Từ tin đồn về Samsung, nhìn lại chính sách thu hút và giữ chân doanh nghiệp FDI
Phan Đình Mạnh
(TBKTSG Online) - Trong những ngày qua, truyền thông bàn luận về thông tin Samsung chuyển nhà máy (hoặc chuyển một phần đơn hàng từ các nhà máy tại Việt Nam sang các nhà máy tại Ấn Độ). Dù Samsung Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên nhưng trong làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài khỏi Trung Quốc, một câu hỏi quan trọng đã được đặt ra: làm sao thu hút, giữ chân và có được lợi ích tổng thể từ nhà đầu tư FDI?
Samsung Việt Nam nói gì về thông tin chuyển nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ
Samsung dời nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ?
Nếu đặt lên bàn cân giữa hai trường hợp Việt Nam và Ấn Độ trong các nhân tố để thu hút và giữ chân FDI thì lợi thế cạnh tranh là tương đương nhau ở những khía cạnh chính. Ảnh: Tư liệu TBKTSG |
Việt Nam và Ấn Độ: lợi thế cạnh tranh tương đương nhau
Các công ty đa quốc gia hay xuyên quốc gia (gọi chung là MNE) thực hiện các hoạt động đầu tư nước ngoài từ hai nguyên nhân chính: mục tiêu kinh tế (hay lợi nhuận) và mục tiêu chiến lược (hay mục tiêu dài hạn và phục vụ gián tiếp cho mục tiêu lợi nhuận). Mục tiêu kinh tế gồm chi phí nhân công thấp và kỹ năng lao động tốt, nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào và dễ tiếp cận, các ưu đãi thuế cao và có thị trường đầu ra sản phẩm tốt. Còn mục tiêu chiến lược là tiếp cận được nguồn lực khan hiếm và khả năng học hỏi cũng như mạng lưới công nghiệp dày đặc.
Trong khi đó, từ phía nước nhận đầu tư, mục tiêu cơ bản thu hút đầu tư là giải quyết vấn đề việc làm trong nước, và tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế khác trong nước phát triển và một phần để thu thuế.
Nếu đặt lên bàn cân giữa hai trường hợp Việt Nam và Ấn Độ trong các nhân tố để thu hút và giữ chân FDI thì lợi thế cạnh tranh là tương đương nhau ở những khía cạnh chính.
Về quy mô thị trường và nguồn lao động: dân số Ấn Độ cao gấp 13 lần Việt Nam nên thị trường nội địa của Ấn Độ có quy mô rất lớn so với Việt Nam. Tuy nhiên, bù lại Việt Nam lại có thị trường ASEAN với 600 triệu dân và nhiều hiệp định thương mại tự do (như EVFTA và 12 hiệp định khác đang thực hiện) nên hàng hóa từ Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường khác với dung lượng hàng trăm triệu người và có nhu cầu chi trả cao. Thực tế, Ấn Độ đang bị thâm hụt thương mại đối với hàng hóa hữu hình (không tính dịch vụ) khi nước này hàng năm chi đến 500 tỉ đô la Mỹ cho hàng hóa nhập khẩu trong khi xuất khẩu khoảng 300 tỉ đô la.
Năm 2019, kim ngạch song phương hai nước Việt Nam - Ấn Độ đạt 11,3 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là 6,6 tỉ đô la, tăng 2,1% so với 2018, và chiều ngược lại xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam là 4,7 tỉ đô la, tăng 8,1% so với 2018. Mặt hàng điện thoại từ Việt Nam luôn chiếm một cơ cấu cao trong danh mục mặt hàng xuất khẩu hàng đầu vào Ấn Độ. Theo đó, Ấn Độ đã nhập hơn 1 tỉ đô la mặt hàng này trong 10 tháng đầu năm 2019 với mức tăng hơn 60%.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Ấn Độ đã lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 50 mặt hàng bao gồm điện tử, đồ điện... với giá trị nhập khẩu khoảng 56 tỉ đô la từ Trung Quốc và các nước kể cả ASEAN. Đây là một phần trong kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính Ấn Độ cho giai đoạn 2020-2021 bắt đầu từ ngày 1-2, cùng với các biện pháp kích thích khác nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế mà nước này đang phải gánh chịu. Mục đích là hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu vào Ấn Độ.
