Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hồ trữ ngọt mới hoạt động đã bị mặn ‘tấn công’, Bến Tre lại muốn xây hồ to hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồ trữ ngọt mới hoạt động đã bị mặn ‘tấn công’, Bến Tre lại muốn xây hồ to hơn

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Có một dự án hồ trữ nước ngọt được xem là lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa đưa vào sử dụng đã bị nước mặn “tấn công”, thất bại ngay trong mùa khô đầu tiên 2019-2020, nhưng tỉnh Bến Tre nay lại muốn đầu tư cho một dự án hồ nước ngọt khác có quy mô còn lớn hơn.

Hồ trữ ngọt mới hoạt động đã bị mặn ‘tấn công’, Bến Tre lại muốn xây hồ to hơn
Phối cảnh hồ trữ ngọt Lạc Địa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang được đề xuất đầu tư. Ảnh: VN Express.

Dự án này bị mặn, đề xuất dự án khác

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (hồ trữ ngọt kênh Lấp), huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre được đầu tư xây dựng từ năm 2017 trên địa bàn các xã Tân Xuân, Phước Tuy và Phú Ngãi với công suất chứa khoảng 800.000 m3, có tổng vốn đầu tư khoảng 85 tỉ đồng. Dự án được xem là lớn nhất ở ĐBSCL này được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2019 với kỳ vọng cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 200.000 dân tại 24 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Tri.

Tuy nhiên, khi mới đưa vào sử dụng, thì ngay trong mùa khô 2019-2020 vừa qua, dự án đã bị nước mặn xâm nhập, chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng hay nói cách khác dự án đã bị thất bại ngay mùa khô đầu tiên sau khi khánh thành.

Dù bị thất bại ở dự án hồ trữ ngọt, nhưng tỉnh Bến Tre vừa có báo cáo đề xuất dự án xây dựng hồ trữ nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với tổng vốn đầu tư trên 352 tỉ đồng từ ngồn ngân sách Trung ương hỗ trợ bố trí thực hiện dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Theo báo cáo đề xuất, dự án thuộc nhóm B do UBND tỉnh Bến Tre cấp quyết định chủ trương/quyết định đầu tư dự án. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, có thời gian thực hiện từ năm 2021-2025.

Mục tiêu chính của việc đầu tư dự án nêu trên được xác định là nhằm tạo nguồn trữ ngọt hỗ trợ cho các đối tượng trong vùng dự án khai thác bằng mọi biện pháp để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất trong suốt mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm) trước nguy cơ hạn mặn ngày càng cao.

Mặt khác, việc đầu tư dự án cũng nhằm tạo hồ để trữ ngọt, đáp ứng yêu cầu nước tối thiểu phục vụ đời sống cho người dân, nước uống cho gia súc, nước sinh hoạt cho trụ sở, văn phòng, trường học, trạm xá và hoạt động sản xuất của các cơ sở dịch vụ kinh tế, tiểu thủ công nghiệp trong huyện ngay trong mùa khô và trong tình hình hệ thống thủy lợi ngăn mặn của tỉnh chưa hoàn chỉnh…

Được biết, tổng dung tích hữu ích của hồ (ứng với mực nước chết âm 1,5 mét) là 1,3 triệu m³ và điều này được xác định dựa trên nhu cầu nước sinh hoạt, ăn uống của 59.545 dân trong huyện Ba Tri; nước uống cho 149.714 gia súc; nước hoạt động cho 340 cơ sở kinh tế, tiểu thủ công nghiệp; nước cho 255 phòng trạm xá, trường học, trụ sở cơ quan và lượng thất thoát do thấm, bốc hơi bằng 20% tổng nhu cầu sử dụng nước.

Từ nhu cầu nóitrên, báo cáo đề xuất đưa ra ba phương án quy hoạch sử dụng đất khu Lạc Địa để đầu tư dự án và phương án 1 được ưu tiên lựa chọn.

Theo đó, với phương này, tổng diện tích khu đất là 121,16 héc ta, bao gồm khu dân cư tập trung 10 héc ta; khu di tích lịch sử- văn hóa 13,5 héc ta và hồ nước ngọt là 97,66 héc ta (gồm hỗ trữ ngọt 56,7 héc ta, đất giao thông 10,56 héc ta và còn lại là đất cây canh, khu du lịch sinh thái).

Xây hồ có khả thi?

Liên quan đến việc đầu tư hồ trữ ngọt, trao đổi với TBKTSG Online gần đây, TS. Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng việc đầu tư các hồ chứa nước ngọt theo ông là không khả thi.

Bởi lẽ, thứ nhất, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt xảy ra ở những địa phương ven biển của ĐBSCL (Bến Tre là một trong những địa phương ven biển của vùng - PV), trong khi cấu trúc đất ở khu vực này là đất pha cát, thành ra không giữ được nước thấm ra ngoài lẫn nước biển thấm vô. “Chính yếu tố đó, nên muốn giữ được nước phải xử lý rất tốn kém”, ông Ni nhận định.

Bằng chứng dễ nhận thấy nhất là hồ trữ nước ngọt kênh Lấp - hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL- ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, được đầu tư khoảng 85 tỉ đồng nhưng chỉ sau khoảng sáu tháng đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố bị nhiễm mặn như trong mùa khô vừa qua.

