Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng nhận Halal – ‘chiếc vé’ để đưa hàng vào Malaysia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng nhận Halal - 'chiếc vé' để đưa hàng vào Malaysia

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Malaysia được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng sau đại dịch Covid-19, nhưng để bước vào thị trường với hơn 60% dân số theo đạo Hồi này đòi hỏi sản phẩm của doanh nghiệp phải có chứng nhận về Halal.

Nền kinh tế với thu nhập bình quân 11.200 đô la Mỹ/người/năm này được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với nhóm hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, thực phẩm công nghiệp, đồ uống, giày dép,… Đáng chú ý, khi đã đưa hàng vào thị trường này, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị thường với chứng nhận Halal khác trên thế giới.

Chứng nhận Halal - 'chiếc vé' để đưa hàng vào Malaysia
Ông Raphy MD Radzi chia sẻ thông tin với doanh nghiệp Việt Nam về thị trường Malaysia tại hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được đại diện phía Malaysia và các doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động kinh doanh ở thị trường này chia sẻ tại hội thảo “Malaysia - Thị trường xuất khẩu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam sau Covid-19” vào ngày 16-7 tại TPHCM.

Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức nhằm cung cấp những thông tin tổng quan về thị trường Malaysia, những lưu ý khi kinh doanh tại Malaysia và xu hướng nhập khẩu của thị trường này.

Theo ông Raphy MD Radzi, Lãnh sự Thương mại Văn phòng Thương vụ Tổng lãnh sự quán Malaysia (Matrade), khi đưa hàng vào Malaysia doanh nghiệp không chỉ khai thác thị trường bản địa với hơn 32,7 triệu dân mà có thể mở rộng ra các thị trường cho người đạo Hồi khoảng 1,8 tỉ dân trên thế giới.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nếu khai thác thị trường Malaysia thì cần chú ý đến việc đạt chứng nhận của người theo đạo Hồi (Halal) để từng bước mở rộng thị trường cho người đạo hồi trên thế giới.

Từ năm 2016, Malaysia đã vượt qua Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN sau Thái Lan.

Năm 2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Malaysia đạt 11,122 tỉ đô la, chiếm 19,3% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước thành viên ASEAN. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia đạt 3,788 tỉ đô la, chiếm 15,% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào các nước ASEAN.

Việc tư vấn, xem xét và cấp chứng nhận đạt Halal được thực hiện bởi một số tổ chức đại diện của Malaysia tại Việt Nam. Và nếu những doanh nghiệp đã đạt được các tiêu chuẩn quốc tế khác như ISO, HACCP, BRC... thì việc xem xét để đạt tiêu chuẩn chứng nhận Halal sẽ thuận lợi hơn.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, bà Lương Nhã Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Beyond World, doanh nghiệp có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại Malaysia, cho rằng thị trường này còn nhiều tiềm năng để khai thác.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế, chú trọng khai thác khoảng trống thị trường Halal vốn còn dư địa rất lớn tại Malaysia - nơi có hơn 60% dân số theo đạo Hồi,

"Đại chứng nhận Halal cũng đồng nghĩa với việc có chìa khóa để mở cánh cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có công dân theo đạo Hồi, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng mới, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho doanh nghiệp Việt Nam", bà Hiền nói.

Malaysia đang đẩy mạnh công nghiệp hóa nên có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp. Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh khi thâm nhập vào thị trường này như gạo, trái cây, rau củ, trang phục công sở, hải sản, tiêu, giày dép, nội thất văn phòng…

"Một số mặt hàng ghi nhận nhu cầu tăng mạnh ở Malaysia thời gian gần đây là khẩu trang y tế, găng tay, đồ bảo hộ y tế do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu", bà Hiền nói.

Trên thực tế, tại Việt Nam có rất ít người Hồi giáo nên doanh nghiệp Việt vẫn chưa quen với việc sản xuất sản phẩm và cung cấp các dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Đó là chưa kể các tiêu chuẩn Halal của từng quốc gia lại rất khác nhau khiến nhà sản xuất lúng túng trong việc áp dụng từng bộ tiêu chuẩn của từng nước Hồi giáo.

Để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal theo yêu cầu của thị trường, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng trước các tiêu chuẩn Halal để khi có đơn hàng, việc xin giấy chứng nhận sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn,...

Cầu nối giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào Malaysia hậu Covid-19

Chia sẻ tại buổi hội thảo, bà Lương Nhã Hiền cũng giới thiệu về chương trình Khảo sát thị trường Malaysia; chương trình Triển lãm sản phẩm Việt Nam; và Hội nghị kết nối các nhà mua hàng tại Malaysia năm 2021 do Beyond World tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội tiếp cận với nhà mua hàng tại Malaysia, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này thời kỳ hậu Covid-19.

Ngoài ra, đại diện Công ty TNHH Beyond World cũng thông tin đến các doanh nghiệp về dự án chợ Việt Nam tại Kuala Lumpur. Đây sẽ là chợ đầu mối chủ chốt tạo cơ hội xuất khẩu hàng Việt và tạo nơi giao thương (B2B) cho doanh nghiệp hai nước.

Chợ nằm trong tòa nhà Safuan Plaza cao 24 tầng mới hoàn thành vào năm 2019, có vị trí là một trong những khu vực năng động ở thủ đô Kuala Lumpur, bên cạnh các trung tâm mua sắm lớn, đường phố thương mại và các địa điểm du lịch nổi tiếng. Chợ có quy mô 6 tầng trung tâm thương mại với 200 gian hàng sẽ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, thời trang dệt may, cơ khí, máy móc, mỹ phẩm, các sản phẩm dịch vụ… của Việt Nam.

Công ty TNHH Beyond World là đơn vị chịu trách nhiệm dự án chợ Việt Nam và trực tiếp cho doanh nghiệp thuê các gian hàng tại đây.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới