Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Apple, công ty Mỹ đầu tiên chạm mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Apple, công ty Mỹ đầu tiên chạm mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Hôm qua, giá trị vốn hóa của hãng Apple cán mốc 2.000 tỉ đô la Mỹ. Mốc vốn hóa mang tính biểu tượng này cũng xác nhận thành công của Giám đốc điều hành Tim Cook trong nỗ lực thay đổi câu chuyện tăng trưởng Apple. Giới đầu tư giờ đây bắt đầu nhận thấy hoạt động kinh doanh của Apple ngày càng giống với một công ty phần mềm hơn nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng dịch vụ.

Apple, công ty Mỹ đầu tiên chạm mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la
Sáng tạo lớn nhất của Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, trong những năm gần đây là xây dựng khả năng kiếm tiền cho Apple mà không công ty công nghệ nào sánh kịp. Ảnh: Fox Business

Sự kiện này đánh dấu đỉnh cao mới sau cơn tăng giá cổ phiếu thần tốc kể từ cuối tháng 3 đồng thời khẳng định sức mạnh dẫn đầu trong số các tập đoàn công nghệ đang dẫn dắt Phố Wall trong thời kỳ dịch bệnh.

“Mức vốn hóa 2.000 tỉ đô la của Apple tương đương 10% GDP của Mỹ và 7% tổng vốn hóa của chỉ số S&P 500. Các dòng sản phẩm iPhone của Apple hiện diện khắp mọi nơi. Chúng thay đổi toàn diện cách sống của chúng ta. Hệ sinh thái của Apple có sự tự chủ lớn”, David Kass, Giáo sư tài chính ở Trường Kinh doanh  Robert H. Smith thuộc Đại học Maryland (Mỹ), nhận xét.

Vốn hóa tăng thêm 1.000 tỉ đô chỉ trong 21 tuần

Mất 42 năm kể từ ngày thành lập Apple mới đạt mức vốn hóa 1.000 tỉ đô la Mỹ vào tháng 8-2018. Nhưng hãng ‘Quả táo khuyết’ chỉ mất hơn hai năm để cán mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Hôm 19-8, Apple trở thành công ty Mỹ đầu tiên cán mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la Mỹ khi giá cổ phiếu Apple tăng 1,2% lên mức 467,78 đô la trong phiên giao dịch buổi sáng. Dù vậy, đến cuối phiên giao dịch, vốn hóa của Apple lùi về mức 1.979 tỉ đô la do đà tăng của cổ phiếu Apple bị thu hẹp.

Công ty đầu tiên đạt mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la là Tập đoàn dầu khí nhà nước Ả rập Saudi, Saudi Aramco, sau khi tập đoàn này niêm yết cổ phiếu hồi tháng 12 năm ngoái. Nhưng kể từ đó, giá trị vốn hóa của Saudi Aramco tụt dần về mức 1.800 tỉ đô la và bị Apple vượt mặt vào cuối tháng 7.

Điều ấn tượng hơn là Apple chứng kiến vốn hóa tăng thêm 1.000 tỉ đô la chỉ trong vòng 21 tuần qua trong lúc nền kinh tế toàn cầu suy sụp với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong cơn khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Hồi giữa tháng 2, vốn hóa của Apple đang hướng đến mốc 1.500 tỉ đô la Mỹ nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến nước Mỹ, giá cổ phiếu Apple lao dốc, khiến vốn hóa Apple giảm về dưới mốc 1.000 tỉ vào cuối tháng 3. Kể từ đó, giá cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ và vượt qua đỉnh cũ.

Aswath Damodaran, giáo sư tài chính ở Đại học New York, cho rằng giới đầu tư đang đổ xô mua cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ để nương náu tài sản. Ông nhận định các tập đoàn giàu có, linh hoạt và số hóa đang được hưởng lợi trong đại dịch Covid-19.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng này càng làm mạnh thêm các công ty vốn dĩ đã mạnh”. Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook giờ đây đang nắm giữ 20% tổng vốn hóa của toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ, mức cao chưa từng thấy ở bất kỳ ngành nào trong ít nhất 70 năm qua.

Mức vốn hóa 2.000 tỉ đô la là một cột mốc quan trọng khác đối với nhà sản xuất iPhone, đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính Mac, đồng thời củng cố ngôi vị công ty đại chúng giá trị nhất thế giới của Apple và cho thấy đại dịch Covid-19 hóa ra là ‘vận may lớn’ đối với các ông lớn công nghệ.

Kể từ sau khi Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố các biện pháp quyết liệt để kích thích kinh tế vào hôm 23-3, thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là cổ phiếu của Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook, phục hồi mạnh mẽ, đưa chỉ số S&P 500 lên đỉnh cao mới vào ngày 18-8.

Giới đầu tư đã rót hàng tỉ đô la Mỹ vào cổ phiếu của các ông lớn công nghệ khi đặt cược rằng quy mô và quyền lực thị trường khổng lồ của chúng sẽ là nơi trú ẩn an toàn trong cơn suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Tổng giá trị vốn hóa của năm công ty trên đã tăng thêm gần 3.000 tỉ đô la Mỹ kể từ ngày 23-3.