Ưu đãi đột phá của của Ấn Độ
Bên cạnh các biện pháp nhập khẩu, Chính phủ Ấn Độ cũng đã nới lỏng các hạn chế và định mức thương mại để khuyến khích các nhà sản xuất di động thiết lập cơ sở tại nước này. Theo báo cáo mới nhất của tờ Economic Times của Ấn Độ, Bộ Thương mại của nước này đã quyết định dỡ bỏ một loạt các quy định và giúp các thương hiệu nhiều hơn trong việc ra quyết định cho hoạt động sản xuất tại nước này. Tất cả những điều này có khả năng sẽ thu hút những gã khổng lồ như Apple chuyển đơn vị sản xuất khỏi Trung Quốc và tìm cách thiết lập cơ sở tại Ấn Độ (hoặc các nước ASEAN) trong những năm tới.
Hiện tại có hàng loạt thương hiệu đang “xếp hàng” để nhận các ưu đãi kèm theo Chương trình liên kết sản xuất trị giá hàng tỉ đô la này. Những công ty như Vivo, Foxconn, Samsung, Wistron và Oppo là trong số những ứng viên sẽ nộp đơn cho đề xuất này. Ngay cả những thương hiệu như Xiaomi cũng có thể gia nhập hàng ngũ này.
Lợi ích chiến lược và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam
Các nhân tố trên được xem là thách thức lớn cho các nước nhận đầu tư FDI như Việt Nam hay các nước Đông Nam Á. Bởi chúng có thể làm tăng lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ trong ngắn hạn do ưu đãi cao, thị trường trực tiếp lớn. Trong khi đó, các ưu đãi trực tiếp (thuế hay các khoản ưu đãi tài chính khác) của các quốc gia khác khó có thể cao hơn do tình trạng kinh tế khó khăn
Tuy nhiên, Ấn Độ chưa hoàn toàn chiếm ưu thế về lợi ích chiến lược so với các quốc gia khác như Việt Nam. Ở mặt đầu tư chiến lược, các công ty thường chọn các quốc gia về khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng và có kỹ năng tay nghề cao, có nền tảng công nghệ thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D) tốt, đặc biệt là các quốc gia có mạng lưới các công ty cùng ngành tập trung theo địa lý để tạo nên các tổ hợp công nghiệp mà ở đó hệ thống hỗ trợ là hoàn hảo, dịch vụ hậu cần đảm bảo và một bộ phận các công ty công nghệ cao phụ trợ và học hỏi lẫn nhau.
Đây chính là yếu tố còn thiếu của các công ty Ấn Độ. Nếu quốc gia nào có thể tận dụng để phát triển các yếu tố này thì các MNE này sẽ lựa chọn quốc gia đó. Phát triển mạng lưới doanh nghiệp không chỉ là mục tiêu phục vụ doanh nghiệp MNE mà còn là mục tiêu phát triển doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế gần các cứ điểm cung cấp đầu vào như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan - nơi có nguồn cung linh kiện dồi dào cho hoạt động sản xuất lắp ráp. Muốn vậy, cần tạo hệ thống logistic nội địa cũng như hệ thống logistic quốc tế ổn định và cạnh tranh để tạo thuận lợi cho mục tiêu giao thương này.
Phát triển mạng lưới nhà cung ứng, gia công từ kinh nghiệm của Nhật Bản Chính phủ Nhật Bản rất tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động khác nhau nhằm thúc đẩy và khuyến khích thực hành hợp đồng phụ trong nền kinh tế quốc dân (hợp đồng phụ là hợp đồng của công ty MNE cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay còn gọi là nhà thầu phụ). Trong đó, Viện Nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản đã: - Thành lập các trung tâm trợ giúp thầu phụ trên toàn quốc để giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án; - Tăng cường thông tin công khai về cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trúng thầu các đơn hàng liên quan đến mua sắm công; - Tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hành hợp đồng phụ công bằng; - Khuyến khích các dịch vụ trung gian kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm đối tác kinh doanh mới; - Thực thi nghiêm ngặt một số luật ảnh hưởng trực tiếp đến hợp đồng phụ (ví dụ: Luật Đảm bảo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lớn; Luật Chống độc quyền quy định các phương thức kinh doanh không lành mạnh; Luật Khuyến khích nhà thầu phụ; Luật Phòng chống sự chậm trễ trong việc thanh toán các khoản phí hợp đồng phụ và các vấn đề liên quan). Một phần nhờ có những quy định và chính sách trên mà Nhật Bản đã phát triển được mạng lưới nhà thầu phụ phát triển hàng đầu thế giới, cung cấp nguồn nguyên phụ kiện cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng như xuất khẩu sang các nhà máy lắp ráp khắp Đông Nam Á. |