ Trung Quốc và đứng sau cả các đối thủ địa phương lẫn khu vực ở các thị trường quan trọng, đáng chú ý nhất là Shopee, đơn vị thương lại điện tử của tập đoàn Sea (Singapore), được Tencent hậu thuẫn tài chính.
Trong suốt năm qua, Lazada tụt lại đằng sau Shopee ở hai thị trường tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam và Malaysia về lượng người sử dụng ứng dụng hàng tháng, theo xếp hạng của Công ty theo dõi dữ liệu App Annie. Lazada tiếp tục xếp sau ở Indonesia dù gần đây đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở thị trường đông dân nhất Đông Nam Á.
Công ty nghiên cứu thị trường iPrice cho biết tính đến cuối năm 2019, Shopee là ứng dụng thương mại điện tử được tải nhiều nhất ở Đông Nam Á, đẩy lùi Lazada về vị trí thứ 2. Nền tảng web của Shopee cũng thu hút lượng khách truy cập lớn hơn so với Lazada, theo iPrice. Lazada bác bỏ kết quả xếp hạng trên nhưng không đưa ra giải thích cụ thể.
Tan Yinglan, đối tác quản lý ở Công ty Insignia Venture Partners, nhận định: “Sự khác biệt về văn hóa, kinh tế và chính trị ở các thị trường Đông Nam Á khiến rất khó áp dụng một chiến lược chung phù hợp cho tất cả giống như Alibaba đã làm ở Trung Quốc”.
Một trong những thách thức của Alibaba khi phát triển chiến lược cho Lazada ở Đông Nam Á là các khác biệt văn hóa giữa khu vực này và Trung Quốc, khiến Lazada nhiều lần thất bại trong việc nắm bắt các thị trường địa phương.
Tan Yinglan cho rằng quyết định bổ nhiệm ông Chun Li vào ghế CEO Ladaza là nỗ lực lấp những khoảng cách văn hóa này vì ông từng làm việc ở trụ sở của Alibaba ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang và cũng từng có nhiều năm gắn bó với Lazada ở thị trường Đông Nam Á.
Trong một bức thư gửi cho nhân viên, Lucy Peng, Chủ tịch Lazada, ghi nhận ông Li đã có những đóng góp tạo ra tác động lớn ở Lazada kể từ khi gia nhập công ty này vào năm 2017.
Từng là giám đốc công nghệ ở mảng thương mại điện tử doanh nghiệp của Alibaba, Li chủ trì một đợt nâng cấp lớn về công nghệ ở Lazada và giúp công ty này duy trì vị thế vững vàng ở một thị trường cạnh tranh gay gắt như Indonesia.
Florian Hoppe, đối tác ở Công ty tư vấn quản lý Bain & Co. in Singapore, nhận định với cương vị mới ở Lazada, ông Chun Li sẽ đối mặt với sự cạnh tranh lẫn cơ hội đang gia tăng ở thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á.
Đại dịch Covid-19 đã tạo một làn sóng người tiêu dùng mới gia nhập thị trường thương mại điện tử ở khu vực này, cung cấp các cơ hội to lớn cho tất cả các tay chơi trên thị trường.
Theo Wall Street Journal, Reuters