Thứ hai, các nhà máy nhiệt điện than đã hình thành ở khu vực ven biển, cho nên cần phải đánh giá lại chất lượng không khí. Bởi, nếu làm hồ đã rất tốn kém, nhưng bị ô nhiễm từ nước mưa rơi xuống thì càng tốn kém hơn vì phải xử lý. “Nói chung, bài toán kinh tế cần phải tính”, ông Ni nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập, nếu chọn phương án làm các công trình ao, hồ, hay kênh trữ ngọt cho sinh hoạt ở vùng ven biển, có một số vấn đề cần cân nhắc.

Đầu tiên, cần rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất. Công trình trữ nước cho sản xuất khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt vì có thể bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất dẫn đến hiện tượng phú dưỡng hữu cơ hay tích tụ độc chất vô cơ. Nước trữ trong ao, hồ là nước tĩnh, do đó hàm lượng oxy trong nước là thấp và ít có khả năng tự làm sạch. Do đó, phải đảm bảo cắt mọi nguồn ô nhiễm có thể có vào nguồn nước này.

Thứ hai, cân nhắc giữa việc làm nhiều công trình nhỏ phân tán và một công trình lớn tập trung vì khi làm công trình lớn tập trung có thể tiện lợi cho việc quản lý, lắp đặt nhà máy xử lý nước, nhưng khoảng cách đến nhiều người dùng nước phân bố phân tán thì có thể xa và tốn kém, làm tăng giá thành của nước.

Thứ ba, các công trình ao, hồ, hay kênh trữ nước cần đặc biệt tính toán đến lượng thất thoát nước. Với lượng thất thoát lớn thì đòi hỏi ao, hồ đó phải đủ sâu vài mét, chứa được nhiều nước để bù bốc hơi, thấm. Nhưng, khi đào sâu thì lại phải xem xét có chạm đến tầng sinh phèn bên dưới hay không.

Thứ tư, do đặc điểm đất ven biển có thể có hàm lượng cát nhiều dễ thấm, khi làm ao hồ sâu để trữ nước thì có thể gặp phải thủy cấp mặn và có khả năng bị mặn thấm ngược vào trong, đặc biệt là khi mực nước ngọt trong ao, hồ thấp hơn mực thủy cấp mặn xung quanh. Do đó, các công trình ao, hồ cần cân nhắc đến việc gia cố lòng kênh, mái kênh để chống thấm và chống mặn, phèn xâm nhập và có thể phủ bề mặt bằng thực vật để giúp xử lý nước và giảm bốc hơi mặt thoáng.

Gợi ý nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn

TS. Dương Văn Ni cho rằng, cần so sánh giữa các phương án trữ nước ngọt, bao gồm trữ ở quy mô từng hộ gia đình, quy mô nhóm cộng đồng 10-20 hộ và quy mô rộng lớn ở từng xã/huyện, để xem xét phương án nào có hiệu quả kinh tế hơn. “Theo truyền thống của người dân, họ đã chọn trữ ở quy mô hộ gia đình, tức mỗi gia đình biết chính xác nhu cầu sử dụng bao nhiêu, trong bao lâu”, ông nhận xét.

Cũng theo ông Ni, việc tính toán phương án cho cho cả cộng đồng, như quy mô trữ bao nhiêu, trong bao lâu là rất khó, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thiện, cần đa dạng hóa các phương pháp đáp ứng nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt của người dân ven biển.

Công trình lớn để cấp nước sinh hoạt thì phù hợp hơn đối với các đô thị vì số người sử dụng nước nhiều, tập trung, có thu nhập cao. Thế nhưng, đối với vùng nông thôn thì công trình lớn sẽ gặp khó khăn về chi phí do số người sử dụng phân bố thưa thớt và thu nhập thấp.

Đối với vùng sát biển, người dân đã có kinh nghiệm trữ nước mưa và trữ nước mặt bằng các phương tiện tại gia đình như lu, khạp, bồn chứa, ao gia đình và điều này cần được hỗ trợ, khuyến khích. Tuy nhiên, do chất lượng không khí ngày nay đã bị ảnh hưởng từ các nguồn khói bụi và mưa a-xít, các cơ quan chức năng nên khảo sát chất lượng nước mưa để giúp người dân đảm bảo an toàn.

Ngoài các biện pháp theo kinh nghiệm truyền thống, có thể nghĩ tới các công nghệ mới ngày nay như màng lọc na-nô, thiết bị lọc nước biển và công nghệ RO (thẩm thấu ngược), hoặc dùng các túi chứa nước ngọt. Đối với các công trình áp dụng công nghệ cấp nước ở cấp cộng đồng, có thể nghĩ đến việc kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời để cấp điện cho các phương tiện này.

Ở ven biển vùng cửa sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh có rất nhiều giồng cát có chức năng lưu trữ nước ngọt tự nhiên ở tầng nông có độ sâu chỉ khoảng 10 mét hoặc có khi lộ thiên. Ông Thiện cho rằng khả năng trữ nước của các giồng cát này phụ thuộc vào độ lớn của giồng cát và thảm thực vật che phủ bên trên. Việc bảo tồn các giồng cát với chức năng trữ nước tự nhiên sẽ rẻ hơn nhiều so với các biện pháp khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới