Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nợ của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng suy thoái trầm trọng vì Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nợ của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng suy thoái trầm trọng vì Covid-19

Vũ Quang Việt

(TBKTSG) - Nợ của doanh nghiệp Việt Nam đã lên đến 392% GDP (số liệu năm 2017). Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu dịch Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ. Vậy giải pháp để giải quyết vấn đề này là gì?

 

Nợ của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng suy thoái trầm trọng vì Covid-19
Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng trả nợ. Ảnh: THÀNH HOA

Tình hình kinh tế thế giới đang tiến triển rất không tốt. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam là thuộc loại cao nhất thế giới, như năm 2018 chiếm 106% GDP. Cho nên giảm xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam lại đang phụ thuộc rất lớn vào Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Hai thị trường này nếu đình đốn thì rất có thể kinh tế Việt Nam cũng sẽ đình đốn theo. Để làm hàng xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu và bán thành phẩm, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nói cách khác, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành “phương tiện” cho các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập gián tiếp vào thị trường các nước Mỹ và EU.

Tình hình kinh tế của các đối tác xuất khẩu của Việt Nam như thế nào?

Rõ ràng là không tốt. Số liệu mới nhất ở Mỹ và châu Âu cho thấy GDP quí 2-2020 giảm mạnh chưa từng thấy so với quí 1. Ở Mỹ, quí 2 giảm 9,5% so với quí 1 và nếu giảm như thế cả năm thì sẽ giảm 32,9% so với năm trước. Tình hình ở châu Âu còn tệ hơn Mỹ, quí 2 giảm 11,9%. Chỉ có Trung Quốc là khá lên, mặc dù mức tăng thua xa những năm trước, chỉ còn gần một nửa. Nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam từ tháng 5-2020 đã giảm 5,8%. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam còn giảm mạnh hơn, tới 23%. Điều đó cho thấy sức cầu của Việt Nam đã giảm mạnh.

Ảnh hưởng với kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?

GDP quí 2 coi như không tăng (+0,36%). Tuy thế mọi dấu hiệu ở trên và thêm báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam có thể còn tệ hơn trong những quí tới, GDP tăng trưởng âm gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Đã có 3 triệu người mất việc làm; lao động trong công nghiệp giảm 1,8%, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 61,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 0,4%, xuất khẩu chỉ tăng 0,2%, nhập khẩu giảm 2,9%.

Ở đây chỉ xin nói về ảnh hưởng của nợ và khả năng trả nợ của doanh nghiệp Việt Nam khi tình hình kinh tế xấu đi. Hiện nay tỷ lệ nợ của doanh nghiệp, tức là các công ty có đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, là rất lớn. Số liệu trong tổng điều tra doanh nghiệp 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy nợ của các loại hình doanh nghiệp lên tới 392% GDP. Chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là không có vấn đề.

Nếu chỉ nhìn vào nợ của doanh nghiệp phi tài chính, vì nợ của khu vực tài chính dựa vào nguồn tiền gửi (cũng là vay) của khách hàng, thì nợ của các doanh nghiệp này cũng rất cao, lên tới 243% GDP. Nếu tính theo vốn sở hữu, nợ của doanh nghiệp phi tài chính là 1,6; tức là có 1 đồng vốn thì nợ thêm đến 1,6 đồng. Theo nguyên tắc an toàn thì có 1 đồng mới có thể mượn thêm được 1 đồng.

Nợ của doanh nghiệp nhà nước tạo ra rất ít việc làm tính trên vốn bỏ ra; lợi nhuận cao hơn doanh nghiệp tư nhân nhưng thấp xa so với doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sở hữu của doanh nghiệp FDI cao nhất, nhưng vì chủ yếu sử dụng lao động rẻ tiền nên số lao động tạo ra có tỷ lệ cao nhất (bảng 5).

Bây giờ xét qua về lãi phải trả so với tỷ lệ lợi nhuận công ty. Lạm phát ở Việt Nam bảy tháng đầu năm 2020 so với bảy tháng đầu năm 2019 như sau: chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07%; lạm phát cơ bản tăng 2,74%.

Trong khi đó, tháng 8-2020, lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng tùy theo kỳ hạn là từ 3,7 đến gần 8%/năm. Như vậy, lãi suất thực cao hơn lạm phát có thể lên 4% tính theo kỳ hạn một năm.

Nhưng lãi suất cho vay cũng rất cao, ở mức 8-12%/năm và đạt mức cao nhất nếu là vay dài hạn trên một năm.

Với lãi suất cao như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân khó lòng mà trụ được. Theo như số liệu, năm 2017 là năm kinh tế phát triển khá tốt, GDP tăng 6,9%, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu của doanh nghiệp tư nhân chỉ có 4,1% và của doanh nghiệp nhà nước là 10,4%, đều thấp hơn lãi suất đi vay dài hạn.

Với dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở Việt Nam, ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng có thể sẽ bị đình đốn hoàn toàn (vào tháng 7 đã giảm 61%), cộng thêm với tình hình xuất khẩu sang Mỹ và EU giảm, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn giảm hơn nữa, đưa đến nguy cơ mất khả năng trả nợ rồi phá sản. Nguy cơ này đặc biệt cao với doanh nghiệp tư nhân nội địa, vì ngay cả trong điều kiện kinh tế thuận lợi thì tỷ suất lợi nhuận của họ đã là quá thấp.

Giải pháp tạm thời là tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Thông tư số 1 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó yêu cầu ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ và thời hạn trả nợ, cũng như miễn giảm lãi và phí đối với dư nợ phải trả ba tháng sau khi Thủ tướng tuyên bố là hết dịch. Nhưng quyết định này có lẽ không đủ, vì thời gian dịch và ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế sẽ kéo dài. Ngân hàng Nhà nước có thể cần mua lại nợ này từ ngân hàng thương mại theo dạng repo với cùng lãi suất thấp, thậm chí là bằng không nhằm cung cấp thêm tín dụng để phục vụ khách hàng. Vấn đề là phải có biện pháp ngăn chặn các hành động gian dối.

Vì nợ của doanh nghiệp Việt Nam quá lớn, về lâu dài, cần có một ủy ban cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có nợ xấu, ủy ban này phải vừa có chuyên gia đủ khả năng và về mặt chính trị có đủ thẩm quyền tổ chức lại ban quản lý, bán đi hoặc giải thể doanh nghiệp nếu cần. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn hiện nay không thể làm được những việc trên. 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới