Khu đô thị quốc tế Đa Phước: 15 năm, nhiều điều chỉnh, lắm sai phạm
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Sau ba năm tiến hành việc thanh tra, Thanh tra Chính phủ ngày 14-8 đã có kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng. Hàng loạt sai phạm của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp đã được nêu ra.
Nhà trưng bày dự án The Sunrise Bay nằm trong khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước được hình thành từ năm 2005. Ảnh: Nhân Tâm |
Từ chuyện một người hai tên ký kết hợp đồng…
Tại thời điểm thanh tra vào năm 2017, Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước được triển khai đồng thời hai dự án. Dự án thứ nhất là Khu đô thị quốc tế Đa Phước diện tích 181 ha (gọi tắt là Dự án 181 ha) và dự án thứ hai mang tên Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình.
Từ năm 2006 đến trước năm 2015, tổ chức thực hiện Dự án 181 ha là Công ty TNHH Daewon Cantavil, vốn điều lệ là 66,142 tỉ đồng. Công ty tăng vốn điều lệ lên 672,7 tỉ đồng do có thêm góp vốn từ Công ty cổ phần Xây dựng 79.
Tháng 10-2016, Công ty Daewon Cantavil chuyển nhượng hết cổ phần của mình cho Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79. Chủ đầu tư thực hiện dự án được đổi lại thành Công ty TNHH The Sunrise Bay. (hai chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79).
Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng 79 được đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79. Vào tháng 6-2015, Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, ký hợp đồng chuyển nhượng hết vốn tại công ty cho một cá nhân mang tên Lê Văn Sáu.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra số 1399, Phan Văn Anh Vũ và Lê Văn Sáu là một người. Do đó, hợp đồng (không số) ngày 29-6-2015 chuyển nhượng vốn này không đủ điều kiện để xác lập giao dịch giữa các bên theo quy định tại Khoản 5, Điều 144, Bộ Luật Dân sự năm 2005.
Bên cạnh đó, mặc dù có sự thay đổi về thông tin liên quan đến nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Nghị định 181/205/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ.
Vì vậy, theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp vào tháng 6-2016 thì hai nhà đầu tư của dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước vẫn là Công ty TNHH Daewon và Công ty cổ phần Xây dựng 79 và tổ chức kinh tế thực hiện dự án là Công ty TNHH Daewon Cantavil.
...đến việc có dấu hiệu trốn thuế
Trong khi đó, dự án thứ hai mang tên Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình được xây dựng trên diện tích 29 (gọi tắt là Dự án 29 ha) do Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước thực hiện.
Ban đầu vào năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 góp vốn liên doanh với Daewoo Cantavil để đầu tư Dự án 29 ha này. Sau đó, Công ty cổ phần Xây dựng 79 chuyển nhượng hết vốn của mình tại dự án cho ông Võ Ngọc Châu, tại thời điểm đó là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước.
Dự án đang bị dừng triển khai để xử lý những vi phạm liên quan đến UBND thành phố Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"). Ảnh: Nhân Tâm |
Theo quy định pháp luật, Công ty cổ phần Xây dựng 79 phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 573,369 tỉ đồng, nhưng công ty lại chỉ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bằng không đồng (0 đồng), có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
Ngoài ra, khi kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016, Công ty TNHH phát triển nhà Đa Phước chưa tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản doanh thu từ tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ hợp đồng, với số tiền 592,2 triệu đồng.
Liên quan đến việc thành lập, hoạt động góp vốn, chuyển nhượng vốn góp, hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh tế, chủ đầu tư thực hiện hai dự án là Dự án 29 ha và Dự án 181 ha, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng trong quá trình thực hiện kết luận điều tra, theo thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.