Hoạt động kinh doanh của Apple càng sôi động khi đại dịch Covid-19 buộc hàng trăm triệu người dân khắp nơi trên thế giới phải làm việc, học hành và giải trí, trò chuyện trên không gian mạng. Trong quí 2-2020, ngay cả khi Apple đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ Apple Store, lợi nhuận của Apple vẫn đạt 11,25 tỉ đô la, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi rất quan trọng với cuộc sống của khách hàng và trong một số trường hợp, còn quan trọng hơn bao giờ hết trong thời kỳ dịch bệnh”, Luca Maestri, Giám đốc tài chính Apple, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng trước.

Apple cán mốc vốn hóa 2.000 tỉ đô la Mỹ trong phiên giao dịch sáng 19-8 sau cơn tăng giá cổ phiếu thần tốc kể từ cuối tháng 3. Trong 10 năm qua, vốn hóa Apple (đường màu vàng) đã tăng 764%, trong khi đó, vốn hóa của chỉ số S&P 500 tăng 183%. Ảnh: CNBC

Hệ sinh thái ‘khóa chân’ người dùng

Vốn hóa của Apple tăng tốc lên mức 2.000 tỉ đô la Mỹ đặc biệt gây bất ngờ vì công ty này không đưa ra các sản phẩm sáng tạo đột phá trong hai năm qua. Apple chỉ đơn giản xây dựng một cỗ máy kiếm tiền hiệu quả nhất trong ngành công nghệ nhờ kiểm soát cách mà mọi người liên lạc, giải trí và mua sắm thông qua hệ sinh thái của công ty này.

Apple đạt mốc vốn hóa 1.000 tỉ đô la Mỹ vào tháng 8-2018 sau nhiều thập kỷ sáng tạo. Apple, được thành lập vào năm 1976 bởi Steve Jobs và Steve Wozniak, đã liên tục giới thiệu những sản phẩm làm thay đổi thế giới như máy tính Macintosh, máy nghe nhạc iPod, điện thoại di động iPhone, kho ứng dụng App Store, đồng hồ thông minh Apple Watch.

Kể từ đó, Apple chủ yếu cải tiến những sáng tạo đã có sẵn, bán những sản phẩm với cái tên thể hiện tính kế thừa như Apple Watch Series 5, AirPods Pro, iPhone 11 Pro Max.

Apple bắt đầu hái quả ngọt sau khi dấn sâu vào mảng dịch vụ bao gồm phát nhạc số, phát phim ảnh và các chương trình truyền hình trực tiếp, cung cấp tin tức.

Giới đầu tư yêu thích cổ phiếu Apple là bởi công ty này ghi nhận doanh thu tăng vọt từ kho ứng dụng App Store, dịch vụ thuê bao nhạc số Apple Music, thuê bao game Apple Arcade, thuê bao truyền hình trực tuyến Apple TV+ cho đến dịch vụ điện toán đám mây iCloud, ví điện tử Apple Pay.

Nắm trong tay cả tỉ người dùng iPhone, Apple.đang muốn xây dựng mảng dịch vụ trở thành “con bò sữa” tiếp theo.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang hồ hởi chờ đợi sự ra mắt của iPhone 12, được kỳ vọng sẽ có kết nối 5G.

Paolo Pescatore, nhà phân tích công nghệ ở Công ty PP Foresight, nói: “Mọi con mắt giờ đây đang tập trung vào mẫu iPhone 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu người dùng”.

Có thể nói dưới thời kỳ dẫn dắt của Giám đốc điều hành Tim Cook, sáng tạo quan trọng nhất của Apple trong những năm gần đây là.... khả năng kiếm lợi nhuận không công ty công nghệ nào sánh kịp.

Ông Cook đã xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu tinh tế để sản xuất hàng tỉ thiết bị mỗi năm, hầu hết được lắp ráp tại Trung Quốc và dựa vào một tuyến sản phẩm (iPhone) được thiết kế để ‘khóa chân’ người dùng vào hệ sinh thái của Apple, vì vậy, cứ sau vài năm, họ phải mua thiết bị mới của Apple và trả phí hàng tháng để sử dụng các dịch vụ số hóa của Apple.

Apple cũng tăng trưởng nhờ thu phí ngày càng nhiều hơn từ các công ty đang dựa vào kho ứng dụng App Store để kinh doanh. Chẳng hạn, Apple thu phí hoa hồng 30% đối với doanh thu mà các nhà phát triển kiếm được nhờ bán ứng dụng cho khách hàng thông qua App Store.

Apple cũng sử dụng chính sách mua cổ phiếu quỹ như là một công cụ quyền lực khác để tăng mức định giá cổ phiếu và làm giàu cho các nhà đầu tư và các lãnh đạo của Apple, vốn cũng là các cổ đông lớn của công ty này.

Apple đã bỏ ra 360 tỉ đô la để mua cổ phiếu quỹ kể từ năm 2012, cao hơn bất cứ công ty nào trên thị trường chứng khoán Mỹ. Gần đây, Apple thông báo kế hoạch chi ít nhất hàng chục tỉ đô la nữa để mua cổ phiếu quỹ. Mua lại cổ phiếu thường giúp giá cổ phiếu của một công ty tăng, một phần là vì điều này làm giảm lượng cổ phiếu có thể bán của công ty đó trên thị trường chứng khoán.

Theo New York Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới